1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Quán quân Nhân tài Đất Việt 2019: Xây sản phẩm lõi như làm nhà có móng chắc

Nguyễn Nguyễn

(Dân trí) - Từ kinh nghiệm thực tế học hỏi từ Giải thưởng Nhân tài Đất Việt, startup quán quân Nhân tài Đất Việt 2019 cho rằng cần chú trọng xây dựng sản phẩm lõi dù tốn nhiều thời gian và công sức ban đầu.

Nhà sáng lập một doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (startup) rất thành công trong lĩnh vực vận dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để nhận diện/xử lý ngôn ngữ, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hệ thống trí thông minh nhân tạo Việt Nam (VAIS) Đỗ Quốc Trường cho biết quyết định đầu tư vào lĩnh vực khá mới mẻ này được truyền cảm hứng từ nước Nhật.

Từ ý tưởng đến giải pháp ngôn ngữ cho người Việt

Quán quân Nhân tài Đất Việt 2019: Xây sản phẩm lõi như làm nhà có móng chắc - 1

Hoàn tất khóa đào tạo Thạc sĩ và Tiến sĩ kéo dài 5 năm tại Nhật, và trở về Việt Nam lập nghiệp năm 2018, anh Trường cùng nhóm bạn xây dựng nên hệ thống xử lý, nhận dạng ngôn ngữ vận dụng trí tuệ nhân tạo VAIS (Vietnam AI System). Sản phẩm Origin-STT do VAIS nghiên cứu sau này đã giúp anh giành giải Nhất CNTT triển vọng trong cuộc thi Nhân tài đất Việt năm 2019.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, anh Trường cho biết trong quá trình học tại Nhật, đã có cơ hội được tham gia vào dự án dịch song ngữ giữa tiếng Trung, tiếng Nhật và tiếng Việt. Dự án này sử dụng những công nghệ tối tân, hiện đại nhất (*pv: hay còn được giới chuyên môn gọi là "state of the art"), trong lĩnh vực về nhận dạng tiếng nói, và được chính phủ Nhật hỗ trợ cho kỳ Đại hội Olympic 2020 diễn ra ở Tokyo (nhưng sau đó bị hoãn do Covid-19).

Trong suốt 5 năm học hỏi, tiếp thu, anh Trường nhận thấy mô hình xử lý, nhận dạng ngôn ngữ rất có tiềm năng tại Việt Nam, trong bối cảnh thị trường này tại nước ta vẫn còn khá sơ khai, chưa được khai phá. 

Do đó khi đã tốt nghiệp chương trình đào tạo và quay về Việt Nam, anh Trường lập tức bắt đầu vào dự án về xử lý ngôn ngữ. quyết định làm startup thay vì kinh doanh thông thường như bao doanh nghiệp khác.

CEO Đỗ Quốc Trường chia sẻ về giải pháp nhận diện, chuyển đổi ngôn ngữ tiến

Giải pháp của VAIS xây dựng khi đó còn rất đơn giản, khó tương tác, cũng như khâu triển khai tới người dùng cuối chưa được hoàn thiện. Tuy nhiên, sản phẩm đã sớm được ứng dụng thành công tại Văn phòng Trung ương Đảng do đáp ứng tốt những tiêu chí đề ra, đồng thời là phần mềm tốt nhất tính đến hiện tại có thể nhận diện, xử lý tiếng Việt ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam.

Anh Trường cho hay việc là người Việt Nam - rồi xây dựng giải pháp cho người Việt Nam, là một lợi thế lớn so với các giải pháp sẵn có trên thị trường nước ngoài. "Việc mình hiểu ngôn ngữ và cách phát âm thế nào, giữa các vùng miền khác nhau ra sao, kết hợp lợi thế về công nghệ học được từ Nhật đã giúp tôi có khởi đầu thuận lợi hơn một chút so với những công ty đi vào lĩnh vực này", anh Trường chia sẻ.

Nền móng – điểm tựa vững chắc của mọi "công trình"

Quán quân Nhân tài Đất Việt 2019: Xây sản phẩm lõi như làm nhà có móng chắc - 2

Có một điều không thể phủ nhận, rằng điểm cốt lõi của tất cả các công trình xây dựng đều xuất phát từ phần nền móng cơ bản. Một nền móng vững chắc và được chăm chút kỹ lưỡng sẽ không chỉ mang đến sự ổn định khi xây dựng công trình, mà còn tối đa hóa độ bền vững của nó.

Ứng dụng phần mềm cũng tương tự. Nếu như có thể xây dựng được phần lõi sản phẩm - đóng vai trò là nền móng vững chắc, thì việc giải mọi bài toán sẽ vô cùng thuận lợi. Có điều, để làm điều này yêu cầu rất nhiều nguồn lực từ bài toán nhân lực, tài chính,...

Rất may mắn, VAIS có được một cú hích cực lớn đến từ Giải Nhất của Nhân tài Đất Việt 2019 với giải pháp mang tên Origin-STT. Chính nhờ điều này, theo anh Đỗ Quốc Trường, đã đóng vai trò then chốt, ảnh hưởng tới mức độ 'educate' thị trường, giúp sản phẩm được biết đến nhiều hơn, từ đó tạo ra nhiều cơ hội cho VAIS - tại thời điểm mới chỉ là một startup non trẻ, có tuổi đời 1 năm.

Nếu như kém may mắn hơn, startup dù với ý tưởng đủ tốt, nhưng hoàn toàn có thể bị "vùi dập" trước sự cạnh tranh "sít sao" của thị trường. 

Quán quân Nhân tài Đất Việt 2019: Xây sản phẩm lõi như làm nhà có móng chắc - 3

Theo như chia sẻ, anh Trường cũng quen rất nhiều startup với ý tưởng tiềm năng, đột phá. Tuy nhiên họ đã chọn "đường tắt" là tận dụng các giải pháp từ nước ngoài, lấy thí dụ như nhiều công ty có thể sử dụng dịch vụ của Google, Amazon, Microsoft,... và chỉ chú tâm xây dựng tầng ứng dụng.

Với lợi thế này, một công ty tầm trung có thể chỉ cần một tháng hoặc hai, là đã có thể làm xong ứng dụng. Tuy nhiên khi ứng dụng đó được triển khai, sẽ có rất nhiều hạn chế đi kèm - điều mà một giải pháp đi kèm công nghệ lõi hoàn toàn có thể hạn chế được, như công đoạn gửi dữ liệu lên máy chủ đặt tại nước ngoài, hay vấn đề yêu cầu bảo mật thông tin dữ liệu.

"Khi làm việc với các cơ quan chính phủ, chúng tôi nhận ra rằng không ai muốn đưa dữ liệu ra bên ngoài, đặc biệt là ngoài lãnh thổ Việt Nam", anh Trường chia sẻ. "Điều này giúp chúng tôi tự tin hơn vì đã lựa chọn xây dựng công nghệ lõi từ ban đầu. Startup bỏ công sức xây sản phẩm lõi có thể ví như như "nhà có nền" - ắt sẽ vững chắc".

Đây cũng không phải là sự lựa chọn ngẫu nhiên, khi cuộc thi Nhân tài Đất Việt ngày càng ghi nhận có nhiều startup chú trọng xây dựng công nghệ lõi ở dạng tiềm năng, thậm chí mới chỉ là ý tưởng, với mong muốn được tiếp sức, làm "bệ phóng" để vượt qua những nấc thang đầu tiên. 

Nói thì dễ, nhưng khi bắt tay vào làm, mới biết xây dựng công nghệ lõi "khắc nghiệt" tới đâu. "Việc xây dựng công nghệ lõi là công việc khó khăn", anh Trường khẳng định. "Đối với AI, bạn sẽ phải dùng dữ liệu để dạy cho máy như dạy những đứa trẻ. Để có dữ liệu đó, chúng tôi phải thu thập. Nhưng để thu thập dữ liệu tiếng nói ở cả 3 miền là một công việc rất khó khăn và tốn thời gian, cả về nguồn lực lẫn tài chính".

Đến khi xây dựng thành công giải pháp lõi của riêng mình, startup lại đối mặt nỗi lo bị "đè bẹp" bởi các kỳ lân, hay bị các tập đoàn lớn "nuốt trọn". Có người nói để xây nền móng đã khó, nhưng giữ cho căn nhà không bị đổ càng khó khăn hơn khi những "lối đi tắt" dần thu hẹp.

Quán quân Nhân tài Đất Việt 2019: Xây sản phẩm lõi như làm nhà có móng chắc - 4

Tuy nhiên, ưu thế chuyển mình và thích ứng nhanh của startup - tính tới thời điểm hiện tại, đã giúp đỡ VAIS rất nhiều trong một số các dự án đòi hỏi tính cạnh tranh cao, anh Trường cho hay. "Chúng ta phải thừa nhận thẳng thắn rằng điều kiện vật chất tại Việt Nam chưa bằng một số quốc gia phát triển như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… Tuy nhiên, sự thành công của sản phẩm trí tuệ nhân tạo (AI) phụ thuộc rất nhiều vào việc 'bản địa hóa' nó". 

Theo anh, đây chính là bí quyết giúp VAIS đứng vững trước sự cạnh tranh từ các giải pháp xử lý ngôn ngữ. "Việc này chúng ta có thể làm ngay cả khi chúng ta không có những hệ thống siêu máy tính. Thậm chí, nếu biết tận dụng thì việc am hiểu địa phương sẽ trở thành lợi thế rất lớn".

Anh cũng thừa nhận việc xây dựng công nghệ lõi trong lĩnh vực AI đang là một trào lưu của giới khởi nghiệp, do đây là một trong những ngành “hot” và những người làm trong mảng này có thu nhập cao hơn mức trung bình.

Nhờ vào một tương lai hứa hẹn chuyển đổi số tại Việt Nam, các startup sẽ có thêm nỗ lực "vượt khó" trong xây dựng giải pháp công nghệ lõi, từ đó tạo ra những sản phẩm "Make in Việt Nam" trước hết là để giải bài toán Việt Nam - và sau đó là tạo ra chỗ đứng cho Việt Nam trên bản đồ thế giới.