Thành phố thông minh hơn là phải loại bỏ giao dịch tiền mặt

(Dân trí) - Đây là chủ đề của phiên thảo luận diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị ASOCIO kéo dài hai ngày từ 18 - 19/9/2018, đã thu hút sự quan tâm lớn từ các doanh nghiệp muốn chuyển dịch sang thương mại điện tử trong cuộc CMCN 4.0.

Thanh toán trực tuyến (e-payment) là một trong những yếu tố quan trọng góp phần trong công cuộc số hóa của CMCN 4.0
Thanh toán trực tuyến (e-payment) là một trong những yếu tố quan trọng góp phần trong công cuộc số hóa của CMCN 4.0

Năm nay, thủ đô Hà Nội của Việt Nam vinh dự được lựa chọn là thành phố đầu tiên mở đầu trong chuỗi hoạt động quan trọng của Tổ chức Công nghiệp Điện toán Châu Á - Châu Đại Dương (ASOCIO) nhằm chia sẻ tầm nhìn, chiến lược, và kinh nghiệm xây dựng đô thị thông minh tại các quốc gia trong khu vực, mang tên ASOCIO 2018 - Hà Nội với chủ đề “Xây dựng thành phố thông minh hơn, an toàn hơn bằng các giải pháp số”.

Một trong những kinh nghiệm tích lũy được từ các thành phố phát triển trong khu vực, điển hình như Trung Quốc, đó là đẩy mạnh thanh toán điện tử để tránh sự phụ thuộc vào tiền mặt. Tại buổi hội nghị, đây được xem như yếu tố quan trọng trong thúc đẩy hướng tới thành phố thông minh.

Phát biểu tại phiên thảo luận, ông Phạm Quang Đệ - Phó giám đốc LienVietPostBank- Giám đốc Khối Ngân hàng số khẳng định thanh toán điện tử là điều không thể thiếu nếu muốn hướng tới thành phố số hóa và thông minh. "Thành phố thông minh một khi đã kết nối ở mức cao, thì các dịch vụ và dữ liệu công dân được số hóa và có thể được giao dịch trực tuyến thì tiền mặt sẽ được loại bỏ dần, thay thế bằng các giao dịch kỹ thuật số", ông Đệ cho biết.

Theo đó, với việc ứng dụng công nghệ Big data, các thành phố thông minh sẽ sở hữu lượng dữ liệu khổng lồ, đặc biệt về giao dịch và hành chính của công dân. Dữ liệu lớn này sau đó sẽ là đầu mối cho hệ thống chấm điểm tín dụng thế hệ mới, ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

Ông Phạm Quang Đệ - Phó giám đốc LienVietPostBank cho rằng giao dịch trực tuyến là tiền đề để phát triển thành phố thông minh, không phụ thuộc tiền mặt.
Ông Phạm Quang Đệ - Phó giám đốc LienVietPostBank cho rằng giao dịch trực tuyến là tiền đề để phát triển thành phố thông minh, không phụ thuộc tiền mặt.

Chia sẻ thêm về định hướng phát triển hướng tới mô hình thanh toán trực tuyến (e-payment), ông Phạm Quang Đệ cho biết LienVietPostBank sẽ triển khai giải pháp thẻ công dân điện tử đa năng, tích hợp vai trò của thẻ ngân hàng, thẻ thanh toán, thẻ sinh viên, thẻ công chức Nhà nước.

Qua đó, tất cả các thông tin người dân từ bảo hiểm đến điện nước, sức khỏe... sẽ được tích hợp vào một chiếc thẻ duy nhất, ông Đệ cho hay.

Cũng theo hầu hết các đại biểu tại phiên thảo luận, viễn cảnh của thanh toán không chạm, ứng dụng hệ thống thẻ trên điện thoại, trên vé, đi ngang qua có thể trừ được tiền, ứng dụng trên điện thoại, taxi... là mục tiêu mà nhiều tổ chức phát hành thẻ cũng như các địa phương đang hướng tới.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực cũng đánh giá cao khả năng Việt Nam có thể đạt được những bước nhảy vọt nhờ ứng dụng thanh toán không phụ thuộc vào tiền mặt.

Các đại biểu thống nhất rằng, hiện hành lang pháp lý vẫn chưa thực sự đầy đủ và tạo điều kiện kiến tạo các dịch vụ thanh toán số, thanh toán ngân hàng để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.
Các đại biểu thống nhất rằng, hiện hành lang pháp lý vẫn chưa thực sự đầy đủ và tạo điều kiện kiến tạo các dịch vụ thanh toán số, thanh toán ngân hàng để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.

"Việt Nam nói chung, và Hà Nội nói riêng có nhiều cơ hội để có thể có những bước nhảy vọt từ ngưỡng dùng nhiều tiền mặt sang ngưỡng ít dùng tiền mặt và tiến tới thanh toán không chạm", ông Manoj Sugathan, Giám đốc phụ trách Chương trình Thẻ chip, Thanh toán không chạm và Giao thông trung chuyển, Tập đoàn VISA phát biểu tại hội nghị.

Tuy nhiên trước khi hoàn tất mục tiêu 100% thanh toán không dùng tiền mặt, trước hết, các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với sự gắn kết trong khâu dùng tiền mặt và không dùng tiền mặt, vì đây đóng vai trò là bước đệm quan trọng trong chuyển dịch số, mà mọi quốc gia đều phải trải qua.

Trước câu hỏi "làm sao để gắn kết được thanh toán không dùng tiền mặt và thanh toán thông minh trong Thành phố thông minh", ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Chủ tịch VINASA, Phó Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank, cho rằng làm được điều này, cần 3 yếu tốt đó là Công nghệ, Thể chế, Con người.

Trong đó, tuy hạ tầng thanh toán của ngành ngân hàng đã sẵn sàng, nhưng vấn đề đó là vẫn thiếu đi chính sách đồng bộ kết nối giữa các ngành dịch vụ để kết nối thanh toán.

Các đại biểu thống nhất rằng, hiện hành lang pháp lý vẫn chưa thực sự đầy đủ và tạo điều kiện kiến tạo các dịch vụ thanh toán số, thanh toán ngân hàng để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.

Đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến để thúc đẩy xây dựng thành phố thông minh, trong đó điển hình là Hà Nội cần tạo điều kiện hơn nữa để các ngân hàng, đơn vị thanh toán có không gian phát triển, tăng cường tuyên truyền thanh toán không dùng tiền mặt, phối hợp với ngân hàng và các tổ chức thanh toán xây dựng hệ sinh thái không dùng tiền mặt.

Nguyễn Nguyễn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm