1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Khi doanh nghiệp phần mềm than khó và nói “hãy tin chúng tôi”

(Dân trí) - Ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam với tốc độ phát triển cao, được ghi nhận trên bản đồ CNTT thế giới, và luôn “thắng trận” ở những sân chơi quốc tế, thế nhưng giới làm phần mềm trong nước cảm thấy “quá khó khăn” trên chính sân nhà.

Theo thống kê của Hội tin học Việt Nam, hiện tại cả nước có 1.000 doanh nghiệp phần mềm, tăng gần 7 lần so với năm 2000 với ước nhân lực khoảng gần 80.000 người. Trong đó có 5 doanh nghiệp phát triển phần mềm và dịch vụ với số nhân lực vượt 1.000 người, điển hình là công ty Fsoft của tập đoàn FPT.

Thống kê cho thấy năm 2012, doanh thu từ dịch vụ phần mềm đạt trên 1 tỷ USD, xuất khẩu khoảng 20-25%.

Các doanh nghiệp trong nước cũng đã nắm bắt được nhiều cơ hội trong lĩnh vực xuất khẩu phần mềm và giải pháp phần mềm tại các thị trường quốc tế.

Chia sẻ tại Toạ đàm CNTT-TT Việt Nam: Cơ hội và thách thức, ông Đỗ Cao Bảo, Thành viên HĐQT FPT, Chủ tịch công ty FPT IS, cho biết: Chúng ta có hai làn sóng xuất khẩu CNTT, làn sóng thứ nhất cách đây 15 năm khi xuất khẩu phần mềm bằng gia công, tức software outsourcing, thì lĩnh vực đấy đã có những thành công nhất định, mang lại những giá trị nhất định. Ví dụ Fsoft mang lại 100 triệu USD năm ngoái. Làn sóng thứ 2 xuất khẩu giải pháp phần mềm mang trí tuệ Việt, do người Việt phát triển xuất ra nước ngoài. Bắt đầu hình thành từ 1-2 năm nay. FPT đã tham gia và đi tiên phong”.

Ông Bảo cho hay: “Làn sóng này đã khởi động cách đây vài năm, lúc đầu rất khó khăn vì các nước khác cho rằng Việt Nam đẳng cấp dưới họ, cho nên khó chấp nhận phần mềm, sản phẩm, dịch vụ “made in Việt Nam” nhưng chúng tôi đã kiên trì, và chúng tôi đã có phần mềm viễn thông, phần mèm quản lý mạng lưới, phần mềm dành cho ngân hàng, y tế…. được sử dụng tại nhiều nước trong khu vực và các nước trên thế giới.

Khi doanh nghiệp phần mềm nói “hãy tin chúng tôi”

"Vì sao các doanh nghiệp Việt Nam thắng lớn tại nước ngoài nhưng lại gặp khó khăn khi triển khai trong nước?"

“Bắt đầu từ tháng 7/2013, FPT bắt đầu nhận đước cơ hội trong các gói thầu về xuất khẩu giải pháp phần mềm, ban đầu chỉ từ con số 50 triệu USD, và sau đó tiến liên tục - 70 triệu, 90 triệu USD, và đến bây giờ cơ hội của chúng tôi với các thầu đang theo đuổi khoảng 200 triệu USD, đó là là cơ hội rõ rệt, và 200 triệu USD cơ hội không rõ rệt nữa”.

Ông Bảo cho rằng vị trí về lĩnh vực CNTT của Việt Nam tương tự với các nước mạnh trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Singapore mặc dù GDP Việt Nam vẫn đang thua hầu hết các nước trong khu vực.

Tuy nhiên, thách thức của các doanh nghiệp làm phần mềm trong nước không phải vì năng lực mà do thiếu nguồn lực, thiếu kinh nghiệm. “Chúng tôi cho rằng cần phải làm tốt ở Việt Nam, cần sự tin cậy, giao hợp đồng của cơ quan nhà nước rồi từ đó chúng tôi mới có kinh nghiệm, giá trị để “thi đấu trên sân khách”.

“Hãy tin chúng tôi, giao chúng tôi nhiều hợp đồng cấp quốc gia, cấp ngành trong lĩnh vực giải pháp phần mềm ,dịch vụ CNTT thì chúng tôi không những đóng góp tốt cho ngành đó mà sẽ mang lại gấp 5 lần ngoại tệ cho đất nước”, ông Bảo muốn nhấn mạnh đến thông điệp của mình.

FPT cam kết nếu khách hàng, cơ quan quản lý tin tưởng giao hợp đồng dịch vụ phần mềm cho FPT với giá trị 1 triệu USD thì trong 10 năm tới FPT sẽ mang về 5 triệu USD cho GDP đất nước.

Mặc dù cũng đồng quan điểm với FPT về những khó khăn, thách thức của các doanh nghiệp CNTT trong nước, nhưng ông Nguyễn Trung Chỉnh, Tổng giám đốc công ty CMC cho rằng: “Không cần đi xin, không cần khách hàng đặt niềm tin vào tôi vì niềm tin chỉ tạo ra khi chúng ta có giá trị. Chúng tôi cần chính phủ tạo ra được môi trường cạnh tranh tự do, lành mạnh, giúp các doanh nghiệp, giúp các ý tưởng sáng tạo có thể phát triển”

Theo ông Chính, một trong những điểm căn bản của 1 quốc gia muốn cho nền kinh tế phát triển thì chúng ta phải tôn trọng tự do, tôn trọng sáng tạo, ý tưởng. “Mong Bộ TT&TT tạo ra một môi trường thực sự tự do, lành mạnh. Nếu thị trường viễn thông có đến 94% doanh thu đều đến từ doanh nghiệp nhà nước thì đó là một bức tranh không hoàn hảo”, ông Chính nhấn mạnh.

Tại buổi Toạ đàm, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch hội đồng thành viên Công ty phần mềm Quang Trung (QTSC), đã đặt câu hỏi tại sao các doanh nghiệp Việt Nam thắng lớn tại các nước trên thế giới nhưng lại rất khó khăn trên chính thị trường trong nước.

“Trong thời gian qua chúng tôi đã có làm việc với một số doanh nghiệp khu vực TPHCM cảm nhận là rất vui vì các doanh nghiệp phần mềm đều đã thắng lớn trên sân quốc tế, tăng trưởng tốt từ 20-30%, thậm chí 100%. Tuy nhiên, khi ngồi lại thì thấy 1 điều rằng các doanh nghiệp đều cảm thấy thắng trên sân quốc tế rất dễ nhưng lại rất khó khăn trên sân nhà”.

Ông Dũng đặt câu hỏi: “Tại sao khi triển khai trong nước lại rất khó khăn. Tại sao đến bây giờ FPT vẫn phải nói rằng hãy tin chũng tôi đi?”

Ông Dũng nhấn mạnh trong các cuộc đối thoại, ai cũng nói là cơ hội và tiềm năng của thị trường trong nước rất lớn, với bao cơ hội, nhưng tại sao chúng ta lại khó khăn, doanh nghiệp nào cũng khó khăn với thị trường nội địa. “Khi được hỏi các doanh đều nói làm ở nước ngoài dễ hơn rất nhiều ở VN, như công ty TMA… có rất nhiều phần mềm, giải pháp đi ra nước ngoài nhưng họ đều cảm thấy quay về trong nước rất khó khăn”.

Khôi Linh