Laptop gaming ngày càng phổ biến tại Việt Nam
(Dân trí) - Thị phần của những chiếc laptop gaming tại thị trường Việt Nam đã tăng gần 4 lần so với năm 2018.
Theo số liệu từ GfK, trong năm 2018, laptop gaming chiếm 3% trong tổng số máy tính xách tay được bán ra tại thị trường Việt Nam. Qua mỗi năm, con số này lại liên tục tăng cao. Trong năm 2019, lượng laptop gaming bán ra đã tăng lên 6% và đến hiện tại đã tăng lên mức 11,5% so với tổng số laptop được bán ra.
Có thể thấy, nhu cầu sử dụng laptop gaming của người dùng tại Việt Nam ngày càng cao. Theo chia sẻ từ một số chuyên gia, nguyên nhân đến từ mức giá của mặt hàng này ngày càng dễ tiếp cận. Đồng thời, chúng cũng được tối ưu để có thể đáp ứng được nhiều nhu cầu sử dụng khác nhau, bên cạnh việc chơi game.
Giá bán laptop gaming ngày càng rẻ
Khoảng 3-4 năm trước, người dùng sẽ phải bỏ ra số tiền trên 25 triệu đồng để có thể chọn mua được một mẫu laptop gaming thuộc phân khúc giá rẻ. Ở thời điểm đó, khi nhắc đến laptop gaming, người dùng thường nghĩ tới những chiếc máy được trang bị cấu hình mạnh mẽ nhưng lại có thiết kế cồng kềnh, to nặng cùng ngoại hình màu mè, hầm hố.
Tuy nhiên, hiện tại, người dùng đã có thể tìm thấy nhiều mẫu máy gaming với giá bán từ 15 triệu đồng. Mức giá này chỉ tương đương với những mẫu laptop văn phòng. Thêm vào đó, ngoại hình của chúng cũng đơn giản và tinh tế hơn, phù hợp hơn với nhiều đối tượng người dùng khác nhau.
"Vài năm trước, giá bán là một trong những yếu tố lớn cản trở người dùng Việt Nam tiếp cận với những mẫu laptop gaming. Tuy nhiên, điều này đã thay đổi trong thời gian gần đây", đại diện truyền thông phụ trách mảng laptop gaming của một hãng máy tính chia sẻ với Dân trí.
Người này cho biết thêm rằng tương tự ngành công nghiệp di động, phân khúc tầm trung, giá rẻ đang được các nhà sản xuất laptop đầu tư rất mạnh tay và liên tục cho ra mắt các sản phẩm mới.
Bên cạnh những tên tuổi gaming cao cấp, lâu đời như Alienware, ROG, Predator hay Omen, các hãng Dell, Asus, Acer và HP cũng liên tục cho ra mắt những sản phẩm mới với thương hiệu G Series, TUF, Nitro hay Pavilion để cạnh tranh ở phân khúc giá rẻ.
Dịch Covid-19 khiến nhu cầu sử dụng laptop tăng cao
2020 là một năm đầy khó khăn, thách thức khi cả thế giới phải gồng mình đương đầu với dịch Covid-19. Tại Việt Nam, nhiều khu vực, thành phố cũng từng bị phong tỏa, giãn cách xã hội để thực hiện công tác phòng chống dịch. Có những lúc, thời gian giãn cách kéo dài lên đến gần 3 tháng.
Điều đó kéo theo không ít nhân viên, học sinh phải làm việc và học tập tại nhà. Vậy nên, nhu cầu mua laptop để đáp ứng công việc, học tập cũng như giải trí là rất lớn. Trao đổi với Dân trí, đại diện một số hệ thống bán lẻ máy tính lớn tại Việt Nam cho biết nhu cầu của người dùng đối với laptop gaming nói riêng và máy tính xách tay nói chung đã tăng mạnh trong năm qua.
"Doanh số laptop gaming tại hệ thống đã tăng trưởng 200% trong 2 năm liên tiếp. Chỉ tính riêng 2020, chúng tôi đã bán ra hơn 20.000 laptop gaming và hiện đang nắm hơn 30% thị phần, dẫn đầu mảng bán lẻ laptop gaming hiện nay", ông Nguyễn Thế Kha, Giám đốc khối Viễn thông Di động Hệ thống FPT Shop cho biết.
Ông Kha cũng chia sẻ thêm rằng laptop gaming ngày nay không chỉ để chơi game. Khách hàng trẻ tuổi còn tận dụng dòng máy cấu hình cao này cho nhiều mục đích quan trọng khác như học tập, lập trình, làm clip, giải trí.
Không chỉ riêng laptop gaming, nhiều loại phụ kiện máy tính khác cũng liên tục rơi vào tình trạng khan hàng.
"Trong năm qua, doanh số laptop bao gồm cả laptop gaming cũng như các loại phụ kiện webcam, bàn phím hay chuột đều tăng mạnh. Nguyên nhân chính đến từ sự bùng phát của dịch Covid-19, nhiều trường học yêu cầu học sinh, sinh viên học tập online tại nhà", ông Đào Đức Tiến, đại diện một hệ thống bán lẻ laptop và linh kiện máy tính tại Hà Nội chia sẻ với Dân trí.
Ông Tiến cũng cho biết thêm một số mẫu webcam còn liên tục rơi vào tình trạng khan hàng vì nhu cầu của người dùng tăng cao một cách đột biến. Có những thời điểm, giá bán của chúng bị đẩy lên cao hơn 30-40% so với bình thường.
Ngoài ra, các mặt hàng khác như tai nghe, tay cầm chơi game, ghế gaming hay các thiết bị phục vụ giải trí cũng có sức tiêu thụ tốt hơn so với nhu cầu trung bình của người dùng những năm trước.