(Dân trí) - Năm 2021 ghi dấu sự xuất hiện của nhiều sản phẩm công nghệ mới, tuy nhiên, bên cạnh đó có không ít những "tên tuổi" trong làng công nghệ cũng bị "khai tử". Dưới đây là những cái tên tiêu biểu nhất.
Những "cái chết" của giới công nghệ trong năm 2021
Năm 2021 ghi dấu sự xuất hiện của nhiều sản phẩm công nghệ mới, tuy nhiên, bên cạnh đó có không ít những "tên tuổi" trong làng công nghệ cũng bị "khai tử". Dưới đây là những cái tên tiêu biểu nhất.
Trong số những tên tuổi công nghệ bị "khai tử" của năm 2021, nhiều sản phẩm đã để lại tiếc nuối, nhưng cũng có không ít tên tuổi thì việc bị "khai tử" chỉ là vấn đề tất yếu, khi mà không còn đáp ứng được sự kỳ vọng từ người dùng cũng như không thực hiện được mục tiêu đề ra ban đầu.
LG Mobile bị "khai tử", LG chính thức rút khỏi thị trường di động
Đây có lẽ là một trong những "cái chết" gây tiếc nuối nhất trong giới công nghệ của năm 2021.
LG từng là một "ông lớn" trên thị trường di động với những mẫu smartphone cao cấp để lại nhiều ấn tượng cho người dùng. Nhưng những năm qua, LG đã liên tục thua lỗ, mất dần thị phần và không còn chỗ đứng trên thị trường smartphone. Đến tháng 4/2021, LG quyết định "khai tử" bộ phận di động của hãng để tập trung nguồn lực phát triển những lĩnh vực khác như cung cấp thành phần xe điện, thiết bị kết nối, nhà thông minh, robot, trí tuệ nhân tạo, các giải pháp doanh nghiệp…
Quyết định rút khỏi thị trường smartphone của LG đã khiến nhiều người yêu thích hãng công nghệ Hàn Quốc cảm thấy tiếc nuối, nhưng đây được xem là một hậu quả tất yếu cho việc không thể cạnh tranh trên thị trường khắc nghiệt hàng đầu hiện nay.
Project Loon - Dự án phủ sóng Internet bằng khinh khí cầu của Google
Loon là dự án đầy tham vọng của Google, được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 2013. Đây là dự án được phòng thí nghiệm Project X của Google (nay là một công ty con của Alphabet) phát triển, trong đó Google sẽ sử dụng những quả khinh khí cầu bay lơ lửng trên bầu trời để cung cấp sóng WiFi miễn phí tại những khu vực bị thiên tai, các vùng nông thôn hay khu vực khó tiếp cận. Khinh khí cầu của Google sẽ bay ở độ cao không thể nhìn thấy và được các kỹ sư của Google điều chỉnh độ cao và bay nương theo chiều gió để đi theo các tuyến đường mà Google mong muốn.
Những trạm mặt đất của Google có bán kính khoảng 96km quanh khu vực của khinh khí cầu có thể nhận được tín hiệu Internet từ chúng phát ra. Các tín hiệu này sẽ cầu sẽ được truyền ngược trở lại một quả khinh khí cầu tiếp theo để giữ cho sóng Wifi được lan truyền liên tục và không bị ngắt đoạn.
Những khinh khí cầu của Google được gắn pin năng lượng mặt trời vào bề mặt bơm phồng để tạo ra năng lượng cho hệ thống điều khiển từ xa, mạch phát sóng Internet và ăng-ten… Tốc độ truyền tải dữ liệu WiFi miễn phí từ những quả khinh khí cầu sẽ được đáp ứng tối thiểu tương đương với mạng 3G.
Mỗi quả khinh khí cầu có thể cung cấp dịch vụ Internet cho một khu vực rộng lớn gấp đôi diện tích thành phố New York, hoặc tương đương 2.020 km vuông.
Tuy nhiên, tháng 3/2021, dự án đầy tham vọng này đã bị Google khai tử với lý do khả năng thương mại hóa gặp nhiều rủi ro hơn so với dự đoán.
Thanh công cụ dành cho trình duyệt web Google Toolbar
Project Loon không phải là sản phẩm duy nhất của Google bị "khai tử" trong năm 2021, mà còn có Google Toolbar.
Nếu là người dùng Internet cách đây hơn chục năm, hẳn không ít người sẽ quen thuộc với thanh công cụ dành cho trình duyệt web Google Toolbar, được tích hợp vào các trình duyệt như Internet Explorer hay Firefox, giúp người dùng tìm kiếm nội dung trên Google dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, giờ đây khi mà người dùng không còn cần đến và hầu như không sử dụng các thanh toolbar trên trình duyệt, Google cũng đã quyết định "khai tử" thanh công cụ Google Toolbar sau hơn 20 năm ra mắt.
Trang web hỏi đáp Yahoo Answers
Google Toolbar không phải là thứ "hoài niệm" duy nhất của người dùng Internet thời kỳ đầu bị "khai tử" trong năm 2021, mà còn có cả Yahoo Answers. Đây là trang web hỏi đáp của Yahoo từng thu hút rất đông người dùng, vào thời điểm mà Yahoo vẫn đang "thống trị" thị trường Internet.
Thông qua Yahoo Answers, người dùng có thể đưa ra bất kỳ câu hỏi nào để nhận được lời giải đáp từ những người dùng khác, bao gồm cả những câu hỏi "ngô nghê", hài hước lẫn những câu hỏi mang tính chuyên sâu. Tuy nhiên, khi mà giờ đây người dùng có thể dễ dàng tìm kiếm câu trả lời chỉ bằng một lệnh tìm kiếm từ Google, sứ mệnh của Yahoo Answers đã kết thúc và dịch vụ này bị "khai tử" vào tháng 5/2021.
Trang web chia sẻ video nổi tiếng LiveLeak
Được thành lập vào năm 2006, LiveLeak đã nhanh chóng trở thành một trong những trang web chia sẻ video nổi tiếng và được yêu thích nhất trên thế giới. Một trong những lý do giúp LiveLeak trở nên nổi tiếng vì trang web này không giới hạn nội dung do người dùng đăng tải. Bất kỳ video với nội dung gì, từ bạo lực, gây sốc, đẫm máu hay khiêu dâm… đều có thể được đăng tải lên LiveLeak.
Tuy nhiên, vào tháng 5/2021, ban lãnh đạo của LiveLeak đã quyết định "khai tử" trang web này, dù lượng người truy cập vẫn ở mức cao. Ban lãnh đạo của LiveLeak không đưa ra lý do giải thích cho quyết định đóng cửa trang web của mình, nhưng động thái này đã khiến nhiều người tiếc nuối.
Loa thông minh Apple HomePod thế hệ đầu tiên
Được ra mắt vào năm 2017, loa thông minh HomePod thế hệ đầu tiên không phải là một sản phẩm thực sự thành công của Apple. Trợ lý ảo Siri được tích hợp trên HomePod bị giới hạn tính năng và bị đánh giá thua kém so với các đối thủ trên thị trường.
Với việc ra mắt HomePod Mini vào năm ngoái, với mức giá chỉ 99 USD, rẻ hơn nhiều so với mức giá 300 USD của thế hệ đầu tiên, Apple đã quyết định "khai tử" HomePod thế hệ đầu tiên vào tháng 3/2021.
Máy tính iMac Pro
Một sản phẩm khác bị Apple "khai tử" trong năm 2021 là chiếc máy tính iMac Pro, sau 4 năm không ra mắt thêm bất kỳ phiên bản iMac Pro nào mới. Sau khi "khai tử" iMac Pro, Apple vẫn sẽ tiếp tục phát triển dòng máy tính tất cả trong một iMac của hãng.
Hệ điều hành Windows 10X
Được giới thiệu vào năm 2019 cùng chiếc máy tính bảng màn hình gập Surface Neo, Windows 10X là một phiên bản đặc biệt của Windows 10, được Microsoft thiết kế dành riêng cho các thiết bị có 2 màn hình như Surface Neo hay chiếc smartphone Surface Duo…
Tuy nhiên, Microsoft sau đó lại quyết định lựa chọn nền tảng Android để trang bị cho bộ đôi smartphone 2 màn hình của hãng là Surface Duo và Duo 2, đồng thời nhận ra các hãng sản xuất khác không mấy mặn mà với Windows 10X, nên đến tháng 5/2021, Microsoft đã quyết định "khai tử" hệ điều hành này.
Windows 10X kết thúc vòng đời ngắn ngủi của mình mà không để lại bất kỳ ấn tượng nào cho người dùng cũng như giới công nghệ.
Tính năng nhận diện gương mặt trên Facebook
Nhận diện gương mặt là tính năng cho phép Facebook nhận biết những người có trong ảnh và video, từ đó gợi ý người dùng tag tên của họ mỗi khi chia sẻ ảnh hoặc video lên mạng xã hội này. Tuy nhiên, tính năng này vấp phải nhiều sự phản đối từ phía người dùng vì lo ngại rằng gương mặt của họ sẽ bị thu thập và sử dụng cho nhiều mục đích xấu, làm ảnh hưởng đến sự riêng tư.
Đầu tháng 11 vừa qua, Facebook đã quyết định ngừng tính năng nhận diện gương mặt, đồng thời cho biết đang lên kế hoạch xóa toàn bộ dữ liệu đã thu thập được từ người dùng thông qua công nghệ này.
Động thái ngừng sử dụng công nghệ nhận diện gương mặt để thu thập thông tin người dùng đã nhanh chóng nhận được sự ủng hộ từ giới công nghệ lẫn người dùng Facebook. Tuy nhiên, tính năng nhận diện gương mặt sẽ chỉ dừng hoạt động trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram…, nhưng vẫn sẽ được tiếp tục sử dụng trong quá trình xây dựng metaverse (đa vũ trụ ảo) của Meta, công ty mẹ mới thành lập của Facebook.
Công cụ đánh giá thứ hạng website Alexa.com
Alexa.com là công cụ nổi tiếng dùng để xếp hạng các trang web dựa vào lượng truy cập của người dùng. Được ra mắt từ năm 1996, đây từng là một công cụ phổ biến để đánh giá mức độ phát triển và phổ biến của một trang web.
Tuy nhiên, càng ngày mức độ đánh giá của Alexa.com càng thiếu chính xác và các nhà phát triển trang web có thể sử dụng những "chiêu trò" để tăng hạng trên Alexa.com nhằm giúp tăng danh tiếng cho trang web của mình, do vậy, công cụ này đã chính thức bị đóng cửa vào ngày 1/5 vừa qua.
Trang blog của cựu tổng thống Donald Trump
Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump nổi tiếng là một người "nghiện" mạng xã hội. Trong thời gian đương chức, ông thường xuyên chia sẻ những ý kiến, bình luận và đánh giá về nhiều vấn đề khác nhau trên 2 tài khoản mạng xã hội Facebook và Twitter của mình.
Tuy nhiên, đến tháng 1/2021, khi những nội dung được ông Trump chia sẻ bị đánh giá là đã kích động một làn sóng bạo loạn tại điện Capitol, ít ngày trước khi lễ nhậm chức của tổng thống Biden diễn ra, tài khoản Twitter của ông Trump đã bị đóng cửa vĩnh viễn, trong khi đó ông cũng bị "cấm cửa" trên Facebook trong vòng 2 năm.
Tức giận vì bị các nền tảng mạng xã hội lớn "cấm cửa", ông Trump đã thành lập một trang blog của riêng mình, với tên gọi "Từ bàn làm việc của Donald J. Trump" ("From the Desk of Donald J. Trump"). Đây là trang web cho phép cựu tổng thống Mỹ đăng tải các thông điệp, hình ảnh, video… đến những người ủng hộ mình. Tuy nhiên, chỉ sau chưa đầy một tháng, ông Trump đã quyết định "khai tử" trang blog của mình mà không đưa ra lý do cụ thể nào.