Chung khảo Nhân tài Đất Việt: Giám khảo “soi” sản phẩm, thí sinh “mướt mồ hôi”
(Dân trí) - Những thí sinh đầu tiên thuộc lĩnh vực Công nghệ thông tin số triển vọng bảo vệ vòng chung khảo Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2019 đã thực sự “choáng ngợp” trước sự phản biện sắc sảo cũng như khả năng “soi” của Hội đồng chấm thi chung khảo.
Sáng 12/11, Hội đồng chấm thi Chung khảo Giải thưởng Nhân tài Đất Viết đã diễn ra tại trụ sở của VNPT. Các thành viên của Hội đồng chấm thi Chung khảo đều là các chuyên gia hàng đầu về CNTT như GS Nguyễn Thanh Thủy; PGS.TS Lê Sỹ Vinh, PGS. TS Huỳnh Chi Mai… Các bạn trẻ đang thành công trong các lĩnh vực AI, Blockchain cũng được Ban tổ chức mời tham gia làm các thành viên của hội đồng chấm chung khảo.
Đúng 8h30 phút, nhóm đầu tiên bảo vệ tại Hội đồng Triển vọng là nhóm tác giả ICORRECT, thành viên Nguyễn Minh Đức trình bày giới thiệu sản phẩm của mình trước hội đồng. Theo đó, ICORRECT là mô hình học và luyện thi IELTS giúp người học có thể luyện tập và cải thiện kỹ năng nói tiếng Anh mọi lúc, mọi nơi.
Ứng dụng này kết nối người học với các chuyên gia và những người học khác để tạo thành một cộng đồng học tập nơi người học có thể nhận được sự hỗ trợ tối đa để tự cải thiện kỹ năng nói tiếng Anh. ICORRECT gồm các giải pháp module chính là : Phòng thi giả lập, Chấm và chữa bài, Kết nối cộng đồng.
Theo nhóm tác giả, so với các phần mềm học tiếng Anh khác, ICORRECT có nhiều ưu điểm như: Tính sẵn sàng, tối ưu hóa chi phí, đội ngũ giám khảo chất lượng, khả năng tích hợp linh hoạt. Ứng dụng hiện được 360.000 lượt download và nhận về phản hồi tốt trên Google Play.
Bản quyền là vấn đề được BGK quan tâm nên các thí sinh buộc phải chứng minh được điều này.
“Phòng thi giả lập cho phép người dùng có thể trải nghiệm bài thi nói IELTS với giám khảo bản ngữ ảo mọi lúc mọi nơi như một kỳ thi IELTS thật. Sau khi làm bài thi xong người dùng có thể gửi bài nói của mình đến đội ngũ chuyên gia để được chấm và chữa bài. Học viên sẽ nhận được điểm tổng của bài nói và các điểm thành phần theo tiêu chí chấm thi nói của kỳ thi quốc tế IELTS”, đại diện nhóm tác giả giới thiệu.
Bất ngờ bị “soi”, thí sinh bối rối
Ngay sau khi tác giả vừa kết thúc nói về sản phẩm, TS Nguyễn Khắc Lịch – thành viên Ban giám khảo nhận xét ngay: Trong 9 tháng ra mắt mà nhóm sản phẩm đạt được lượng người dùng hơn 360 nghìn lượt là một con số ấn tượng.
Phút căng thẳng của BGK khi lắng nghe phần trình bày của thí sinh trước khi bước vào phần hỏi đáp hóc búa.
Tuy nhiên, TS Lịch cho rằng, vấn đề chính mà nhóm cần giải quyết đó là bản quyền. “Các phần mềm giúp người học tiếng Anh trên thị trường rất nhiều nhưng nhóm tác giả lại chọn một chứng chỉ danh giá thì phải được sự đồng ý của tổ chức đó. Khi làm hệ thống thi thử IELTS , nhóm tác giả liệu có được sự đồng ý của đơn vị tổ chức mà cụ thể là phía Đại học Cambridge chưa ?”, TS Lịch hỏi.
Trả lời về vấn đề này, đại diện tác giả cho biết, sản phẩm ra mắt thị trường tuy chưa có trao đổi, thỏa thuận với Hội đồng tổ chức thi IELTS nhưng không vi phạm vấn đề bản quyền. Bởi toàn bộ dữ liệu, bài dự thi, video giảng dạy… đều do nhóm tự soạn thảo. “Chúng tôi chỉ mô phỏng cách thức dự thi IELTS, chứ không lấy dữ liệu của Đại học Cambridge, không xung đột về mặt lợi ích”, nhóm tác giả khẳng định.
“Độ nóng” của cuộc hỏi đáp bất ngờ được tăng lên “chóng mặt” khi có thành viên đặt ra câu hỏi về công nghệ lõi của sản phẩm, có công nghệ nào mới sáng tạo hay không?
Trước câu hỏi bất ngờ này, nhóm tác giả của sản phẩm ICORRECT tỏ ra khá bối rối và thẳng thắn thừa nhận công nghệ lõi chủ yếu dựa trên các nên tảng hiện có, không có nhiều giải pháp mới.
Không để cho thí sinh “nghỉ ngơi” nhiều, Tiến sĩ Trần Việt Hùng (Hùng Trần) - người sáng lập Got It - doanh nghiệp start up có ứng dụng về giáo dục nằm trong số 10 ứng dụng được tải nhiều nhất tại Mỹ, thành viên Ban giám khảo “soi” ngay đến con số 33% người dùng sản phẩm ICORRECT đến từ Quốc gia Ấn Độ, trong khi chỉ có đến 4% người dùng đến từ Việt Nam. Tiến sĩ Hùng cho rằng, Ấn Độ là một quốc gia có khả năng Tiếng Anh khá tốt nên việc nhiều người dùng sử dụng app này thì nguyên nhân là do đâu?
Giải thích về “nghịch lý” này, nhóm tác giả cho hay, trước đó đã có một “tệp” khách hàng quen ở thị trường Ấn Độ. Hơn nữa, Ấn Độ tuy là đất nước nói tiếng Anh nhiều, nhưng lại chưa “chuẩn”, nhu cầu lấy chứng chỉ lại rất lớn nên việc luyện nghe, nói, làm bài thi trực tuyến của người dân cũng rất cao.
“Trong tương lai, ngoài thị trường Ấn Độ, chúng tôi sẽ chú trọng phát triển thị phần ở Trung Quốc và Việt Nam, đây đều là những thị trường tiềm năng bởi nhu cầu nói tiếng Anh của người dân rất cao”, đại diện nhóm tác giả nói.
Làm khoa học thì không thể… chém gió
Quan điểm chính của Hội đồng chấm chung khảo là đánh giá sản phẩm dự thi một cách khách quan, trung thực để lựa chọn người xứng đáng nhất để vinh danh. Bên cạnh đó, các thành viên giám khảo cũng góp ý, định hướng để các nhóm tác giả hoàn thiện sản phẩm hơn… Tuy nhiên không phải vì thế mà màn “hỏi – đáp” bớt phần gay gắt, thậm chí đối với cả nhóm tác giả đến từ VNPT cũng không phải ngoại lệ khi bị “quay” toát mồ hồi.
Thời gian để trình bày về sản phẩm của mình không nhiều nên các thí sinh phải tìm cách sử dụng các thông tin cần thiết để chia sẻ với BGK.
Nhóm tác giả của giải pháp dịch vụ định danh xác thực điện tử eKYC (Electronic Know Your Customer) Phòng Trí tuệ Nhân tạo - Trung tâm Sáng tạo - Công ty Công nghệ Thông tin VNPT khá tự tin thuyết trình về sản phẩm.
Ý tưởng của giải pháp này xuất phát từ vấn nạn về sim rác, sim ảo, gây khó khăn trong quản lý thuê bao trả trước, nhiều hình thức tội phạm lợi dụng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản… gây mất an toàn an ninh, trật tự, Chính phủ đã ban hành Nghị định 49/2017/NĐ-CP nhằm thắt chặt quản lý thuê bao trả trước, loại bỏ tình trạng sim rác, sim ảo. Tuy nhiên, việc xác thực danh tính tại các phòng giao dịch (nhà mạng, ngân hàng) hiện giờ còn thủ công, phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm chuyên môn nghiệp vụ (quan sát bằng mắt thường, dựa vào hồ sơ giấy tờ, tài liệu,…) mất nhiều thời gian và độ chính xác không cao.
Thấu hiểu được nhu cầu đó của thị trường, Trung tâm Sáng tạo - VNPT - IT thuộc Tập đoàn VNPT đã miệt mài nghiên cứu, phát triển thành công giải pháp định danh xác thực điện tử eKYC (viết tắt của Electronic Know Your Customer) mang nghĩa nhận biết khách hàng. eKYC là giải pháp xác thực định danh điện tử đột phá dựa trên nền tảng các công nghệ tiên tiến nhất AI và Blockchain. Giải pháp giúp bóc tách thông tin, phân loại giấy tờ, so khớp khuôn mặt xác thực người dùng, chống giả mạo, kết hợp công nghệ Blockchain lưu trữ và bảo mật giao dịch...
Sự tự tin của nhóm tác giả bất ngờ bị “lung lay” khi Ban giám khảo “phê bình”: Tên sản phẩm thì định danh xác thực nhưng nội dung trình bày lại nói xác thực định danh.
Đánh giá về sản phẩm, PGS.TS Từ Minh Phương - Khoa Công nghệ Thông tin trường HV Bưu chính Viễn thông, người vừa được công nhận đạt tiêu chuẩn giáo sư ở lĩnh vực này cho hay: Đây là một sản phẩm khá ấn tượng nhưng cũng cần làm rõ nền tảng công nghệ ở đây là gì? Việc nhận dạng chính xác lên đến 99% ở đây cụ thể như thế nào?
Nhiều thành viên giám khảo khác cũng đặt ra một loạt câu hỏi “hóc búa” như việc sử dụng công nghệ Blockchain có cần thiết với mục tiêu của sản phẩm hay không? Việc thu thập, sử dụng tư liệu cá nhân quá nhiều liệu có đảm bảo tính an toàn, bảo mật?...
Tất cả các thí sinh đều thể hiện sự lo lắng trước màn hỏi đáp của hội đồng BGK là những giáo sư, TS, các nhà khoa học nổi tiếng.
TS Việt Hùng cũng cảnh báo, nếu sử dụng phần mềm này ở châu Âu thì cần lưu ý chỉ cần một thông tin cá nhân bị lọt ra ngoài thì không chỉ có công ty bị vướng vào lao lý, thậm chí là “phá sản” mà các đối tác cũng sẽ liên đới.
Chia sẻ với Ban giám khảo các tác giả của eKYC thông tin, giải pháp được hình thành cũng xuất phát từ nhiệm vụ được giao đó là giải quyết bài toán về sim rác. Hướng tương lại cũng mong muốn hướng đến các dịch vụ ngân hàng và nhiều dịch vụ khác. Thậm chí các tác giả cũng tham vọng phát triển sản phẩm ra nước ngoài.
Về con số nhận dạng chính xác lên đến 99%, các thành viên Ban giám khảo khẳng định: Nếu tập dự liệu càng nhiều thì khả năng nhận dạng lên đến 99% là con số khó tin?
Thành thật trả lời câu hỏi này, các tác giả của eKYC cho hay dữ liệu mới chỉ dừng ở con số 5.000. Nghe sự phản hồi từ nhóm tác giả, TS Phùng Văn Ổn nhấn mạnh: Làm khoa học cần phải con số thực tế, cụ thể, không thể “chém gió” được.
Được mời làm thành viên giám khảo vòng chung khảo – Trần Huy Vũ, người Việt đầu tiên lọt top 30 doanh nhân trẻ dưới 30 tuổi xuất sắc nhất châu Á nhờ blockchain cũng thẳng thắn góp ý: Cần xem xét lại việc dùng Blockchain cho giải pháp này bởi việc sử dụng Blockchain là không đơn giản, nhất là nhóm có ý định phát triển sản phẩm cho hệ thống giao dịch ngân hàng.
Huy Vũ cũng đưa ra gợi ý về giải pháp mới cho nhóm tác giả eKYC, gợi ý này được các thành viên ban giám khảo khác đánh giá cao.
Giải thưởng Nhân tài đất Việt 2019 được bảo trợ bởi: Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên & Môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Một trong những yếu tố quan trọng làm nên sự thành công của Giải thưởng chính là sự đồng hành và hỗ trợ nhiệt thành từ các nhà tài trợ, các đơn vị đồng hành trong suốt 15 năm qua.
Ban Tổ chức Giải thưởng Nhân tài Đất Việt xin tri ân và gửi lời cảm ơn chân thành nhất tới các đơn vị: Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Vingroup, VietnamAirlines, Vietcombank, Sun Group, SHB, Agribank, Samsung, Tân Hoàng Minh, Canon, Jetstar Pacific, Dược phẩm Eco, ABBank ... và các cơ quan, báo chí, đài truyền hình trong cả nước.
Sự quan tâm, đồng hành của các đơn vị, nhà tài trợ chính là động lực lớn cho Ban Tổ chức để hoàn thành tốt cuộc thi, hoàn thành sứ mệnh tìm kiếm và tôn vinh các tài năng trong nhiều lĩnh vực.
Nguyễn Hùng - Hà Trang