Nhà sáng lập tự tin Huawei vẫn “sống tốt” mà không cần các hãng công nghệ Mỹ

(Dân trí) - Dù bị chính phủ Mỹ đưa vào “danh sách đen” khiến Huawei gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển các công nghệ và dịch vụ của mình, nhà sáng lập và CEO của hãng công nghệ Trung Quốc Nhậm Chính Phi vẫn tự tin Huawei sẽ “sống tốt” và khẳng định chiến dịch của Mỹ chống lại công ty sẽ thất bại.

Huawei đã bị chính phủ Mỹ đưa vào “danh sách đen” từ hồi tháng 5 vừa qua, cấm mọi giao dịch mua bán với các hãng công nghệ Mỹ, vì những cáo buộc sản phẩm của Huawei được lợi dụng để thu thập thông tin tình báo và gây nguy hại cho an ninh quốc gia.

Những tưởng động thái này của chính phủ Mỹ sẽ khiến Huawei lâm vào khó khăn và khủng hoảng, nhưng trên thực tế, lãnh đạo của Huawei vẫn đang rất tự tin vào khả năng xoay sở của công ty để lệnh cấm không ảnh hưởng quá nhiều.

Trong một bài trả lời phỏng vấn mới đây với tờ báo The Wall Street Journal, nhà sáng lập và CEO của Huawei Nhậm Chính Phi thậm chí còn khẳng định Huawei có thể “sống tốt” mà không cần đến Mỹ.

“Chúng tôi có thể sống rất tốt mà không cần đến Mỹ. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung không phải là điều mà tôi thực sự lo ngại”, ông Nhậm Chính Phi cho biết trong bài trả lời phỏng vấn.

Nhà sáng lập tự tin Huawei vẫn “sống tốt” mà không cần các hãng công nghệ Mỹ - 1

Ông Nhậm Chính Phi vẫn đang rất tự tin dù Huawei phải chịu nhiều áp lực từ lệnh cấm vận của chính phủ Mỹ

Ông Nhậm cho rằng Huawei không phải là một nhân tố liên quan trong cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vì Huawei hầu như không có thỏa thuận kinh doanh nào ở Mỹ. Ông cũng cho biết nếu không có căng thẳng giữa hai cường quốc này, ông đã có thể chào mời tổng thống Donald Trump đến thăm Huawei ngay bây giờ hoặc sau khi ông hết nhiệm kỳ.

“Chúng tôi chắc chắn sẽ chào đón ông ấy một cách nồng nhiệt”, ông Nhậm Chính Phi khẳng định.

Giải thích cho lý do Huawei có thể “sống tốt” mà không cần đến Mỹ, ông Nhậm cho biết hiện tại Huawei đang xây dựng toàn bộ các danh mục sản phẩm mạng 5G của mình mà không cần sử dụng đến bất kỳ công nghệ nào của Mỹ. Huawei hiện đang lắp ráp khoảng 5.000 trạm thu phát sóng 5G mỗi tháng.

“Chúng tôi không hy vọng Mỹ sẽ loại bỏ Huawei khỏi ‘danh sách đen’. Họ cũng có thể giữ chúng tôi trong danh sách đó mãi mãi vì chúng tôi vẫn ổn khi không cần đến họ”, ông Nhậm tự tin tuyên bố.

Tuy nhiên, CEO của Huawei cũng tiết lộ rằng công ty vẫn đang mua một số công nghệ từ các công ty của Mỹ, là những sản phẩm không nằm trong danh sách cấm giao dịch của chính phủ Mỹ, chẳng hạn chip máy tính và smartphone được sản xuất bởi hai công ty Mỹ là Intel và Qualcomm, để sử dụng trên các sản phẩm của Huawei. Điều này cho thấy Huawei vẫn chưa thể sống độc lập mà không phụ thuộc vào các hãng công nghệ của Mỹ như những gì Nhậm Chính Phi đã tuyên bố.

Việc đưa Huawei vào “danh sách đen” là một trong những nỗ lực chống lại Huawei của chính phủ Mỹ trong năm qua, khi coi Huawei là một mối đe dọa an ninh. Các quan chức Mỹ thậm chí còn thúc ép các nước đồng minh ngăn chặn Huawei trong việc triển khai mạng 5G tại quốc gia của họ. Đỉnh điểm của các hành động này chính là việc Canada đã bắt giữ Mạnh Vãn Chu, Giám đốc tài chính của Huawei và đồng thời cũng là con gái của Nhậm Chính Phi. Hành động của Canada được cho là thực hiện dưới sức ép của chính quyền Washington.

Trên thực tế thì sau lệnh trừng phạt của chính phủ Mỹ, Huawei vẫn tiếp tục giành được các hợp đồng triển khai mạng 5G tại nhiều quốc gia khác nhau trên toàn thế giới, trong khi đó doanh số smartphone của hãng vẫn tiếp tục bùng nổ, đặc biệt tại thị trường Trung Quốc, mặc dù smartphone của Huawei sẽ không tiếp tục được sử dụng các ứng dụng và dịch vụ của Google trong tương lai.

Ông Nhậm Chính Phi từng dự đoán Huawei sẽ đạt được doanh thu 30 tỷ USD trong năm 2019 kể từ khi bị Mỹ đưa công ty vào “danh sách đen”, nhưng trên thực tế báo cáo tài chính của Huawei cho biết trong 9 tháng đầu năm 2019, doanh thu của công ty đã tăng đến 24% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chính phủ Mỹ vẫn bảo vệ quan điểm trừng phạt Huawei vì những lo ngại rằng chính quyền Trung Quốc có thể lợi dụng các thiết bị mạng và viễn thông của Huawei để làm gián điệp. Tuy nhiên, bản thân ông Nhậm Chính Phi và Huawei đã nhiều lần phủ nhận cáo buộc này, đồng thời khẳng định sẽ từ chối mọi yêu cầu cung cấp thông tin người dùng từ phía chính quyền Bắc Kinh.

Khi được hỏi liệu Huawei có thể chắc chắn rằng trong số gần 200.000 nhân viên của mình trên toàn cầu, không có ai thực hiện các hoạt động gián điệp giúp cho chính phủ Trung Quốc, ông Nhậm đã khẳng định rằng công ty nghiêm cấm thực hiện hành vi gián điệp và nếu phát hiện bất kỳ nhân viên nào vi phạm, người đó sẽ bị trừng phạt rất nặng.

Ông Nhậm cũng khẳng định Huawei không có quyền truy cập vào dữ liệu truyền qua hệ thống và thiết bị của hãng.

“Cũng giống như các công ty sản xuất ô tô, chúng tôi chỉ bán thiết bị”, ông Nhậm Chính Phi lập luận. “Các nhà mạng sẽ xây dựng các đường truyền và đảm bảo thông tin truyền qua trên đó, trong khi chúng tôi chỉ như sản xuất các tấm sắt bao phủ bên ngoài đường truyền. Chúng tôi sẽ làm được gì với các tấm sắt đó?”

T.Thủy

Theo WSJ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm