1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Từ clip "xin vía" học giỏi: Hiểm họa sau các nội dung đội lốt video cho trẻ

Quang Huy

(Dân trí) - Ngày càng nhiều video nhắm đến đối tượng trẻ em, nhưng lại có nội dung "bẩn", nhảm nhí và thậm chí tuyên truyền các nội dung mê tín dị đoan…

Thơ Nguyễn, một trong những kênh Youtube nổi tiếng dành cho trẻ em, với hơn 8,7 triệu người theo dõi, mới đây đã đăng tải một đoạn video dành cho trẻ em, nhưng có nội dung mê tín dị đoan, với sự xuất hiện của một "búp bê ma". Trong đoạn clip này, Thơ Nguyễn đã làm hành động đầy mê tín để "xin vía" cho các bạn nhỏ được học giỏi.

Từ clip xin vía học giỏi: Hiểm họa sau các nội dung đội lốt video cho trẻ - 1

Hình ảnh Youtuber Thơ Nguyễn trong video "xin vía" từ búp bê khiến dư luận bức xúc.

Đoạn clip của Thơ Nguyễn đã nhanh chóng "gây sốt" và khiến nhiều bậc phụ huynh phẫn nộ vì hoàn toàn không phù hợp với lứa tuổi trẻ em và góp phần lan truyền mê tín dị đoan.

Nhiều bậc phụ huynh thường có thói quen để trẻ em xem video trên Youtube hay TikTok như một cách để trẻ chịu nghe lời và ngồi yên, không nghịch phá… đôi khi, nhiều người còn giao cả chiếc smartphone hoặc máy tính bảng cho trẻ em tự khám phá và xem video tùy ý trên Youtube và TikTok.

Tuy nhiên, điều này đang khiến cho trẻ em phải đối mặt với rất nhiều hiểm họa mà người lớn không lường trước được.

Nội dung bạo lực, đồi trụy "đội lốt" video trẻ em xuất hiện nhiều trên Youtube

Từ clip xin vía học giỏi: Hiểm họa sau các nội dung đội lốt video cho trẻ - 2

Một hình ảnh nhạy cảm xuất hiện trong một clip "đội lốt" dành cho trẻ em.

Khác với người lớn, trẻ em thường có thói quen xem đi xem lại một đoạn video mà mình yêu thích, điều này sẽ góp phần tăng lượng view cho các video trên Youtube và sẽ mang lại một khoản lợi nhuận không hề nhỏ cho các nhóm làm phim thông qua quảng cáo trên Youtube. Đây cũng là lý do mà chủ nhân của nhiều kênh Youtube thực hiện các đoạn video nhắm đến đối tượng trẻ em.

Dù các nền tảng mạng xã hội như Youtube, TikTok… có nhiều chính sách nghiêm ngặt về các nội dung video được chia sẻ, nhưng trên thực tế, nhiều người vẫn tìm cách "lách luật" để đăng tải những video với nội dung bạo lực hoặc khiêu dâm để thu hút được nhiều lượt xem. Đặc biệt, nhiều video với nội dung "người lớn" và bạo lực đội lốt các video dành cho trẻ em xuất hiện không ít trên Youtube, mà chủ nhân của những đoạn video này nhắm trực tiếp đến đối tượng người xem là trẻ em.

Cụ thể, lợi dụng tâm lý yêu thích những đoạn clip nhiều màu sắc và đặc biệt các nhân vật hoạt hình, siêu anh hùng... nhiều nhóm làm phim đã thực hiện những đoạn clip về các nhân vật hoạt hình, siêu anh hùng như công chúa Elsa (trong phim hoạt hình nổi tiếng "Nữ hoàng băng giá"), công chúa Bạch Tuyết, người Nhện (Spiderman)... ngoài đời thực, trong đó các diễn viên được hóa trang và mặc những bộ trang phục giống như các siêu anh hùng, sau đó các diễn viên này diễn lại những hành động ngoài đời thường.

Nhìn chung những đoạn clip này thường có nội dung chắp vá, nghèo nàn và không có lời thoại, tuy nhiên, việc các diễn viên mặc những bộ trang phục đầy màu sắc, bắt mắt và đặc biệt là giống với các nhân vật hoạt hình, siêu anh hùng, kết hợp với nhạc nền và hình ảnh đại diện hấp dẫn khiến nhiều trẻ em không thể bỏ qua và nhấn vào xem ngay khi nhìn thấy hiển thị trên Youtube.

Điều đáng nói, không chỉ nghèo nàn về nội dung mà những đoạn clip này còn có những chi tiết "người lớn" và thô tục hoàn toàn không phù hợp với trẻ em, chẳng hạn hình ảnh các công chúa xuất hiện trong những bộ bikini "thiếu vải" hay các hành động "gần gũi" giữa các nhân vật trong đoạn video, mà ngay cả người lớn khi xem cũng cảm thấy "đỏ mặt".

Từ clip xin vía học giỏi: Hiểm họa sau các nội dung đội lốt video cho trẻ - 3

Một video hoạt hình với nội dung bạo lực và máu me, hoàn toàn không phù hợp cho trẻ em.

Ngoài ra, nhiều video với nội dung bạo lực cũng được "đội lốt" trong các video trẻ em, với sự góp mặt của các nhân vật siêu anh hùng hoặc các nhân vật hoạt hình, nhưng lại có nội dung máu me, sử dụng vũ khí, hù dọa… hoàn toàn không phù hợp cho độ tuổi trẻ em.

Tràn ngập những video với thử thách nguy hiểm trên Youtube, TikTok

Từ clip xin vía học giỏi: Hiểm họa sau các nội dung đội lốt video cho trẻ - 4

Nhắc đến những mối nguy hại đối với trẻ em trên Youtube, TikTok, không thể không nhắc đến những video về những trào lưu và thử thách nguy hiểm được đăng tải tràn lan trên Youtube, trong đó phần lớn là những video được thực hiện bởi nhiều người trẻ Việt Nam.

Nhiều bạn trẻ đã thực hiện những đoạn video với nội dung nhảm nhí, thậm chí là điên rồ và nguy hiểm để đăng tải lên Youtube và TikTok, với mục đích duy nhất là khơi gợi trí tò mò của người xem và thu hút càng nhiều lượt xem càng tốt. Nổi bật trong đó là những video với nội dung "thử thách" để thực hiện để kiểm tra sức chịu đựng của con người, tuy nhiên trên thực tế, đây lại là những "thử thách" điên rồ và vô nghĩa, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng.

Thậm chí, một số kênh Youtube nổi tiếng, với lượng người đăng ký theo dõi lên đến hàng triệu người, mà đối tượng người xem chủ yếu là trẻ em,  thường xuyên đăng tải những video các trò đùa mạo hiểm, như "Thử thách 24h sống trong nhà dưới đất", "Thử thách bơi trên sông bằng túi nilon" hay "Thí nghiệm đun lon nước ngọt"… những video này thường thu hút rất đông lượt xem và sẽ rất nguy hiểm nếu trẻ em cũng thử thực hiện theo.

Những mối nguy khôn lường từ các video "bẩn" trên Youtube, TikTok

Một điểm chung của nhiều video "bẩn" và nhảm nhí trên Youtube và TikTok đó là thường có rất nhiều lượt xem, nhưng chủ yếu người xem là trẻ em và trẻ vị thành niên. Nguyên do chính khiến những video "bẩn" này thu hút nhiều trẻ em là vì chúng tường có tiêu đề khơi gợi trí tò mò và hình ảnh đại diện được thiết kế một cách bắt mắt, để ngay cả những trẻ em chưa biết đọc khi xem Youtube hay TikTok cũng cảm thấy tò mò và hấp dẫn để bấm vào xem.

Dù có nội dung "bẩn" và gây nguy hại cho trẻ em, chủ các kênh Youtube thường không bật chế độ giới hạn trẻ em cho video của mình vì điều này sẽ khiến giảm lượng tương tác dẫn đến giảm lượng xem của các video này. Do vậy, không quá khó để bắt gặp những video với nội dung "bẩn" và nhảm nhí xuất hiện ngay trên trang chủ Youtube hoặc ở các khu vực gợi ý.

Trong khi đó, với TikTok, chỉ cần lướt qua một vòng, không quá khó để bắt các video với nội dung những cô gái trẻ, đẹp… ăn mặc "mát mẻ", nhảy múa gợi cảm để quay video. Sẽ rất nguy hại nếu trẻ em xem những nội dung này và bắt chước theo phong cách ăn mặc, nhảy múa như những cô gái trên TikTok.

Từ clip xin vía học giỏi: Hiểm họa sau các nội dung đội lốt video cho trẻ - 5

Bé gái 4 tuổi suýt mất mạng vì thực hiện theo thử thách treo cổ trên TikTok.

Thậm chí, đã có trường hợp trẻ em thực hiện theo các thử thách nguy hiểm trên TikTok và suýt mất mạng. Như trường hợp một bé gái 4 tuổi sống tại Philippines, khi cô bé này thực hiện theo thử thách treo cổ mình xem được trên TikTok và suýt mất mạng nếu không được mẹ mình phát hiện kịp thời. Cuối tháng 1 vừa qua, một bé gái 10 tuổi sống tại Ý đã sử dụng thắt lưng quấn quanh cổ để thực hiện theo "thử thách bất tỉnh" trên TikTok, tuy nhiên, không may mắn như bé gái ở Philippines, bé gái này không được phát hiện kịp nên đã không qua khỏi.

Cha mẹ cần làm gì để bảo vệ con trước những mối nguy hại trên Youtube, TikTok?

Youtube và TikTok có chính sách nghiêm ngặt về các nội dung video đăng tải lên trang web của mình. Bản thân Youtube và TikTok cũng thường xuyên "càn quét" và xóa các video có nội dung vi phạm chính sách của trang web hoặc khi các video bị người dùng báo cáo là chứa nội dung vi phạm.

Tuy nhiên, cần nhớ rằng bộ lọc nội dung trên Youtube và TikTok cũng chỉ được hoạt động như một cái máy và không một hệ thống máy móc nào hoạt động hoàn hảo, vẫn ẩn chứa những lỗ hổng có thể bị vượt qua. Do đó, sự xuất hiện của những video với nội dung vi phạm chính sách trên Youtube hay TikTok là điều không thể tránh khỏi.

Hơn ai hết, chính cha mẹ mới là những người cần phải giám sát các hoạt động của con trên Youtube, TikTok nói riêng và trên mạng xã hội nói chung, bởi lẽ các nội dung nguy hại, không phù hợp với trẻ đang được chia sẻ ngày một tràn lan trên các trang mạng xã hội ngày nay. Phụ huynh cần biết được trẻ đã tiếp xúc với những nội dung nào trên Internet để có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Quan trọng nhất vẫn chính là việc phụ huynh dành nhiều thời gian hơn cho con em của mình để giúp trẻ có thể khám phá cuộc sống thông qua thế giới và trải nghiệm thực tế, hơn là nhìn ngắm thế giới thông qua màn hình smartphone hay TV.