DMagazine

NFT và "cơn sốt" triệu USD

(Dân trí) - Trong năm 2021, thị trường NFT bùng nổ với rất nhiều giao dịch trị giá hàng triệu USD. Tuy nhiên, công nghệ này vẫn đang vấp phải không ít ý kiến trái chiều.

(Dân trí) - Trong năm 2021, thị trường NFT bùng nổ với rất nhiều giao dịch trị giá hàng triệu USD. Tuy nhiên, công nghệ này vẫn đang vấp phải không ít ý kiến trái chiều.

Trong hơn một năm trở lại đây, NFT (non-fungible token) là cụm từ được rất nhiều người nhắc tới, đặc biệt là trong cộng đồng tiền mã hóa. Thậm chí, NFT còn được từ điển Collins chọn là từ của năm 2021. Cụ thể, tần suất sử dụng từ NFT đã tăng 11.000% so với năm trước đó.

NFT và cơn sốt triệu USD - 1

Theo Collins, NFT được định nghĩa là "một chứng chỉ kỹ thuật số duy nhất được đăng ký trong một blockchain, được sử dụng để ghi lại quyền sở hữu một tài sản như tác phẩm nghệ thuật hoặc đồ sưu tầm".

NFT và cơn sốt triệu USD - 3

Hiểu đơn giản, NFT hoạt động như một chữ ký số, giúp tác giả có thể xác thực quyền sở hữu đối với tác phẩm nghệ thuật. Trong đó, Blockchain đóng vai trò như một sổ cái công khai, cho phép bất kỳ ai cũng có thể xác minh tính xác thực của NFT và ai là người sở hữu nó.

Không giống như hầu hết tệp tin kỹ thuật số có thể được sao chép liên tục, mỗi NFT có một chữ ký số duy nhất, đồng nghĩa rằng nó là độc nhất vô nhị. Tất cả các loại đối tượng kỹ thuật số - hình ảnh, video, âm nhạc, văn bản và thậm chí cả tweet trên Twitter - đều có thể được mua và bán dưới dạng NFT. 

Về cơ bản, NFT giống như một món hàng của các nhà sưu tầm, nhưng dưới dạng kỹ thuật số. Thay vì sở hữu một bức tranh sơn dầu ở ngoài đời và treo nó trên tường, người mua sẽ nhận được một tệp tin kỹ thuật số và được xác nhận quyền sở hữu.

NFT thường được giao dịch bằng tiền điện tử và blockchain có chức năng lưu giữ hồ sơ các giao dịch. Bất kỳ ai cũng có thể xem hay tải xuống NFT, nhưng chỉ người mua mới có tư cách sở hữu tác phẩm NFT đó.

Vì được giao dịch thông qua tiền điện tử, giá bán của NFT cũng chịu sự biến động như bất kỳ loại tiền điện tử nào khác, có thể tăng hoặc giảm giá trị. Mức giá của NFT phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau và độ khan hiếm là một trong số đó.

NFT và cơn sốt triệu USD - 5

"Đây là một không gian thực sự coi trọng cộng đồng và bản sắc của nghệ sĩ đứng đằng sau dự án, điều mà trước đây gần như không được coi trọng. Tương lai là đây", Noah Davis, người đứng đầu bộ phận bán hàng kỹ thuật số tại Christie's, lạc quan về tương lai, đặc biệt là với các nghệ sĩ, nhà sáng tạo trẻ đang bước vào không gian NFT. 

NFT và cơn sốt triệu USD - 7

Được giao dịch từ năm 2017, nhưng NFT chỉ thực sự được quan tâm trong khoảng một năm trở lại đây. Tác phẩm NFT đầu tiên trên thế giới có tên "Quantum", đã được tạo ra vào tháng 5/2014. Đến tháng 6/2021, tác phẩm này đã được bán đấu giá với số tiền 1,47 triệu USD.

Một báo cáo của Cointelegraph tiết lộ rằng doanh số bán NFT trên Ethereum - blockchain hỗ trợ các hợp đồng thông minh - đã vượt qua 9 tỷ USD vào năm 2021, tăng 2.500% so với doanh số bán hàng vào năm 2020. Theo dữ liệu từ công ty theo dõi thị trường DappRadar, doanh số bán hàng đã tăng lên 10,7 tỷ USD trong quý III/2021, gấp hơn 8 lần quý trước.

Hiện tại, Ethereum là mạng lưới dẫn đầu về nền kinh tế NFT. Rất nhiều bộ sưu tập NFT nổi tiếng và có giá trị đã được "đúc" ra trên nền tảng của chuỗi khối này. Một số sàn giao dịch NFT phổ biến hiện nay gồm OpenSea, Rarible và Mintable.

"NFT đại diện cho các nền tảng xây dựng của các nền kinh tế ngang hàng hoàn toàn mới, nơi người dùng có quyền tự do và quyền sở hữu cao hơn đối với dữ liệu của họ và các nhà phát triển có thể xây dựng các ứng dụng hoặc tương tác để cung cấp giá trị kinh tế thực sự cho người dùng", Devin Finzer, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập của OpenSea chia sẻ.

NFT và cơn sốt triệu USD - 9

Trên thực tế, 2021 được nhiều người đánh giá là năm bùng nổ của thị trường NFT. Rất nhiều bộ sưu tập NFT đã được chào bán thành công với mức giá không tưởng, lên tới hàng triệu USD. 

Theo Crypto Potato, NFT đắt giá nhất hiện nay là The Merge - tác phẩm hội họa kỹ thuật số được tạo bởi một họa sĩ ẩn danh có tên Pak và được bán ngày 6/12/2021 với mức giá 91,8 triệu USD. Việc kiếm tiền từ NFT cũng hoàn toàn không bị giới hạn bởi công việc, ngành nghề, độ tuổi hay giới tính.

Giữa tháng 9/2021, một cậu bé 12 tuổi có tên Benyamin Ahmed đã hợp tác với các nhà phát triển của Boring Bananas Co. để tạo ra Non-Fungible Heroes (NFH), một bộ sưu tập NFT gồm 8.888 nhân vật truyện tranh. 

Bộ sưu tập này ra mắt vào ngày 18/9 và đã nhanh chóng bán hết chỉ sau 12 phút. Theo dữ liệu từ Dune Analytics, đến tháng 10/2021, bộ sưu tập này đã tạo ra hơn 5 triệu USD doanh thu.

Đầu tháng 1, một chàng trai tại Indonesia đã kiếm được hơn một triệu USD chỉ bằng cách bán những bức ảnh selfie của bản thân dưới dạng NFT. Ghozali (22 tuổi, sống tại Central Java, Indonesia) đã chụp những bức ảnh selfie mỗi ngày từ năm 2017 đến năm 2021. 

Những bức ảnh này chỉ đơn giản là chụp lại khoảnh khắc mỗi ngày của Ghozali, hoàn toàn không có biểu cảm gì đặc biệt, cũng không có bất cứ điểm hấp dẫn hay tính nghệ thuật gì. Anh đã biến những tấm ảnh này thành NFT và đặt chúng trong một bộ sưu tập có tên Ghozali Everyday. Bộ sưu tập đặc biệt này bao gồm 933 bức ảnh và được đưa lên giao dịch trên sàn OpenSea.

NFT và cơn sốt triệu USD - 11

Ban đầu, mỗi NFT có giá 0,001 Ethereum, tương đương 3,28 USD. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, mức giá của mỗi NFT là 0,24 ETH, tương đương 786 USD. Theo OpenSea, tổng lượng giao dịch các NFT trong bộ sưu tập Ghozali Everyday đạt 321 ETH, tương đương một triệu USD.

Hay gần đây nhất, Irene Zhao cũng đã tung ra một bộ ảnh chụp bản thân dưới dạng NFT. Zhao là một nữ người mẫu có tiếng tại Singapore, sở hữu tài khoản Instagram với hơn 400.000 người theo dõi.

Sau khi những bức ảnh của Irene Zhao được đưa lên sàn giao dịch OpenSea, chúng đã được bán với giá từ 1,25-100 Ethereum. Thời điểm đó, mỗi đồng Ethereum có giá khoảng 2.453 USD. Điều này giúp Zhao thu về số tiền khoảng 7,5 triệu USD từ việc bán bộ ảnh NFT của mình.

NFT và cơn sốt triệu USD - 13

Nhận thấy tiềm năng của lĩnh vực này, nhiều ông lớn công nghệ cũng đang ấp ủ kế hoạch triển khai NFT trên các nền tảng của họ. Giữa tháng 1, Twitter đã trở thành mạng xã hội đầu tiên ứng dụng công nghệ này khi cho phép người dùng có thể sử dụng NFT để làm hình ảnh đại diện.

NFT và cơn sốt triệu USD - 15

Một ông lớn khác là YouTube cũng úp mở về việc áp dụng NFT. Trong một bức thư được công bố vào cuối tháng 1, CEO YouTube Susan Wojcicki đã gợi ý rằng công ty đang tìm cách tích hợp NFT trong tương lai, như một nguồn doanh thu khác dành cho các nhà sáng tạo nội dung.

Tuy nhiên, những tranh cãi xung quanh công nghệ này cũng không ít, nhất là trong ngành công nghiệp game. Đầu tháng 12/2021, Ubisoft đã thử nghiệm đưa NFT vào game và động thái này nhanh chóng vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. 

Cụ thể, ông lớn này đã giới thiệu nền tảng Quartz, cho phép người chơi sở hữu vật phẩm trò chơi dưới dạng NFT. Sau khi được thêm vào game Ghost Recon Breakpoint, cộng đồng game thủ lập tức bày tỏ sự phẫn nộ khi cho rằng Quartz đang muốn "móc túi" của người chơi. 

Không chỉ riêng Ubisoft, nhiều ông lớn ngành game khác như EA, Square Enix hay Epic Games cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ NFT. Tim Sweeney, CEO của Epic Games còn cho biết công ty không có ý định ngăn cản các sản phẩm dạng này bán trên cửa hàng của họ.

Trong khi đó, Steam - một trong những cửa hàng phân phối game trên máy tính lớn nhất thế giới - lại có thái độ trái ngược hoàn toàn. Tháng 10/2021, Steam đã tuyên bố cấm toàn bộ các tựa game blockchain trên nền tảng của họ.

"Nhiều việc đang diễn ra một cách không minh bạch. Blockchain là một công nghệ tuyệt vời. Tuy nhiên, cách mà chúng ta đang sử dụng nó lại rất mập mờ. Vì thế, bạn sẽ muốn tránh xa nó", Gabe Newell, chủ tịch của Valve chia sẻ với Eurogamer trong một buổi phỏng vấn gần đây.

NFT và cơn sốt triệu USD - 17

Chưa dừng lại ở đó, một số quan điểm còn cho rằng NFT chỉ là trò lừa đảo. Đầu tháng 2, Itch.io - một cửa hàng game hàng đầu dành cho các nhà phát triển Indie - cũng đã lên tiếng chỉ trích công nghệ này.

"NFT là một trò lừa đảo. Nếu bạn cho rằng nó có bất cứ tác dụng gì, ngoài việc lợi dụng các nhà sáng tạo, lừa đảo tài chính và hủy diệt hành tinh của chúng ta, vui lòng hãy suy nghĩ lại", Itch.io viết trên Twitter.

Thậm chí, Itch.io còn lên tiếng chỉ trích những công ty ủng hộ NFT, cho rằng họ chỉ quan tâm đến lợi nhuận và sự giàu có hơn bất cứ thứ gì khác.

Nội dung: Thế Anh

Thiết kế: Nguyễn Vượng