Tiến sĩ Nguyễn Long – Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo NTĐV 2012:

Muốn đoạt giải thưởng NTĐV, phải biết khát khao sáng tạo và tham vọng

(Dân trí) - Một nhân tố quan trọng góp phần cho thành công của Giải thưởng Nhân tài đất Việt là Hội đồng Giám khảo. 8 năm giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng sơ khảo, Tiến sĩ Nguyễn Long – Tổng Thư ký hội Tin học Việt Nam đã có những chia sẻ cùng Dân trí.

Giám khảo là những chuyên gia CNTT hàng đầu

- Thưa ông Nguyễn Long, qua 8 năm là Chủ tịch Hội đồng sơ khảo (HĐSK), xin ông cho biết vài nét về các vị giám khảo trong Hội đồng này?

- Nhân tài đất Việt trong lĩnh vực CNTT là giải thưởng lớn dành cho mọi đối tượng, chia làm 2 nhóm các sản phẩm có tiềm năng và các sản phẩm đã thành công (trước đây là đã ứng dụng rộng rãi) nên hầu hết các hồ sơ dự thi là các sản phẩm phần mềm, trang xã hội và thương mại, giải pháp, tích hợp hệ thống và không nhiều là phần cứng.
 
Tiến sĩ Nguyễn Long công bố kết quả sơ khảo quả trong buổi họp báo tại Hà Nội. (Ảnh: Hữu Nghị)
Tiến sĩ Nguyễn Long công bố kết quả sơ khảo trong buổi họp báo tại Hà Nội. (Ảnh: Hữu Nghị)

HĐSK có nhiệm vụ chọn ra các sản phẩm tốt nhất, xuất sắc nhất từ rất nhiều hồ sơ tham gia, đề cử vào Chung khảo, do vậy những giám khảo thuộc HĐSK được Hội Tin học VN mời gồm các chuyên gia có kinh nghiệm, các nhà khoa học trong lĩnh vực CNTT và cả các nhà quản lý đại diện doanh nghiệp CNTT, tổ chức nghề nghiệp CNTT tham gia. Trong vòng một tháng, HĐSK phải chọn lọc được các sản phẩm xuất sắc nhất từ những hồ sơ dự thi theo đúng tiêu chí của Giải thưởng.

Phần lớn trong HĐSK là các nhà khoa học có nhiều điều kiện tiếp cận (nghiên cứu, giảng dạy) các vấn đề mới, khó về công nghệ từ các Viện nghiên cứu, trường đại học có uy tín.

- Việc chấm sơ khảo giống như “so bó đũa chọn cột cờ”, rất khó. Ông có thể chia sẻ về những khó khăn khi phải chọn ra vài trong số hàng trăm sản phẩm dự thi?

- HĐSK là nhóm chuyên gia làm việc vất vả nhất, từ đọc hồ sơ, tìm hiểu sản phẩm, test thử sản phẩm, tìm kiếm thông tin kiểm định, phản biện và đưa ra những đánh giá đầu tiên cho hàng trăm sản phẩm dự giải mỗi năm. Trung bình mỗi vị giám khảo phải tìm hiểu hồ sơ của vài chục sản phẩm dự thi.

Không chỉ thế, phiên họp tập trung HĐSK là phiên sôi nổi nhất qua những trao đổi thẳng thắn, phản biện và cuối cùng là phải tìm ra và bỏ phiếu đề xuất mỗi năm từ 15-20 sản phẩm vào vòng Chung khảo.

Khó nhất là tìm kiếm cái mới, cái sáng tạo - đột phá từ các sản phẩm. Tuy số sản phẩm đăng ký nhiều nhưng các sản phẩm của ta cứ na ná các sản phẩm ngoại. Xu thế Việt hoá ý tưởng vẫn còn chiếm số đông. Tiếp đó là các vấn đề liên quan đến công nghệ, công cụ để thực hiện sản phẩm và các vấn đề liên quan đến bản quyền. Nhiều sản phẩm chọn hướng đi tốt, có ý tưởng tốt nhưng công nghệ lựa chọn còn chưa đầy đủ, chẳng hạn như ứng dụng cho smartphone chỉ cho một loại máy di động, bảo mật, an ninh chỉ trên nền tảng Microsoft...

Chưa kể có các sản phẩm tranh chấp, cùng một ý tưởng nhưng có hai sản phẩm đăng ký cùng song hành với nhiều điểm giống nhau.

Năm 2012, năm đầu của giải Thành công nhưng chưa thu hút được các doanh nghiệp đã có sản phẩm thực sự thành công tham gia, quả thật đáng tiếc.    

- Xu thế của các sản phẩm dự thi năm nay là gì thưa ông?

- Theo tôi, năm 2012, nhóm đông nhất là các sản phẩm ứng dụng trong Giáo dục và Đào tạo. Theo xu thế mới xuất hiện các ứng dụng sách điện tử và sách giáo khoa điện tử (trên tablet). Ứng dụng nội dung số và mạng xã hội cũng là điểm mạnh của các hồ sơ năm nay. Bên cạnh đó, các sản phẩm mang nhiều tính công nghệ và tích hợp vẫn luôn có mặt tranh tài. 

Các sản phẩm thiếu vắng theo xu thế công nghệ, hoặc có tên nhưng chưa sắc nét như ứng dụng trên nền Clound Computing, các ứng dụng Việt cho di động 3G, các ứng dụng xử lý trên nền big data... 

Không nên “quyết tâm” sáng tạo cái cũ

- Có khi nào HĐSK phải lựa chọn giữa việc lấy hay bỏ 1 sản phẩm vào chung khảo, khi đó cảm giác của ông thế nào?

Chọn được sản phẩm là thấy vui, bỏ một sản phẩm là thấy tiếc. Năm nào cũng vậy, có năm nhiều, có năm chẳng có là bao. Nếu nhiều ý tưởng và công nghệ mới tham gia chắc chắn việc lựa chọn sẽ dễ dàng hơn, HĐSK cũng cảm thấy vui vì được tìm hiểu cái mới, hi vọng thêm vào tiềm năng của Việt Nam và dễ ưu tiên đề xuất vào chung khảo để mong được lắng nghe nhóm tác giả thuyết trình.

Nhưng nhiều khi chẳng tìm thấy sản phẩm thật ưng ý, định đề xuất thì so sánh ra ngoài xã hội thấy còn nhiều sản phẩm còn tốt hơn, hoàn thiện hơn. Nhiều thí sinh trong hồ sơ nói về mình hơi quá. Điều an ủi là năm nào HĐSK cũng chọn được khoảng 14-20 sản phẩm vào chung khảo mà không phải băn khoăn nhiều.    
Hội đồng Sơ khảo chấm duyệt các sản phẩm NTĐV 2012 trong lĩnh vực CNTT (ảnh: Bảo Trung)
Hội đồng Sơ khảo chấm duyệt các sản phẩm NTĐV 2012 trong lĩnh vực CNTT (ảnh: Bảo Trung)

- Có sản phẩm nào hay hoặc có ý tưởng hay, khiến cả Hội đồng sơ khảo phải tấm tắc khen không thưa ông?

Chưa có sản phẩm nào thực sự thuyết phục cả hội đồng trong nhiều năm. Lĩnh vực sáng tạo của CNTT rất rộng và khó - thế giới cũng chỉ vài cái tên thôi, nên để cả một hội đồng đa lĩnh vực trong CNTT cùng “tấm tắc” khen thì quả là hiếm và khó, nhất là tới vòng Chung khảo. Với HĐSK thì dễ hơn, nếu ý tưởng tốt - công nghệ mới phù hợp với xu thế và sản phẩm bắt đầu hoàn thiện thì dễ dàng hơn để  có vé vào vòng trong.

- Có những sản phẩm thi đi thi thi lại nhiều năm nhưng vẫn không vào được Chung khảo, nhưng cũng thể hiện ý chí quyết tâm của người dự. Ông đánh giá thế nào về những sản phẩm này?
 
Năm nào cũng có sản phẩm như vậy, đến nay vẫn còn tác giả quyết tâm làm trình duyệt, hệ điều hành, ngôn ngữ CSDL ...  và gửi sản phẩm dự thi không chỉ một lần. Tuy nhiên với công nghệ thông tin thì hướng đi tốt nhất phải biết tận dụng xu thế công nghệ và tài sản trí tuệ nhân loại; xu thế tích hợp, sản phẩm công nghệ mới thay đổi 3-6 tháng một lần (iPad, điện thoại chạy nền Android ...) , các sản phẩm nguồn cũng liên tục cập nhật (kể cả phần cứng) nếu cứ “quyết tâm” sáng tạo cái cũ thì quả là khó. Nhiều sản phẩm (nhóm) đã đoạt giải, vẫn gửi thi các sản phẩm cập nhật, tuy nhiên nếu không thể hiện tính đột phá hơn, sáng tạo hơn hẳn mà chỉ hướng tới thị trường thì ít có cơ hội vào chung khảo tiếp.

Vấn đề gian lận

- Qua các năm chấm giải, Hội đồng đã phát hiện gian lận nào chưa, thưa ông?

- Chưa có. Nếu có tranh chấp thường các nhóm tác giả tự nguyện xin rút lui trước. BTC thường công khai giới thiệu sản phẩm dự thi cho cộng đồng trên trang Nhân tài đất Việt (nhantaidatviet.vn) nên nếu có tranh chấp và gian lận thì chúng tôi phát hiện và xử lý từ rất sớm.Có xảy ra hiện tượng một số sản phẩm sao chép mã nguồn phần mềm nguồn mở (PMNM) không tuân thủ quy định bản quyền của cộng đồng PMNM, không công bố, tuy nhiên chưa thấy trục trặc nào lớn.

Ngoài ra các ý tưởng gần như nhau thì chưa chắc đã quy là gian lận, nhưng rất khó thuyết phục để đi đến giải thưởng. Trước khi chấm theo hồ sơ sản phẩm, đã có hẳn một nhóm chuyên gia công nghệ test sản phẩm và báo cáo hiện trạng với Hội đồng, nên các sản phẩm đặc biệt là phần mềm được xem xét rất cẩn thận.  
Hội đồng Sơ khảo chấm duyệt các sản phẩm NTĐV 2012 trong lĩnh vực CNTT (ảnh: Bảo Trung)
Ông Nguyễn Long giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng sơ khảo NTĐV trong 8 năm liên tục của Giải thưởng (ảnh: Bảo Trung)
 
- Bằng cách nào BGK có thể bao quát được các sản phẩm lọt vào chung khảo để đảm bảo họ không “bê” từ đâu về, thưa ông?

- Quả thật, các thành viên của Hội đồng tham gia chấm cho nhiều giải thưởng và cuộc thi, ngay cả trong các Hội đồng bảo vệ đề tài, dự án, bảo vệ luận án, nên dễ phát hiện các sản phẩm đã tham gia giải trình diễn ở những đâu.

Ngoài ra trong hồ sơ các sản phẩm, tác giả cũng nêu mình đã được những thành tựu gì. Tuy nhiên với NTĐV yếu tố sản phẩm (công nghệ- giải pháp) đòi hỏi có hồ sơ kỹ càng chứ không phải hồ sơ thành tích, ứng dụng hoặc triển khai, nên một số sản phẩm mang hồ sơ thi ở cuộc thi khác chuyển nguyên trạng cho Hội đồng chấm thì quả thật là khó vì chẳng chấm được gì nhiều.

HĐSK chấm theo hồ sơ, sản phẩm, căn cứ tiêu chí của giải thưởng nên “bê về” hay không cũng không ảnh hưởng nhiều lắm. Phát hiện họ tham gia ở đâu để bình chấm kỹ hơn và đảm bảo khách quan, đó là cách tốt nhất đảm bảo quyền lợi của các thí sinh.
 
Hãy biết khát khao, tham vọng

- Để chọn được sản phẩm xứng đáng vào chung khảo, BGK có thường xuyên phản biện lẫn nhau không, thưa ông?

- Phản biện và tư vấn đấy là tác phong quen thuộc của các thành viên Hội đồng. Hầu hết các sản phẩm dự thi đều được HĐSK trao đổi thông tin với nhau để bình chấm thật khách quan. Nếu chỉ một người bình chấm có thể không biết, nhưng một tập thể thì chắc sẽ có người biết tường tận và cả tập thể cùng phản biện lại.

- 8 năm chấm thi NTĐV, ông có lời khuyên nào cho các bạn trẻ đang có ý muốn dự thi NTĐV, hoặc các cuộc thi CNTT trong và ngoài nước?

- Hãy luôn khát khao sáng tạo và tham vọng thành công. Thế giới ICT cho ta thấy giới CNTT đã sáng tạo với tốc độ và tham vọng như thế nào, đó là những đỉnh cao.

Cái còn yếu của chúng ta là còn thiếu và chưa thật tự tin với ý tưởng sáng tạo theo xu thế, cách nắm bắt và tận dụng công nghệ mới, lựa chọn công cụ và quy trình hoàn thiện sản phẩm. Hơn nữa, chưa nhiều sản phẩm có ý tưởng được kết hợp với  phương án kinh doanh chuyên nghiệp, nếu thiếu điều này dù đoạt giải sản phẩm chưa chắc đã thành công.

Các bạn trẻ mong muốn tham gia với NTĐV hãy hình thành ý tưởng mới, đột phá và bắt tay tìm hiểu công nghệ thực hiện, hình thành phương án phát triển tốt. Như vậy chắc chắn sẽ thành công!

- Xin trân trọng cảm ơn ông!
Bảo Trung (thực hiện)