Tiến sĩ Việt đến từ Mỹ, Thụy Sĩ “gặp khó” khi đối diện với Ban giám khảo Giải thưởng Nhân tài Đất Việt
(Dân trí) - Bảo vệ sản phẩm VietSearch trước một Hội đồng giám khảo là các chuyên gia hàng đầu về công nghệ thông tin, ba tiến sĩ đến từ Mỹ, Thụy Sĩ cùng với các đồng nghiệp đã thực sự gặp nhiều khó khăn.
Chiều 12/11, Hội đồng chung khảo Giải thưởng Nhân tài Đất Việt đã chấm các sản phẩm lĩnh vực công nghệ thông tin kết nối, di động. Nhóm tác giả của VietSearch là những thí sinh đầu tiên được “đối mặt” với dàn giám khảo khó tính của Giải thưởng Nhân tài Đất Việt.
Được phát triển từ tháng 1 năm 2017, VietSearch ra đời sau 33 tháng với sự nỗ lực của 9 người trong VietSearch Foundation (VSF). VSF hoạt động trên tinh thần cộng tác và tự nguyện trong quá trình nghiên cứu công nghệ và phát triển sản phẩm. Các thành viên của nhóm đang sống và làm việc tại 3 quốc gia là Mỹ, Thụy Sĩ và Việt Nam với 4 người có học vị Tiến sĩ, 4 người là chuyên gia công nghệ với nhiều năm kinh nghiệm tại các tập đoàn và công ty uy tín trên thế giới. Chính vì thế, các tác giả của VietSearch được Ban giám khảo hỏi han một cách khá kỹ càng.
Đại diện cho nhóm tác giả giới thiệu về sản phẩm, TS Nguyễn Đình Quý, 35 tuổi, hiện đang là Giám đốc Phát triển và Kỹ sư R&D cao cấp tại Mitsubishi Electric, Cambridge, Boston, Hoa Kỳ cho biết: Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ với vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế. Để xây dựng một nền kinh tế vững mạnh dựa trên công nghệ, kỹ thuật tiên tiến rất cần sự chung tay góp sức của toàn dân, trong đó không thể thiếu sự đóng góp của cộng đồng người Việt trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, nhu cầu người Việt tìm việc và học tập tại nước ngoài, cũng như về nước làm việc ngày càng lớn. Hiện tại, theo thống kê chính thức, mỗi năm có hơn 10 triệu lượt người Việt Nam đi ra nước ngoài du lịch, học tập, làm việc. Số lượng kiều bào sinh sống và làm việc tại nước ngoài là gần 5 triệu người, có thể coi là nguồn tài nguyên vô giá và quan trọng cho sự phát triển của đất nước nếu được phát huy đúng cách.
TS Nguyễn Đình Quý, 35 tuổi, hiện đang là Giám đốc Phát triển và Kỹ sư R&D cao cấp tại Mitsubishi Electric, Cambridge, Boston, Hoa Kỳ.
VietSearch ra đời nhằm tạo ra một kênh kết nối và phát triển hiệu quả cộng đồng người Việt trên thế giới. Đây sẽ là một kênh thông tin chính thức với nguồn dữ liệu phong phú và nền tảng công nghệ giúp người dùng tìm kiếm dữ liệu về cộng đồng nhanh chóng, chính xác, trên nhiều phương diện với thông tin đa chiều và có độ tin tưởng cao.
Hệ thống VietSearch với tính năng cơ bản là tích hợp và hỗ trợ tìm kiếm thông tin cộng đồng Việt toàn cầu được xây dựng tại website https://vietsearch.org với phiên bản dùng cho máy tính (desktop) và ứng dụng trên điện thoại (mobile). Giao diện được thiết kế phù hợp với người sử dụng để tìm kiếm hiệu quả và tương tác với bản đồ một cách dễ dàng. Nguồn dữ liệu chỉ tập trung vào cộng đồng người Việt tại các nước khác nhau trên thế giới nhưng rất đa dạng và phong phú với hàng nghìn lĩnh vực dịch vụ và chuyên ngành, giúp hỗ trợ người sử dụng tìm thông tin thiết yếu và nhanh chóng về cộng đồng Việt toàn cầu theo các đề mục: Con người (Who); Nghề nghiệp; Công ty; Dịch vụ (What); Địa điểm (Where) và Thời gian (When).
BGK dành sự quan tâm đặc biệt đối với sản phẩm vì tính thực tiễn đối với người Việt ở nước ngoài.
VietSearch có dữ liệu lớn và tiếp tục cập nhật thường xuyên về cộng đồng Việt (hiện hơn 500.000 người, hơn 15.000 công ty và hơn 1.000 sự kiện Việt). Dữ liệu bao gồm nhiều cá nhân và doanh nghiệp Việt và gốc Việt có uy tín trong và ngoài nước như giáo sư và các nhà nghiên cứu, chuyên gia, bác sỹ, luật sư, kỹ sư, cử nhân, sinh viên…; tổ chức, cộng đồng người Việt; doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh tư nhân người Việt... VietSearch cung cấp các số liệu thống kê và các kênh thông tin như website, email, số diện thoại liên hệ để hỗ trợ kết nối cộng đồng Việt trong rất nhiều lĩnh vực khoa học, công nghệ, giáo dục, kinh tế, dịch vụ, du lịch, thiện nghiện....
Về lĩnh vực giáo dục, VietSearch giới thiệu các học bổng du học và cơ hội nghiên cứu tại nước ngoài cho các học sinh, sinh viên Việt Nam. Về lĩnh vực kinh tế, VietSearch quảng bá các doanh nghiệp, start-up và thu hút đầu tư của các quỹ đầu và các tập đoàn Việt. Về lĩnh vực thiện nguyện, VietSearch đăng tải các thông tin thiện nguyện và các hình thức tham gia, ủng hộ, tài trợ từ cộng đồng người Việt trong và ngoài nước.
Lắng nghe các tác giả nói về sản phẩm, Tiến sĩ Trần Việt Hùng nêu vấn đề: Mục đích của sản phẩm ở đây có phải là thương mại hóa? Nhóm tác giả của VietSearch chia sẻ: Định hướng phát triển sản phẩm là trong vòng 10 năm. Giai đoạn đầu của VietSearch là thu thập dữ liệu; giải pháp công nghệ và cuối cùng mới đến dịch vụ.
TS Phùng Văn Ổn chất vấn thêm: Vậy đối tượng chính nhắm đến của VietSearch là gì? Nó được thể hiện như thế nào trong dữ liệu 500.000 chuyên gia và 300.000 ngành nghề được nhóm giới thiệu?
“Hiện tại nhóm đã làm việc trực tiếp với Bộ Ngoại giao và Ủy ban Người Việt để tạo ra một hệ thống thông tin ở các Đại sứ quán, thông tin kết nối giữa các hoạt động nghiên cứu ở trong nước và ngoài nước. Bộ Ngoại giao đã đặt vấn đề sẽ đưa các dữ liệu đó lên hệ thống VietSearch để các chuyên gia người Việt, những Việt Kiều có thể tìm kiếm lẫn nhau, có thể offline visa để từ đó có thể về nước giúp đỡ lẫn nhau. Nghĩa là có tính kết nối hai chiều”, TS Quý phản hồi.
“Vậy công nghệ Search Engine ở đây có gì đặc biệt?”, TS Ổn tiếp tục “quay” nhóm tác giả.
“Nói về công nghệ Search Engine thì rất khó để cạnh tranh với những công ty công nghệ khác. Tuy nhiên thế mạnh ở đây là kết nối được với các cơ sở của người Việt. Nếu bây giờ lên Google để tìm kiếm một giáo sư người Việt thì rất khó khăn nhưng khi tìm kiếm trên VietSearch thì có thể tìm kiếm được ngay”, một thành viên trong nhóm VietSearch phản hồi.
Là Chủ tịch Hội đồng Chung khảo Giải thưởng NTĐV, TS Nguyễn Long tham gia màn “hỏi xoáy - đáp xoay” với hai tiến sĩ Việt đến từ Mỹ, Thụy Sĩ bằng một chia sẻ thú vị: “Hội đồng Giám khảo luôn làm việc tách biệt với Ban tổ chức. Chính vì thế dù trong nhóm có người viết email cho tôi để hỏi nên tham dự ở lĩnh vực nào và tôi đã không thể phản hồi cho các bạn. Hôm nay gặp trực tiếp tôi xin nhắc lại quy định này để các bạn hiểu. Còn về sản phẩm thì tôi đã trải nghiệm ở bản web, mobile. Giai đoạn đầu phiên bản rất sơ sài, còn hôm nay đã đầy đặn hơn và có cả App. Tuy nhiên hiện giờ thì tôi không cài đặt được. Hiện số lượng người cài App cũng quá ít. Tôi có cảm tưởng ở đây đang có độ lệch”.
TS Long nêu câu hỏi trực diện: “Nghe trình bày thì rất thú vị và cần thiết nhưng vấn đề mấu chốt là tính khả thi và tính thật của sản phẩm đến đâu? Thực tế tôi cũng có nhiều người bạn là người Việt có tầm ảnh hưởng ở Mỹ nhưng tìm kiếm trên VietSearch thì không có?”
Gặp phải vấn đề thực tế, nhóm tác giả của VietSearch tỏ vẻ bối rối và sự bối rối tiếp tục gia tăng khi các thành viên ban giám khảo đề nghị tìm kiếm xác thực theo yêu cầu.
“Tôi vẫn tin nếu có thời gian các bạn sẽ làm được, nhưng hiện nay nếu các bạn đi thi thế này thì rất khó bởi Hội đồng chỉ cầm hồ sơ và trải nghiệm sản phẩm trên máy tính và điện thoại di động nên không thấy hết được. Vì thế chúng tôi mong muốn được cung cấp chính xác hơn về những gì các bạn có trong tay để phát triển”, TS Nguyễn Long nói.
Một trong những vấn đề đặc biệt quan trọng là chuẩn hóa được thông tin trong quá trình thu thập để đưa lên hệ thống của VietSearch cũng được Ban giám khảo đề cập nhằm góp ý cho nhóm tác giả hoàn thiện sản phẩm hơn. Có thành viên đề nghị nên có phần chỉnh sửa thông tin dữ liệu để những người được lên hệ thống có thể điều chỉnh chính xác về bản thân của mình.
Trao đổi với phóng viên sau cuộc “chất vấn” căng thẳng, TS Nguyễn Đình Quý cho hay: Chúng tôi cảm ơn những lời góp ý chân thành của Ban giám khảo. Việc có được đạt giải thưởng hay không chúng tôi không đặt nặng nhiều. Chúng tôi mong muốn được đóng góp một sản phẩm tốt cho cộng đồng người Việt. Nếu có sản phẩm nào đó làm tốt hơn sản phẩm của chúng tôi thì chúng tôi sẽ rất vui mừng bởi mục đích chính vẫn là hướng tới cộng đồng.
TS Quý cũng cho hay, do đến từ nhiều quốc gia khác nhau, mỗi người lại bận bịu với công việc, gia đình riêng nên để hoàn thành sản phẩm dự thi, các thành viên trong nhóm đã nỗ lực và cố gắng rất nhiều. Nhóm mất 1 năm để hoàn thiện và chủ yếu là làm việc trên các nền tảng trực tuyến.
Nhận xét về những ý kiến phản biện của hội đồng BGK, tiến sỹ Vũ Đình Quý cho biết, đây đều những đóng góp rất hữu ích cho nhóm cả về kỹ thuật, chuyên môn và thị trường. “Dù chỉ trong một thời gian ngắn nhưng chúng tôi nhận được rất nhiều góp ý quan trọng giúp hoàn thiện sản phẩm. Thời gian tới, nhóm sẽ tiếp tục mở rộng để xây dựng phiên bản gần với người dùng, cập nhập, nâng cao các tính năng để phát triển sản phẩm trở thành nền tảng cốt lõi trong thời đại 4.0”.
Nguyễn Hùng - Hà Trang