Chấm Chung khảo Nhân tài Đất Việt 2019 lĩnh vực CNTT: Tìm kiếm nhân tố tỏa sáng

(Dân trí) - Sáng nay, 12/11, Hội đồng giám khảo Giải thưởng Nhân tài Đất Việt bắt đầu chấm 19 sản phẩm lọt Chung khảo, nhằm tìm ra những sản phẩm xuất sắc nhất để vinh danh trong đêm trao giải diễn ra vào ngày 15/11.

Chấm Chung khảo Nhân tài Đất Việt 2019 lĩnh vực CNTT: Tìm kiếm nhân tố tỏa sáng - 1

BTC và Hội đồng Giám khảo NTĐV họp kín trước khi bước vào vòng chấm Chung khảo .

Bắt đầu chấm vòng Chung khảo Nhân tài Đất Việt 2019 lĩnh vực CNTT

Theo đúng dự kiến, sáng nay, toàn bộ Hội đồng giám khảo Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2019 tập trung tại Tòa nhà 57 Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội để bước vào buổi chấm Chung khảo với 19 nhóm thí sinh.

Tại nơi đây sẽ là địa điểm diễn ra màn "thử lửa" cuối cùng với các thí sinh, để xem những "nhân tài" nào đủ bản lĩnh và khả năng bước lên bục vinh quang nhận giải.

Hội đồng Giám khảo cũng hứa hẹn sẽ có một ngày làm việc bận rộn với nhiệm vụ vừa phải lắng nghe bài thuyết trình, vừa phải đưa ra những câu hỏi hóc búa để thử tài "đáp xoay" của thí sinh.

Sẽ có tổng cộng 3 nhóm sản phẩm được chấm trong ngày hôm nay, gồm: Nhóm CNTT Số triển vọng, nhóm CNTT Khởi nghiệp, và nhóm CNTT Kết nối di động. Trong đó, nhóm CNTT Khởi nghiệp như thường lệ, có nhiều sản phẩm lọt vào Chung khảo nhất, với 9 sản phẩm. Tiếp theo là nhóm CNTT Số triển vọng với 7 sản phẩm. Cuối cùng là nhóm CNTT Kết nối di động với 3 sản phẩm.

Trong số đó, tâm điểm chắc chắn sẽ được hướng về hạng mục dự thi mới của năm nay - là nhóm giải CNTT Khởi nghiệp sáng tạo, để xem các thí sinh đã làm gì trong vài tháng ngắn ngủi đã biến từ "ý tưởng sáng tạo" thành sản phẩm hoàn thiện.

Như thường lệ, trước khi bước vào vòng chấm Chung khảo, BTC và Hội đồng BGK đã có buổi họp kín về các nội dung của ngày chấm Chung khảo.

Chấm Chung khảo Nhân tài Đất Việt 2019 lĩnh vực CNTT: Tìm kiếm nhân tố tỏa sáng - 2

TS Nguyễn Long, Chủ tịch Hội đồng BGK chia sẻ về hoạt động và các tiêu chí của vòng chấm Chung khảo.

TS. Nguyễn Long, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo đã gửi lời cảm ơn tới 20 thành viên là những giáo sư, tiến sỹ đầu ngành của lĩnh vực CNTT đã nhận lời trở thành những vị giám khảo công tâm nhất của Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2019 - là một trong những nhân tố khiến Nhân tài Đất Việt trở thành Giải thưởng danh giá trong suốt 15 năm qua. 

Chấm Chung khảo Nhân tài Đất Việt 2019 lĩnh vực CNTT: Tìm kiếm nhân tố tỏa sáng - 3

Ông Huỳnh Quang Liêm - Phó Tổng Giám đốc VNPT chia sẻ với Hội đồng BGK NTĐV trước khi bước vào vòng chấm Chung khảo.

Thay mặt BTC, ông Huỳnh Quang Liêm  - Phó Tổng Giám đốc VNPT, phát biểu: "Giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm nay có bước ngoặt đặc biệt, là năm thứ 15 tổ chức và đang đi đến vạch đích cuối cùng. Qua 15 năm, giải thưởng có sự lan tỏa, đóng góp quan trọng vào xu thế phát triển của đất nước và bắt nhịp cùng dòng chảy xã hội. Trong đó, sự thành công của giải thưởng có vai trò rất lớn của BGK, với cung cách làm việc chất lượng, chuyên môn, công tâm minh bạch và trách nhiệm cao".

Năm nay, NTĐV có 19 sản phẩm dự thi lọt vào chung khảo, ông Liêm bày tỏ hy vọng với trí tuệ, trách nhiệm, công tâm, các thành viên trong BGK sẽ lựa chọn các giải thưởng xứng đáng.

Chia sẻ tại buổi họp kín, ông Phạm Huy Hoàn, Tổng biên tập Báo Dân trí, Trưởng ban tổ chức Giải thưởng NTĐV 2019 cho biết đã có một bất ngờ lớn tại Hội nghị dành cho người Việt Nam có tầm ảnh hưởng, đó là có rất nhiều nhà khoa học, đặc biệt là các bạn trẻ ở nước ngoài biết đến Giải thưởng. Không chỉ vậy, Giải thưởng cũng được hội nghị hoan nghênh, và theo dõi qua từng năm tổ chức.

Chấm Chung khảo Nhân tài Đất Việt 2019 lĩnh vực CNTT: Tìm kiếm nhân tố tỏa sáng - 4

Nhà báo Phạm Huy Hoàn, Tổng Biên tập Báo điện tử Dân trí, Trưởng BTC Giải thưởng NTĐV, gửi lời cảm ơn tới Hội đồng BGK về những đóng góp của những người "cầm cân nảy mực" đã giúp cho NTĐV thành công trong suốt 15 năm qua. 

“Tôi có may mắn khi được cùng với một số vị giám khảo sát cánh từ Giải thưởng Trí tuệ Việt Nam, cho tới Nhân tài Đất Việt tính đến nay cũng đã 20 năm gắn bó với giải thưởng về lĩnh vực CNTT”, ông Phạm Huy Hoàn chia sẻ. “Qua đây, tôi xin gửi lời cảm ơn tới Hội đồng Giám khảo đã theo tôi suốt chặng đường ấy, và tôi cũng rất tự hào khi được giới thiệu chúng ta tại các hội nghị trong và ngoài nước”.

Trước khi bước vào vòng chấm Chung khảo, đại diện BTC đã gửi những bó hoa tươi thắm tới 10 thành viên của Hội đồng Giám khảo là những giáo viên, giáo sư tại các trường Đại học nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 sắp tới. 

Ngay sau đó, Hội đồng BGK chính thức bước vào ngày làm việc đầy căng thẳng với 19 nhóm thí sinh lọt vào vòng Chung khảo. 

Căng như "dây đàn" bên trong phòng chấm Chung khảo NTĐV 2019

Nhóm đầu tiên bảo vệ tại Hội đồng lĩnh vực CNTT số triển vọng là nhóm tác giả CSUPPORTER với sản phẩm là ứng dụng luyện thi và nói tiếng Anh ICORRECT. Thành viên Nguyễn Minh Đức trình bày giới thiệu sản phẩm của mình trước hội đồng. Theo đó, ICORRECT là mô hình học và luyện thi IELTS giúp người học có thể luyện tập và cải thiện kỹ năng nói tiếng Anh mọi lúc, mọi nơi.

Ứng dụng này kết nối người học với các chuyên gia và những người học khác để tạo thành một cộng đồng học tập nơi người học có thể nhận được sự hỗ trợ tối đa để tự cải thiện kỹ năng nói tiếng Anh. ICORRECT gồm các giải pháp module chính là : Phòng thi giả lập, Chấm và chữa bài, Kết nối cộng đồng.

Theo nhóm tác giả, so với các phần mềm học tiếng Anh khác, ICORRECT có nhiều ưu điểm như: Tính sẵn sàng, tối ưu hóa chi phí, đội ngũ giám khảo chất lượng, khả năng tích hợp linh hoạt. Ứng dụng hiện được 360.000 lượt dowload và nhận về phản hồi tốt trên Google Play.

“Phòng thi giả lập cho phép người dùng có thể trải nghiệm bài thi nói IELTS với giám khảo bản ngữ ảo mọi lúc mọi nơi như một kỳ thi IELTS thật. Sau khi làm bài thi xong người dùng có thể gửi bài nói của mình đến đội ngũ chuyên gia để được chấm và chữa bài. Học viên sẽ nhận được điểm tổng của bài nói và các điểm thành phần theo tiêu chí chấm thi nói của kỳ thi quốc tế IELTS”, đại diện nhóm tác giả giới thiệu.

Chấm Chung khảo Nhân tài Đất Việt 2019 lĩnh vực CNTT: Tìm kiếm nhân tố tỏa sáng - 5

Tập khách hàng ở Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam là mảnh đất màu mỡ của ICORRECT.

Đánh giá về sản phẩm, TS Nguyễn Khắc Lịch - thành viên BGK, cho biết sau 9 tháng ra mắt, sản phẩm đạt được lượng người dùng hơn 360 nghìn lượt là một con số ấn tượng.

Tuy nhiên, TS Lịch cho rằng, vấn đề chính mà nhóm cần giải quyết đó là bản quyền. “Các phần mềm giúp người học tiếng Anh trên thị trường rất nhiều nhưng nhóm tác giả lại chọn một chứng chỉ danh giá thì phải được sự đồng ý của tổ chức đó. Khi làm hệ thống thi thử IELTS , nhóm tác giả liệu có được sự đồng ý của đơn vị tổ chức mà cụ thể là phía Đại học Cambridge chưa ?”, TS Lịch hỏi.

Trả lời về vấn đề này, đại diện tác giả cho biết, sản phẩm ra mắt thị trường tuy chưa có trao đổi, thỏa thuận với Hội đồng tổ chức thi IELTS nhưng không vi phạm vấn đề bản quyền bởi toàn bộ dữ liệu, bài dự thi, video giảng dạy… đều do nhóm tự soạn thảo. “Chúng tôi chỉ mô phỏng cách thức dự thi IELTS, chứ không lấy dữ liệu của Đại học Cambridge, không xung đột về mặt lợi ích”, nhóm tác giả khẳng định.

Về 33% lượng User người dùng đến từ Ấn Độ, trong khi chỉ có đến 4% người dùng đến từ Việt Nam, nhóm tác giả giải thích, trước đó đã có một “tệp” khách hàng quen ở thị trường Ấn Độ. Hơn nữa, Ấn Độ tuy là đất nước nói tiếng Anh nhiều, nhưng lại chưa “chuẩn”, nhu cầu lấy chứng chỉ lại rất lớn nên việc luyện nghe, nói, làm bài thi trực tuyến của người dân cũng rất cao.

“Trong tương lai, ngoài thị trường Ấn Độ, chúng tôi sẽ chú trọng phát triển thị phần ở Trung Quốc và Việt Nam, đây đều là những thị trường tiềm năng bởi nhu cầu nói tiếng Anh của người dân rất cao”, đại diện nhóm tác giả nói.

Bên cạnh việc đánh giá cao tính ứng dụng của sản phẩm, nhiều thành viên BGK cho rằng, sản phẩm của nhóm chưa có nhiều tính đột phá về giải pháp công nghệ.

Khởi nghiệp sáng tạo là nhóm giải thưởng lần đầu tiên được giới thiệu tại Nhân tài Đất Việt, và đây cũng hứa hẹn là phần thi gay cấn nhất, với sự tham gia của 6 nhóm thí sinh lọt Chung khảo.

Sản phẩm Khởi nghiệp sáng tạo đầu tiên có bài thuyết trình trước Hội đồng Giám khảo là phần mềm “Bot bán hàng”, với khả năng giúp doanh nghiệp tư vấn khách hàng, phân loại khách hàng, từ đó đưa ra các mô hình kinh doanh phù hợp.

Chấm Chung khảo Nhân tài Đất Việt 2019 lĩnh vực CNTT: Tìm kiếm nhân tố tỏa sáng - 6

Nhóm thí sinh bảo vệ sản phẩm của mình trước những câu hỏi hóc búa của Hội đồng BGK.

Điểm đột phá của sản phẩm đó là xây dựng được một hệ thống phân tích dữ liệu lớn và học máy (sử dụng blockchain để bảo mật dữ liệu), đồng thời định hướng sản phẩm hoá với các mạng xã hội, OTT tại Việt Nam như Zalo, Lotus trong tương lai.

Mặc dù vậy, tại thời điểm thuyết trình, thay vì hướng tới bán hàng đa kênh, thì “Bot bán hàng” mới chỉ tập trung chủ yếu trên nền tảng Messenger của Facebook. Điểm này được nhóm lý giải rằng thay vì mở rộng sang nhiều kênh, thì sản phẩm muốn trở thành tốt nhất trong một nhóm lĩnh vực nhỏ, thay vì dàn trải quá nhiều.

Chấm Chung khảo Nhân tài Đất Việt 2019 lĩnh vực CNTT: Tìm kiếm nhân tố tỏa sáng - 7

TS Lương Chi Mai, Phó Viện trưởng Viện CNTT, vẫn là một trong những BGK "xoay" thí sinh nhiều nhất. 

Đây là điểm ngay lập tức khiến Hội đồng Giám khảo bày tỏ sự nghi vấn về lựa chọn định hướng phát triển. “Nền tảng Messenger hiện hỗ trợ rất tốt cho bán hàng, thế nhưng nếu trong năm tới, xu hướng bán hàng trên Messenger giảm hẳn đi, trong khi các đối thủ có nhiều kênh để lựa chọn, thì sản phẩm của nhóm sẽ gặp khó khăn”, Hội đồng Giám khảo nhận xét.

Bên cạnh đó, cũng cần kể đến mô hình của sản phẩm vốn không phải là mới, nhưng dường như lại chưa đủ sáng tạo để tạo ra đột phá. “Các bạn là sản phẩm đi sau, độ phủ thấp hơn, mà công nghệ lại không có gì đột phá thì sẽ rất khó để theo kịp”, Giám khảo nhìn nhận.

Rõ ràng, chữ “sáng tạo” trong “Khởi nghiệp sáng tạo” vẫn là bài toán hóc búa với các nhóm dự thi Nhân tài Đất Việt, khi họ bản thân đã là người đi sau, thì mặc nhiên phải tìm ra sự sáng tạo để trông đợi vào đột phá. Sáng tạo cũng chính là tiêu chí lớn nhất của Giải thưởng Nhân tài Đất Việt qua mọi năm tổ chức, sau đó mới tới yếu tố định hướng để làm sao vừa đảm bảo kinh doanh, vừa đảm bảo mang lại lợi ích cho cộng đồng.

Chữ “Khởi nghiệp” trong “Khởi nghiệp sáng tạo” cũng là yếu tố không thể bỏ quên. Theo đó, sản phẩm dù có sáng tạo, đem lại lợi ích cho cộng đồng, nhưng không tạo ra doanh thu, nguồn tiền ổn định, rõ ràng thì cũng khó lòng đứng vững trước sức ép từ thị trường, chứ đừng nói tới việc kêu gọi hỗ trợ từ các quỹ đầu tư.

Đây dường như là bài toán mà đội thi CSAM - Hệ sinh thái lưu trú trực tuyến, đang gặp phải.

Thuộc nhóm “Khởi nghiệp Sáng tạo”, CSAM về cơ bản là sản phẩm được xây dựng dựa trên mô hình lấy công nghệ làm nền tảng, đem đến các tiện ích như tiệm giặt là, không gian học tập trung, các khoá học dành cho sinh viên, rạp chiếu phim,.. nhằm tạo ra một hệ sinh thái cho cộng đồng sinh viên lưu trú, cũng như giúp các ký túc xá trong công việc quản lý của mình.

Chấm Chung khảo Nhân tài Đất Việt 2019 lĩnh vực CNTT: Tìm kiếm nhân tố tỏa sáng - 8

Để làm được điều này, CSAM ứng dụng một số công nghệ hiện đại như AI nhằm xác thực thẻ sinh viên, nhận diện khuôn mặt, phát hiện đối tượng lạ ra vào khu vực lưu trú,...

Tuy nhiên do quá đặt nặng tính xây dựng cộng đồng và hệ sinh thái, nên CSAM dường như bỏ quên yếu tố về lợi nhuận. Theo đó, doanh thu của phần mềm chỉ đạt khoảng 300 triệu VNĐ kể từ khi khởi động vào giữa năm 2018, nhưng số tiền này đã được toàn bộ chuyển vào đầu tư không gian học tập trung, hệ thống tiện ích giặt là,...

Hệ quả là nhóm cho tới nay vẫn chưa thể có tiền trả lương cho nhân viên, và đang phải kêu gọi sự hỗ trợ từ các hội nhóm doanh nghiệp, quỹ đầu tư. Đây chính là điều được nhóm thí sinh chia sẻ trong phần thuyết trình.

Nhóm CSAM được Hội đồng Giám khảo đánh giá là có ý tưởng tốt, nhưng mô hình kinh doanh khá rắc rối, chưa làm rõ được sự cân bằng giữa nguồn thu và chi phí.

Bên cạnh đó, nhóm thí sinh cũng có thể gặp phải đối thủ cạnh tranh chính là các trường Đại học, khu ký túc xá, khi mà bản thân sinh viên tại các trường này nếu có tiềm lực, thì có thể xây dựng mô hình tương tự, thậm chí làm trong thời gian ngắn hơn, hiệu quả hơn, với dữ liệu sẵn có tại các trường Đại học mà không cần phải chia sẻ ra bên ngoài.

Sản phẩm dự thi: “Phần mềm tự động chuyển đổi tiếng nói tiếng Việt sang văn bản (gọi tắt là "Origin-STT") tiếp tục làm “nóng” Hội đồng phòng thi Triển vọng.

Ngay tại phòng thi, nhóm tác giả thể hiện khả năng “chuyển đổi giọng nói” trực tiếp từ âm thanh sang văn bản một cách chính xác gần như tuyệt đối, bám sát thời gian thực của người nói. Đại diện nhóm tác giả, trưởng nhóm Đỗ Quốc Trường cho biết, sản phẩm ứng dụng và phát triển thành công các công nghệ lõi của hệ thống trí thông minh nhân tạo cho ngôn ngữ tiếng Việt. Origin có thể nhận dạng giọng nói ở cả 03 miền Bắc, Trung, Nam. Có khả năng nhận dạng khoảng 7.000 từ tiếng Việt, và nhận dạng tốt ở khoảng cách xa với độ chính xác từ 95-98%.

Chấm Chung khảo Nhân tài Đất Việt 2019 lĩnh vực CNTT: Tìm kiếm nhân tố tỏa sáng - 9

Hiện phần mềm cũng đang được sử dụng trong các cuộc họp tại Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng tỉnh ủy, thành ủy và hỗ trợ cho 50 đầu báo, 300 phóng viên trên cả nước.

Dù được đánh giá cao công nghệ, ý tưởng nhưng theo các thành viên trong Hội đồng BGK nhóm đang gặp phải vấn đề trong việc phát triển thị trường. Sau 2 năm nghiên cứu và ra mắt, sản phẩm mới đạt doanh thu 3 tỷ là ít. Thêm vào đó, đối tượng khách hàng hướng đến là khối báo chí mới chỉ là 1 “ngách” nhỏ, trong khi tiềm năng của thị trường còn rất lớn. BGK cho rằng, nhóm cần mở rộng thị trường, tìm giải pháp kinh doanh hiệu quả để tạo ra sự đột phá trong thời gian tới. “Tôi nghĩ có rất nhiều cách để các bạn thu lợi nhuận nhưng phải làm nhanh, phải mở rộng ra các lĩnh vực khác như khối doanh nghiệp, hội thảo… Đặc biệt phải thay đổi cả mô hình kinh doanh và tập trung vào nhóm phát triển thị trường”, TS Nguyễn Long, Chủ tịch Hội đồng BGK, nói.

Bên cạnh Khởi nghiệp sáng tạo, thì nhóm Khởi nghiệp thành công của Giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm nay cũng thu hút đông đảo nhóm dự thi, tuy nhiên chỉ có 4 nhóm lọt vào Chung khảo, cho thấy sự cạnh tranh đến ngay từ vòng Sơ khảo của một lĩnh vực được đánh giá là đặc biệt thu hút bạn trẻ trong những năm gần đây.

Trong buổi chấm thi sáng nay, Tanca (Tanca.io) là startup đầu tiên thuộc nhóm Khởi nghiệp thành công có bài thuyết trình trước Hội đồng Giám khảo. Tanca là phần mềm giải quyết nhiều bài toán trong hoạt động nhân sự của doanh nghiệp như quản lý nhân viên từ xa, xử lý chấm công và tính lương, tất cả đều được xây dựng số hoá, giúp giảm thiểu giấy tờ đến 60%. Trong đó, nổi bật nhất là chấm công trực tuyến.

Chấm Chung khảo Nhân tài Đất Việt 2019 lĩnh vực CNTT: Tìm kiếm nhân tố tỏa sáng - 10

Thí sinh Trần Viết Quân chia sẻ về sản phẩm Tanca.io

Một số thống kê được startup này đưa ra là giúp tăng 20% hiệu suất làm việc nhân viên, 100% biết được nhân viên đang ở đâu, làm gì, và giảm 60% nghiệp vụ nhân sự tại các doanh nghiệp sau khi triển khai. Những công nghệ được nhóm áp dụng bao gồm hệ thống định vị ATS (Application Tracking System), dữ liệu xử lý trên cloud, xác thực Google Authentication,...

Ý tưởng nêu trên rõ ràng không còn quá mới tại thị trường Việt Nam, và thực tế đang được nhiều startup triển khai, do là bài toán số 1 đối với các doanh nghiệp nếu muốn chuyển sang số hoá. Nắm được chi tiết này, một số giám khảo đã “hỏi xoáy” các thí sinh về điểm mới, điểm sáng tạo của sản phẩm so với các đối thủ khác trên thị trường.

Tuy nhiên, dường như đã có sự chuẩn bị từ trước, phần trả lời của nhóm được đánh giá là khá tốt khi nêu bật được nét sáng tạo đó là mọi dữ liệu của phần mềm đều được xử lý real-time. Nhóm cũng cho biết mình là phần mềm chấm công online duy nhất tại Việt Nam có thể hoạt động qua smartphone, từ đó giải quyết được nhiều bài toán về chấm công cho doanh nghiệp. Trong khi đó, tất cả các dịch vụ xử lý nhân sự khác đều phải thông qua máy chấm công và từ đó xuất ra một file excel, khá rắc rối và mất thời gian xử lý.

Vấn đề về quyền riêng tư của người dùng cũng được nhóm xử lý triệt để, khi liên kết với các công ty lớn về cung cấp dịch vụ GPS trên bản đồ như Google để làm lõi cho sản phẩm. Ngoài ra, phần mềm cũng có cảnh báo rõ ràng với người dùng rằng định vị GPS của họ đang được sử dụng.

Thương mại hoá từ tháng 12/2018, Tanca hiện có được doanh thu cao và tập khách hàng lên tới 200 doanh nghiệp.

Giải pháp bảo mật toàn diện cho hệ thống camera an ninh tại Hội đồng Triển vọng cũng thu hút sự quan tâm của BGK.

Theo nhóm tác giả, Dascam tận dụng được hết những lợi thế của các thiết bị IP camera hiện có trên thị trường, đồng thời cũng khắc chế được những nhược điểm mà các sản phẩm khác không thể làm được.

Cụ thể, Dascam có khả năng cung cấp tính năng bảo mật cho nhiều chủng loại IP camera, ngoài ra với cơ chế cập nhật và thay đổi từ khóa dễ dàng trong khoảng thời gian ngắn nên có thể giúp ngăn chặn hành vi tấn công.

Nhóm tác giả khẳng định, sản phẩm được tích hợp cho những ứng dụng triển khai trong môi trường có tính phân tán cao, bao gồm cả ứng dụng phục vụ cho mục đích quốc phòng, an ninh.

Chấm Chung khảo Nhân tài Đất Việt 2019 lĩnh vực CNTT: Tìm kiếm nhân tố tỏa sáng - 11

BGK đánh giá đây là sản phẩm đáp ứng được nhu cầu thị trường, đi đúng hướng về mặt quản lý nhà nước, đặc biệt rất sáng tạo trong mặt công nghệ.

Hiện nay, trên thị trường có hàng trăm nghìn các loại camera khác nhau, gây ra rủi ro rất lớn về an ninh. Nhiều văn phòng, công ty, doanh nghiệp, nhà riêng… lắp đặt camera nhưng có thể bị lấy cắp hình ảnh và sử dụng một cái trái phép.

Tuy nhiên, các thành viên BGK cho rằng, để ra được phương án chống rủi ro thì còn cần rất nhiều vấn đề. Riêng tên gọi sản phẩm: “Bảo mật toàn diện cho hệ thống camera an ninh” cũng chưa thuyết phục. Việc đảm bảo phương tiện thiết bị an toàn, bảo mật từ nguồn phát đến thiết bị đầu cuối thì nhóm cần phải có giải pháp cụ thể hơn đặc biệt trong việc thiết kế phần cứng.

Chấm Chung khảo Nhân tài Đất Việt 2019 lĩnh vực CNTT: Tìm kiếm nhân tố tỏa sáng - 12

Ngoài ra, các thành viên BGK cũng cho rằng để sản phẩm cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường, nhóm cần có giải pháp và chiến lược kinh doanh ấn tượng.

Đây cũng là nhóm tác phẩm nhận được nhiều phản biện, tranh luận nhất của Hội đồng BGK.

Đúng 17h40, 19 sản phẩm lọt vào Chung khảo Giải thưởng NTĐV 2019 đã kết thúc vòng phản biện trước 2 phòng Hội đồng BGK. Tất cả các thí sinh đều nhận được nhiều câu hỏi hóc búa từ những người "cầm cân nảy mực", và cũng có rất nhiều lời khuyên hữu ích của BGK dành cho các thí sinh nhằm giúp hoàn thiện sản phẩm trước khi đưa ra thị trường. 

Ngay sau đó, Hội đồng BGK trở về phòng họp kín để đưa ra những nhận xét, đánh giá của riêng mình về từng sản phẩm trước khi bỏ phiếu chọn ra các sản phẩm xứng đáng nhất để vinh danh vào đêm trao giải Nhân tài Đất Việt 2019 sẽ tổ chức vào 20h ngày 15/11 tới. 

Chấm Chung khảo Nhân tài Đất Việt 2019 lĩnh vực CNTT: Tìm kiếm nhân tố tỏa sáng - 13

Giải thưởng Nhân tài đất Việt 2019 được bảo trợ bởi: Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên & Môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

Một trong những yếu tố quan trọng làm nên sự thành công của Giải thưởng chính là sự đồng hành và hỗ trợ nhiệt thành từ các nhà tài trợ, các đơn vị đồng hành trong suốt 15 năm qua.

Ban Tổ chức Giải thưởng Nhân tài Đất Việt xin tri ân và gửi lời cảm ơn chân thành nhất tới các đơn vị: Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), VingroupVietnamAirlinesVietcombankSun GroupSHBAgribankSamsungTân Hoàng MinhCanonJetstar PacificDược phẩm EcoABBank ... và các cơ quan, báo chí, đài truyền hình trong cả nước.

Sự quan tâm, đồng hành của các đơn vị, nhà tài trợ chính là động lực lớn cho Ban Tổ chức để hoàn thành tốt cuộc thi, hoàn thành sứ mệnh tìm kiếm và tôn vinh các tài năng trong nhiều lĩnh vực.

Nhóm Phóng viên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm