Sắp có ứng dụng chẩn đoán Covid-19 thông qua tiếng ho

(Dân trí) - Các nhà khoa học đang xây dựng một ứng dụng tích hợp trí tuệ nhân tạo, có thể chẩn đoán người mắc Covid-19 thông qua tiếng ho của họ.

Các nhà khoa học tại Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đã phát triển một mô hình trí tuệ nhân tạo, có thể phân biệt bệnh nhân mắc Covid-19 và người khỏe mạnh thông qua tiếng ho của họ và kết quả sẽ được hiển thị thông qua ứng dụng trên smartphone.

Các nhà khoa học của MIT cho biết họ phát hiện ra rằng những người mắc Covid-19 có thể khác biệt với những người khỏe mạnh về cách họ ho. Dù sự khác biệt này khó có thể phân biệt bằng tai người bình thường, nhưng lại có thể thu nhận và phân biệt bởi hệ thống trí tuệ nhân tạo.

Sắp có ứng dụng chẩn đoán Covid-19 thông qua tiếng ho - 1

Dựa vào tiếng ho, ứng dụng di động tích hợp trí tuệ nhân tạo có thể chẩn đoán người dùng có nguy cơ mắc Covid-19 hay không (Ảnh minh họa)

Những người tình nguyện tham gia nghiên cứu này sẽ ghi âm tiếng ho của họ bằng máy tính, smartphone… sau đó gửi đến cho các nhà khoa học. Các nhà nghiên cứu đã xây dựng mô hình trí tuệ nhân tạo để nhận diện và phân biệt hàng chục ngàn tiếng ho khác nhau thu được từ các bản ghi âm.

Các nhà khoa học cho biết hệ thống trí tuệ nhân tạo có thể nhận diện được chính xác 98,5% các trường hợp mắc Covid-19 thông qua tiếng ho của họ. Đây đều là những trường hợp xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, nhưng không có bất kỳ triệu chứng rõ rệt nào.

Nhóm nghiên cứu đang kết hợp mô hình trí tuệ nhân tạo này vào một ứng dụng di động, có giao diện thân thiện với người dùng. Nếu được chấp thuận, ứng dụng này có thể áp dụng trên quy mô lớn như một công cụ sàng lọc miễn phí và không xâm lấn, có thể giúp người dùng kiểm tra xem mình có nguy cơ bị nhiễm Covid-19 hay không chỉ bằng tiếng ho vào smartphone. Nếu ứng dụng hiển thị kết quả có nguy cơ đã bị nhiễm virus, người dùng cần liên hệ ngay với cơ quan y tế để được xét nghiệm Covid-19 bằng các phương pháp đầy đủ.

“Việc triển khai công cụ chẩn đoán này có thể làm giảm sự lây lan của đại dịch nếu mọi người sử dụng nó trước khi đến những nơi công cộng như lớp học, cửa hàng, nhà máy…”, Brian Subirana, một nhà nghiên cứu khoa học của MIT, cho biết.

Trước đó, các nhà khoa học cũng đã từng xây dựng các ứng dụng di động để ghi lại tiếng ho của người dùng và chẩn đoán chính xác các bệnh lý liên quan đến hô hấp như viêm phổi, hen suyễn…

Tương tự, nhóm nghiên cứu của MIT cũng đang phát triển một hệ thống trí tuệ nhân tạo để phân tích các bản ghi âm khi ho để xác định các dấu hiệu của Alzheimer, một căn bệnh không chỉ làm suy giảm trí nhớ mà còn làm suy giảm thần kinh cơ, chẳng hạn làm suy yếu dây thanh âm, tạo nên sự khác biệt trong tiếng ho.

Hiện đại dịch Covid-19 vẫn đang lây lan nhanh chóng trên toàn cầu và chưa có dấu hiệu dừng lại. Tính đến ngày hôm nay, 2/11, thế giới có tổng cộng 46,4 triệu ca nhiễm, khiến hơn 1,2 triệu người tử vong. Mỹ vẫn là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong lớn nhất thế giới, với 9,28 triệu người mắc và hơn 231 ngàn người chết. Xếp sau Mỹ về số ca mắc lần lượt là Ấn Độ (8,23 triệu người mắc), Brazil (5,55 triệu ca mắc), Nga (1,64 triệu ca mắc)…