Phổ cập Blockchain và AI để giảm thiểu lừa đảo công nghệ cao

Thế Anh

(Dân trí) - Đây là nhận định của ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam.

Phát biểu tại tọa đàm "Nâng cao năng lực phòng chống tội phạm tài chính trên không gian mạng", Đại tá Lê Quang Đạo, Phó Giám đốc Công an TPHCM, nhấn mạnh tọa đàm được tổ chức nhằm nhận diện rõ hơn các phương thức, thủ đoạn của tội phạm trong lĩnh vực tài chính, công nghệ cao.

Qua đó, xác định rõ các nguyên nhân, xu hướng của loại tội phạm này, đưa ra các biện pháp khuyến cáo, phòng ngừa đối với người dân, doanh nghiệp.

Phổ cập Blockchain và AI để giảm thiểu lừa đảo công nghệ cao - 1

Đại tá Lê Quang Đạo, Phó Giám đốc Công an TPHCM phát biểu khai mạc (Ảnh: CTV).

Đồng thời, làm rõ thêm về sự cần thiết, tính cấp bách đối với việc ban hành, sửa đổi một số chính sách, quy định liên quan để đảm bảo cơ sở pháp lý vững chắc, đủ mạnh, khả thi, giúp ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm trong lĩnh vực tài chính, công nghệ cao.

Đặc biệt là nâng cao nhận thức cộng đồng về lừa đảo trực tuyến, tăng cường ý thức bảo vệ dữ liệu cá nhân của người dân và xây dựng mạng lưới liên kết giữa các tổ chức trong quá trình điều tra, xác minh, xử lý các vụ việc.

Để giải quyết vấn đề này, ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam, đề xuất cần nhanh chóng phổ cập kiến thức về Blockchain và AI đến mọi đối tượng cộng đồng để giảm thiểu tình trạng lừa đảo, nhất là đối với những người yếu thế (người lớn tuổi, trẻ nhỏ, phụ nữ, v.v.).

Hình thức đào tạo cần linh hoạt, đa dạng, bao gồm đào tạo trực tiếp, tổ chức hội thảo, diễn đàn, đào tạo online qua MasterTeck (nền tảng học trực tuyến mở Blockchain và AI đầu tiên của Việt Nam theo Chiến lược Blockchain Quốc gia).

Đối với lực lượng thực thi nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự xã hội là các cơ quan công an, cần tăng cường đào tạo nội bộ, nâng cao kiến thức chuyên môn để nắm bắt và làm chủ các công nghệ tiên tiến, dễ dàng truy vết và ngăn chặn các hành vi lừa đảo.

Đồng thời, phối hợp với các đơn vị quốc tế, tổ chức cung cấp dữ liệu uy tín toàn cầu và các chương trình truy vết trên mạng Blockchain (on-chain) như ChainTracer để tối ưu hiệu quả công tác điều tra, xác định và ngăn ngừa các giao dịch bất hợp pháp.

Phổ cập Blockchain và AI để giảm thiểu lừa đảo công nghệ cao - 2

Ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam, chia sẻ tại tọa đàm (Ảnh: CTV).

Đồng quan điểm, Đại tá, PGS.TS Nguyễn Văn Chánh, Trưởng khoa Khoa Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường (Trường Đại học Cảnh sát nhân dân), cho biết đảm bảo mọi người đều an toàn trên không gian mạng là một mục tiêu lớn mà Đại học Cảnh sát Nhân dân nói riêng và lực lượng cảnh sát nói chung đã và đang nỗ lực thực hiện.

Đại học Cảnh sát Nhân dân cũng đang nỗ lực truyền thông, giáo dục nhận thức, nâng cao ý thức cảnh giác cho cộng đồng, đặc biệt là các em học sinh, sinh viên từ bậc Trung học đến Đại học.

Ông Ngô Minh Hiếu, Giám đốc Dự án Phòng chống lừa đảo, cho biết tâm lý của nạn nhân là một trong những rào cản lớn khiến nhiều người không muốn trình báo các cơ quan chức năng.

"Đối với các nạn nhân bị lừa đảo các khoản tiền lớn, đa phần là lừa đảo tình cảm thì họ thường lo lắng bị ảnh hưởng đến uy tín và các mối quan hệ xã hội. Một số người khác lại cho rằng số tiền quá nhỏ không muốn báo cáo cơ quan chức năng hoặc cho rằng báo cáo cũng không giải quyết được nên lựa chọn phương án im lặng", ông Hiếu chia sẻ.

Cũng theo ông Hiếu, việc chống lừa đảo trên không gian mạng không hề khó. Người dân chỉ cần chậm lại, kiểm chứng thông tin và báo cáo các cơ quan chức năng thì có thể giảm thiểu nguy cơ lừa đảo.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm