Học sinh Sài Gòn tự thiết lập chuỗi tự động hóa qua điện thoại

(Dân trí) - Các em học sinh của trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1, TPHCM) tự tay thiết lập các chuỗi tự động hóa thông qua kết nối bluetooth với điện thoại hoặc máy tính bảng.

Các em học sinh tự tay thiết lập các chuỗi tự động hóa
Các em học sinh tự tay thiết lập các chuỗi tự động hóa

Ngày 27/10, Sony đã tổ chức chương trình "tìm hiểu khoa học cùng Sony" dành cho học sinh trường THCS Trần Văn Ơn, TPHCM. Lần đầu tiên, các em học sinh được trải nghiệm công nghệ cảm biến MESH.

Với khối các biến MESH, các em có thể tự mình thiết lập các chuỗi tự động hóa thông qua kết nối bluetooth với điện thoại hoặc máy tính bảng. Với 5 khối cảm biến (tag) bao gồm: tag di chuyển (màu xanh da trời) có thể cảm nhận được các chuyển động như lắc, lật, chạm nhẹ hay chuyển hướng; tag nút bấm (màu xanh lá) hoạt động như công tắc khi được bấm 1 lần, 2 lần và bấm giữ; tag đèn LED (màu cam) có thể phát ra ánh sáng nhiều màu khác nhau hoặc ánh đèn chớp; tag cảm ứng ánh sáng (màu xanh đậm) hoạt động như 1 công tắc khi có sự thay đổi về ánh sáng; tag GPIO (màu xám) hoạt động như 1 thết bị trung gian kết nối các cảm biến bấm, chuyển động, ánh sáng với các thiết bị ngoại vi khác.

Học sinh Sài Gòn tự thiết lập chuỗi tự động hóa qua điện thoại - 2

Với 5 khối cảm biến trên, các em học sinh có thể tự mình sáng tạo ra những ứng dụng cài lệnh phát âm thanh là những lời động vien, khen ngợi cho tag di chuyển được gắn trên bàn chải, khối tạ, thùng rác. Ngoài ra, các bạn trẻ có thể tạo 1 hệ thống thiết bị thông minh ngay tại bàn học như hộc bàn phát sáng khi kéo mở nhờ ta cảm biến ánh sáng, âm nhạc phát ra khi kéo ghế ngồi học tập với tag di chuyển...

Trong chương trình, ông Tsuda Yasuhiro, TGĐ Sony Việt Nam cho biết, qua 7 năm, chương trình "tìm hiểu khoa học cùng Sony" là chương trình thú vị và bổ ích dành cho các trường học, thầy cô giáo, học sinh và phụ huynh. "Xuất phát từ cam kết "vì thế hệ mai sau" của tập đoàn Sony, chương trình mong muốn tạo cho các em cơ hội khám phá và trải nghiệm thú vị về thế giới khoa học rộng lớn, qua đó nuôi dưỡng niềm đam mê và sự yêu thích của các em với khoa học".

Công nghệ MESH là từ viết tắt của Make-Experience-Share với ý nghĩa khuyến khích các em làm được 1 ứng dụng cụ thể từ các khối cảm biến, trải nghiệm ứng dụng mình tạo ra và chia sẻ với các bạn). lần đầu tiên được Sony giới thiệu đến các học sinh TPHCM.

Nguyễn Quang