Liệu Tổng thống Trump có đóng lại thời kỳ "hoàng kim" của công nghệ dưới thời Obama?

(Dân trí) - Một trong những di sản dễ thấy nhất mà ông Obama để lại cho tới nay đó là sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, hay nói cách khác, ông đã thực sự mở rộng cánh cửa cho thung lũng Silicon để vươn tầm khắp thế giới.

Ông Obama từng mệnh danh là vị Tổng thống của Công nghệ.
Ông Obama từng mệnh danh là vị Tổng thống của Công nghệ.

Khi Barack Obama chuyển tới Nhà Trắng vào 20/1/2009, chính phủ Liên Bang đang thực sự chìm trong thời kỳ đen tối của công nghệ kỹ thuật số. Thậm chí cho tới năm 2011, ông Obama đã phải thốt lên rằng: "Công nghệ của Nhà Trắng đang đi chậm hơn thế giới 30 năm".

Ông Obama cũng là Tổng thống Mỹ đầu tiên sử dụng một chiếc điện thoại BlackBerry, và đây chỉ là một nét nhỏ trong những thay đổi tích cực mà ông tạo ra đối với nền IT của nhân loại. Trong 8 năm ngồi trên ghế Nhà Trắng, Obama đã nâng cấp cơ sở hạ tầng, phổ cập giáo dục STEM (viết tắt của Khoa học, Công nghệ, và Toán học), và đưa Internet thực sự thành một khái niệm toàn cầu.

Dù yêu hay ghét Obama, bất cứ ai cũng phải gật đầu đồng ý với quan điểm ông chính là ngài Tổng thống có tác động lớn nhất tới Khoa học và Công nghệ trong những năm tại vị, và dưới đây là những minh chứng cụ thể.

Ông Obama tạo ra sự khác biệt trong truyền bá những thông điệp của mình

Trang Twitter chính thức dành cho Tổng thống Mỹ được thành lập dưới thời ông Obama
Trang Twitter chính thức dành cho Tổng thống Mỹ được thành lập dưới thời ông Obama

Vào năm 2008, khi giới chính trị gia vẫn chưa làm quen với khái niệm Internet, thì ông Obama đã sớm nhận ra sức mạnh của mạng xã hội. Chiến dịch tranh cử của ông được xây dựng dựa trên nền tảng website với đường dẫn là My.BarackObama.com, kết hợp cùng nhiều trang web khác như Meetup.com, MySpace,..

Tại thời điểm hiện nay, tức gần 10 năm sau, Internet trở thành trọng tâm không thể thiếu của bất cứ chính trị gia nào. Nó không chỉ đơn giản là việc "ném tiền" vào một trang web được thiết kế tốt, mà bạn phải thực sự chiến thắng trên các mạng xã hội như Twitter, Facebook, Reddit, Snapchat với từng tuyên bố được đưa ra.

Sau khi nhậm chức, ông Obama tiếp tục xóa bỏ đi ranh giới giữa chính phủ và Internet. Ông nhanh chóng nắm bắt được xu thế sử dụng mạng xã hội của giới trẻ, thuyết phục chính phủ cho tạo tài khoản Twitter dành riêng cho các đời Tổng thống với tên gọi @POTUS. Ông cũng mở đầu cho việc đăng tải các hình ảnh, video trên trang web của Nhà Trắng, cũng như live-stream trực tuyến bài diễn văn Thông điệp Liên bang mỗi năm.

Vào tháng Giêng năm 2016, Engadget thậm chí mệnh danh ông Obama là "ninja đầu tiên của Nhà Trắng trong lĩnh vực phương tiện truyền thông và xã hội".

Internet

Obama: Internet không phải là một thứ xa xỉ. Nó là sự cân thiết.
Obama: Internet không phải là một thứ xa xỉ. Nó là sự cân thiết.

Nhận thấy những sự tác động mạnh mẽ của Internet tới đời sống, xã hội, và ngay cả là đối với việc tranh cử Tổng thống, ông Obama đã đầu tư hàng tỷ USD vào lĩnh vực công nghệ nhằm nâng cao chất lượng và tốc độ đường truyền của Internet. Kế hoạch đường dây Internet băng thông rộng xuyên quốc gia (FFC) của Tổng thống Obama đã được phát triển trong nhiệm kỳ đầu của ông, và đặt mục tiêu tất cả người Mỹ có thể truy cập Internet băng thông rộng vào năm 2020.

Ngay cả sự trỗi dậy đầy bất ngờ của mạng không dây cũng không hề làm khó được Obama. Chính quyền dưới tay ông nhanh chóng đưa ra một kế hoạch để giải phóng băng tần cho các nhà cung cấp di động, và đầu tư mạnh vào 4G tại các khu vực nông thôn. Trong năm ngoái, Nhà Trắng và FCC đã từng bước chủ động để phát triển lên thế hệ tiếp theo - đó là 5G.

Khoa học và vũ trụ

Liệu Tổng thống Trump có đóng lại thời kỳ "hoàng kim" của công nghệ dưới thời Obama? - 4

Trong chiến dịch tranh cử diễn ra vào năm 2008, ông Obama đã nói rất nhiều về khoa học và những tư duy hợp lý. Tuy nhiên ngay cả các cố vấn thân cận nhất của ông cũng đã rất ngạc nhiên bởi cái cách mà Obama ưu tiên cho lĩnh vực Khoa học công nghệ.

Ông cam kết trong năm 2009 nhằm "đưa Khoa học về đúng vị trí của nó." Theo tờ New York Times, Ủy ban cố vấn Khoa học dưới thời Tổng thống Obama được cho là đã hoạt động tích cực nhất trong lịch sử, khi tung ra tổng cộng 34 nghiên cứu khác nhau trong suốt 8 năm nhiệm kỳ của ông.

Một trong những dấu ấn của ông trong lĩnh vực Khoa học đó là tuyên bố gỡ bỏ lệnh giới hạn đã kéo dài 8 năm đối với các công trình nghiên cứu về tế bào gốc lấy từ phôi người dưới thời Tổng thống Bush. Theo nhiều nhà khoa học, quyết định này mở ra triển vọng khoa học sau này có thể tìm ra phương cách trị được các bệnh nan y hiện nay như tiểu đường, tê liệt…

Ông Obama cũng có những tác động lớn tới ngành hàng không vũ trụ Mỹ. Khi vị Tổng thống thứ 44 của nước Mỹ lên nắm quyền vào năm 2009, ý tưởng về một chuyến bay mang tính thương mại trong không gian là điều khá xa vời. Tuy nhiên đây chỉ là điều diễn ra 6 tháng trước khi SpaceX trở thành công ty tư nhân đầu tiên bay vào vũ trụ, và tới nay thì họ đang làm nhiệm vụ tiếp tế nhiên liệu cho Trạm vũ trụ quốc tế ISS.

Ngay trước khi nhiệm sở, ông Obama cũng đã cam kết đầu tư hàng triệu USD vào nghiên cứu công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và nhất trí với các lãnh đạo gia trong giới công nghệ rằng đây chính là tương lai của nhân loại.

Liệu Donald Trump có gìn giữ và tiếp tục dành sự ưu ái cho lĩnh vực Công nghệ?

Liệu Tổng thống Trump có đóng lại thời kỳ "hoàng kim" của công nghệ dưới thời Obama? - 5

Chiến thắng của ông Trump khiến những người ủng hộ hài lòng, tuy nhiên với giới công nghệ, kết quả có phần "cay đắng". Cách đây chưa lâu trong chiến dịch tranh cử của mình, tân Tổng thống Mỹ từng nhiều lần có những phát ngôn "đấu khẩu" với các hãng công nghệ lớn trên thế giới.

Điển hình như lần ông Trump tố cáo tỷ phú Jeff Bezos mua lại tờ Washington Post để thuyết phục các chính trị gia giảm thuế cho Amazon, hay chỉ trích Apple vì không sản xuất tại Mỹ.

Ông Trump cũng có vấn đề về bình đẳng Internet, khi bất chấp sự ủng hộ khái niệm này trên diện rộng, ông lại chống lại và gọi nó là "sự tấn công vào Internet".

Mặc dù chưa đưa ra chính sách cụ thể nào, tuy nhiên có thể thấy rằng, trọng tâm của các chiến lược được ông Trump đưa ra khi tranh cử đề cao phát triển kinh tế cho nước Mỹ, và giải quyết vấn đề nhập cư vào nước này. Tuy nhiên những điều này có thể sẽ đều gián tiếp gây ảnh hưởng tới sự phát triển của Công nghệ.

Nhiều chính trị gia đã sớm chỉ ra rằng, sự can thiệp mạnh vào kinh tế có thể sẽ khiến Công nghệ mất đi bệ đỡ của sự sáng tạo và nhiệt huyết. Bên cạnh đó, vấn đề hạn chế nhập cư khiến doanh nghiệp Mỹ khó đưa nhân tài từ nước ngoài về hơn, trong bối cảnh ngành CNTT đang thiếu hụt lao động và cần có người nước ngoài để lấp chỗ trống, duy trì đổi mới.

Vẫn còn quá sớm để đánh giá sự phát triển của công nghệ dưới thời vị Tổng thống mới của nước Mỹ, tuy nhiên những tín hiệu ban đầu đã không thực sự tích cực, khi ông Trump dường như đang muốn loại bỏ đi những di sản và thế mạnh của người tiền nhiệm.

Nguyễn Nguyễn

Theo Engadget

Liệu Tổng thống Trump có đóng lại thời kỳ "hoàng kim" của công nghệ dưới thời Obama? - 6