1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Những người Việt làm nên “kỳ tích” viễn thông ở châu Phi (kỳ 1)

(Dân trí) - Với sự chăm chỉ, cần cù và sáng tạo vốn có của người Việt, cộng thêm kỷ luật và sự sẵn sàng vượt qua gian khổ của người lính, họ đã biến Mozambique từ một mảnh đất sơ khai và đi sau Việt Nam nhiều năm thành một thị trường viễn thông sôi động.

Giữa khu chợ mù mịt bụi đất, dưới cái nắng cháy da của Phi châu, một người Việt và một người Phi đang miệt mài hướng dẫn cho những người dân lam lũ cách sử dụng điện thoại và nạp thẻ cào. Họ không phải là những nhân viên bán hàng thông thường, mà một người nguyên là giám đốc Movitel chi nhánh tỉnh Tete, người còn lại mới được bổ nhiệm giám đốc. Câu chuyện về “kỳ tích” viễn thông của người Việt trên “lục địa đen” bắt đầu với chúng tôi ở những chợ phiên như thế.

Những người Việt làm nên “kỳ tích” viễn thông ở châu Phi (kỳ 1) - 1

Xe bán tải là phương tiện di chuyển chính của Movitel tại Mozambique

Ra chợ để học làm giám đốc

Chúng tôi sang đất nước Mozambique đúng vào thời điểm chuyển mình quan trọng của mạng di động Movitel do Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel vận hành. Sau 4 năm tạo dựng được chỗ đứng vững chắc tại thị trường vô vàn khó khăn và thử thách của quốc gia châu Phi này, Viettel đang bắt đầu chuyển giao lại hầu hết các vị trí chủ chốt cho người địa phương nắm giữ. Đây là một việc có ý nghĩa quan trọng, bởi nó đánh dấu không phải một thành công đơn thuần, mà là sự thành công mang tính bền vững, và đi kèm với nó là những giá trị xã hội không nhỏ.

Để cảm nhận được phần nào chặng đường Viettel đã trải qua để có được chỗ đứng hôm nay ở Mozambique, chúng tôi đã lên đường rời thủ đô Maputo, nơi đặt đại bản doanh của Movitel, để đến với hai tỉnh xa xôi là Tete và Niassa, những nơi có điều kiện tự nhiên cũng như xã hội có thể nói là khắc nghiệt nhất tại thị trường này.

Tete có diện tích gần 100.000 km2, nằm trong vùng khí hậu nóng nhất Mozambique, nhiệt độ từ tháng 9 đến tháng 2 hàng năm thường xuyên lên tới 45 độ C. Phụ trách địa bàn lớn với khí hậu khắc nghiệt, nhưng chi nhánh Movitel ở Tete lại trở thành chi nhánh đầu tiên thay được giám đốc người Việt bằng giám đốc người địa phương, trở thành hình mẫu để các chi nhánh khác làm theo.

Những người Việt làm nên “kỳ tích” viễn thông ở châu Phi (kỳ 1) - 2
Quầy hàng của Movitel ở chợ phiên thôn Marara

Những chiếc xe bán tải dán logo Movitel màu cam đưa chúng tôi vượt chặng đường hàng trăm cây số đầy ổ gà để đến với chợ phiên ở thôn Marara thuộc huyện Changgara. Chợ ồn ào, đông đúc, bụi bặm, chủ yếu bán sản vật địa phương và một số quần áo, vật dụng rẻ tiền. Tuy nhiên, anh em cho biết, chợ này cũng đã là dạng khá ở Mozambique, vì ở một khu dân cư có thu nhập tương đối ổn định.

Nổi bật giữa khu chợ là một quầy hàng nhỏ màu cam với những logo Movitel bắt mắt. Hàng chục người bản xứ đang vây quanh mấy người bán hàng. Họ vừa luôn miệng hướng dẫn, trả lời thắc mắc, vừa luôn tay chỉ dẫn thao tác trên máy điện thoại.

Hai trong số những người bán hàng là anh Trần Trung Hiếu, nguyên Giám đốc Movitel Tete, và anh Goncalves Faustino Afonso, người mới được bổ nhiệm chức Giám đốc và đang trong giai đoạn đào tạo dưới sự hướng dẫn của anh Hiếu.

Vừa gạt mồ hôi, anh Hiếu vừa chia sẻ với chúng tôi rằng Goncalves vốn là Phó Giám đốc và xuất thân từ dân làm kỹ thuật. Anh đã được đào tạo thêm 8 tuần về kinh doanh, và được anh Hiếu “cầm tay chỉ việc” từng bước để từ nay đến cuối năm sẽ hoàn toàn thay thế được anh. “Goncalves rất tự tin, tiếp nhận công việc với thái độ tích cực và chịu khó làm việc ngày đêm”, anh Hiếu nhận xét.

Sự chăm chỉ và thái độ làm việc tích cực là những điều không dễ để truyền sang những người bản xứ, do những khác biệt rất lớn trong cách làm việc, giao tiếp, văn hóa, lối sống, thói quen và điều kiện xã hội.

Anh Hiếu cho biết, giám đốc chi nhánh ở đây không thể chỉ ngồi một chỗ “chỉ tay năm ngón”, mà phải lăn vào việc, trực tiếp tham gia vừa làm vừa chỉ đạo mọi việc trên khắp địa bàn rộng lớn của tỉnh, bao gồm cả từ lắp trạm, xử lý sự cố kỹ thuật cho tới đi bán hàng ở chợ.

Những người dùng 2 SIM Movitel

Chính sự lăn xả, tinh thần làm việc hết mình, sẵn sàng đương đầu và vượt qua mọi khó khăn của những cán bộ Movitel người Việt trên khắp 11 tỉnh thành của Mozambique, trong đó có Tete, đã khiến những cán bộ, nhân viên người bản xứ dịch chuyển theo, thay đổi cách tư duy về công việc.

Cho tới nay, Movitel đã phủ khắp Tete, chiếm vị trí số 1, đạt 262.000 thuê bao, và triển khai được 164 trạm phát sóng, so với con số 93 trạm của đối thủ đứng thứ hai là Vodacom. Tất cả các huyện đều có cửa hàng Movitel cùng nhiều điểm bán, đặc biệt các chợ phiên là nơi người dân tập trung đông, bán hàng hiệu quả.

Goncalves cho biết, trung bình mỗi phiên chợ bán được khoảng 30 máy điện thoại và 100 bộ kit, bao gồm bán ở điểm và bán dạo trong chợ.

Những người Việt làm nên “kỳ tích” viễn thông ở châu Phi (kỳ 1) - 3
Goncalves (trái) đang tư vấn cho cô Ana (phải). Ở giữa là anh Trần Trung Hiếu đang hướng dẫn cho các nhân viên của mình

Tại điểm bán, tôi trò chuyện với một cô gái vừa mua một chiếc SIM Movitel. Cô cho biết mình tên là Ana, đang dạy học ở huyện Changgara, nhưng gia đình thì sống ở cách đây 400km, nên cô có nhu cầu thường xuyên gọi điện về nhà. Ana bảo, cô đã dùng Movitel từ năm 2012, nhưng hôm nay quyết định mua thêm một chiếc SIM nữa để lắp vào chiếc điện thoại 2 SIM của mình. Lý do là sau khi tìm hiểu, biết đang có chương trình khuyến mãi nên cô mua thêm, để được gấp đôi số tiền khuyến mãi.

Đi sâu hơn vào trong chợ, tôi thấy những nhân viên Movitel cần mẫn đi tới từng quầy hàng, giới thiệu và mời cả những người bán và người mua các sản phẩm của Movitel.

Những người Việt làm nên “kỳ tích” viễn thông ở châu Phi (kỳ 1) - 4
Nhân viên Movitel tìm đến từng khách hàng trong chợ để bán hàng

Goncalves chia sẻ, anh học được từ những đồng nghiệp người Việt của mình những chiến lược kinh doanh sao cho tạo được sức hút lớn nhất đối với khách hàng, để những người chưa dùng điện thoại bao giờ sẽ tìm đến Movitel để bắt đầu dùng; người đang dùng mạng khác sẽ mua thêm một SIM hoặc một máy để dùng Movitel, và thậm chí người đang dùng Movitel như cô Ana cũng sẽ thấy lợi ích để mua thêm một SIM Movitel nữa.

Quan trọng không kém, theo Goncalves, là anh học được những cách thức cũng như tinh thần vượt qua mọi trở ngại để đưa được thông tin cũng như sản phẩm, dịch vụ tới nhiều khách hàng nhất có thể. Tại một thị trường còn sơ khai như Mozambique, không thể ngồi một chỗ và trông chờ vào quảng cáo hay Internet để hút khách hàng đến với mình, mà phải tìm đến tận nơi có khách hàng, dù xa xôi đến mấy; phải bán trực tiếp ở các chợ, tìm đến từng quầy hàng trong chợ, và gõ cửa từng nhà để tiếp thị. Với một địa bàn trải rộng, đường sá kém thuận lợi và khí hậu khắc nghiệt, cách làm này đòi hỏi sự kiên trì, quyết tâm rất lớn mà các doanh nghiệp, người lao động bản địa trước đây còn thấy quá xa lạ, nhưng những người Việt đến từ Viettel đã tạo nên một hình mẫu cho họ.

Ông Nguyễn Đức Quang, Tổng Giám đốc Movitel, cho biết: “Sau 3 năm, Movitel đã làm được hạ tầng lớn nhất Mozambique về viễn thông, làm cho vùng phủ người dân dùng dịch vụ viễn thông từ 55% tăng lên 85%. Năm 2014, theo thống kê đã có 6 triệu người dân lần đầu tiên tiếp cận được dịch vụ viễn thông. Hiện Movitel đã chiếm vị trí số 1 thị trường về số thuê bao, chiếm 38% thị phần”.

Tuấn Anh