Nhân viên TikTok bị sang chấn tâm lý vì phải xem nhiều nội dung "gây sốc"
(Dân trí) - Một cựu nhân viên của TikTok đã khởi kiện mạng xã hội này, sau khi bị sang chấn tâm lý vì thường xuyên phải xem và kiểm duyệt những nội dung nhạy cảm được người dùng chia sẻ.
Candie Frazier, một cựu nhân viên kiểm duyệt nội dung của TikTok, đã nộp đơn kiện lên tòa án tại bang California (Mỹ), cáo buộc ByteDance, công ty mẹ của TikTok, đã không cung cấp đầy đủ các biện pháp bảo vệ sức khỏe tinh thần cho nhân viên kiểm duyệt nội dung, khiến họ phải thường xuyên chứng kiến những cảnh quay nhạy cảm, thậm chí là rùng rợn và đau thương mà người dùng chia sẻ lên TikTok.
Trong đơn kiện của mình, Candie Frazier cho biết cô đã phải dành 12 giờ mỗi ngày để kiểm duyệt các nội dung được đăng tải lên TikTok và trong thời gian này, cô đã phải chứng kiến "hàng nghìn hành động bạo lực cực đoan và đáng sợ", bao gồm cả các vụ xả súng hàng loạt, hiếp dâm trẻ em, chặt thịt động vật, giết người tập thể hay thậm chí là ăn thịt người…
Frazier cho biết để xử lý khối lượng lớn nội dung được tải lên TikTok hàng ngày, cô và các đồng nghiệp phải xem từ 3 đến 10 video cùng lúc, với các video có nội dung ít nhất 25 giây. Các nhân viên chỉ được phép nghỉ 15 phút trong 4 giờ làm việc đầu tiên của ca làm và rồi được nghỉ thêm 15 phút sau mỗi 2 giờ làm việc. Đơn kiện cho biết ByteDance giám sát chặt chẽ hiệu suất làm việc của nhân viên và "trừng phạt nặng nề nếu nhân viên không kiểm duyệt và để lọt các video nội dung bạo lực".
Đơn kiện cáo buộc rằng TikTok đã không đáp ứng được các tiêu chuẩn được công nhận để giảm thiểu tác hại của việc kiểm duyệt nội dung, bao gồm cung cấp cho người kiểm duyệt thời gian giải lao thường xuyên hơn, hỗ trợ tâm lý và các biện pháp kỹ thuật như làm mờ hoặc giảm độ phân giải của những video đang được kiểm duyệt.
Frazier cho biết cô đã bị sang chấn tâm lý nghiêm trọng và mắc phải nhiều chứng bệnh về tâm thần như trầm cảm, thường xuyên căng thẳng và rối loạn căng thẳng sau sang chấn… Cô cũng cho biết thường xuyên bị khó ngủ và gặp ác mộng kinh hoàng…
"Cô ấy bị những cơn hoảng loạn nghiêm trọng làm suy nhược tinh thần và sức khỏe", luật sư đại diện cho Frazier nói.
Phát ngôn viên của TikTok tại Mỹ cũng đã lên tiếng phản hồi về vụ kiện nhằm vào công ty.
"Mặc dù chúng tôi không bình luận về các vụ kiện tụng đang diễn ra, nhưng chúng tôi luôn cố gắng thúc đẩy một môi trường làm việc lành mạnh cho nhân viên và các nhà thầu của chúng tôi", Hilary McQuaide, phát ngôn viên của TikTok tại Mỹ, cho biết. "Chúng tôi luôn mở rộng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe để nhân viên kiểm duyệt nội dung cảm thấy được hỗ trợ về mặt tinh thần và cảm xúc".
Trước TikTok, nhiều nhân viên làm công việc kiểm duyệt nội dung của các nền tảng mạng xã hội lớn khác như Facebook, Youtube hay Google… cũng đã từng nộp đơn kiện lên công ty vì gặp phải các vấn đề về tâm lý khi làm công việc kiểm duyệt các nội dung do người dùng đăng tải.
Năm 2018, Facebook đã phải chi ra 52 triệu USD để đền bù cho các nhân viên kiểm duyệt nội dung của mạng xã hội này khi họ gặp phải các vấn đề về tâm lý vì phải thường xuyên tiếp xúc với các nội dung độc hại trong quá trình làm việc.