Giới trẻ Việt cần làm gì để nắm bắt cơ hội trong cuộc CMCN 4.0?

(Dân trí) - Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được nhắc đến với những điều lớn lao sẽ mang lại nhưng cũng có những lo ngại về việc liệu có hay không hàng loạt việc làm sẽ mất đi. Giới trẻ Việt cũng đã bày tỏ những băn khoăn này tại Diễn đàn Kinh tế thế giới WEF ASEAN 2018.

Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN 2018 diễn ra từ ngày 11-13/9/2018 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội, Giáo sư Klaus Schwab, người sáng lập và Chủ tịch Điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới WEF cho rằng, Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung không thể xem nhẹ tác động của Cách mạng Công nghiệp 4.0 lên sự thay đổi của kinh tế, xã hội.

Khác với 3 cuộc Cách mạng Công nghiệp trong quá khứ, Cách mạng 4.0 không chỉ đơn thuần là sự thay đổi, phát triển của một công nghệ mà bao gồm nhiều công nghệ khác nhau như AI, IoT.

"Điều này không chỉ thay đổi phương thức kinh doanh, tạo ra mô hình kinh doanh mới mà còn tác động tới cả quá trình phát triển kinh tế", ông khẳng định: "Nếu quốc gia nào bỏ lỡ chuyến tàu Cách mạng Công nghiệp 4.0, quốc gia đó sẽ bỏ lỡ sự phát triển thịnh vượng”.

Theo GS. Klaus Schwab, nhận thức được tiềm năng của Cách mạng Công nghiệp 4.0 tạo ra một không khí doanh nhân, tinh thần doanh nghiệp. Ở góc độ ngược lại, Cách mạng 4.0 cũng mang lại mối đe doạ khi sẽ làm nhiều công việc biến mất.

Tuy nhiên, ông cho rằng không nên bi quan mà cần lạc quan vì công việc cũ biến mất thì sẽ có công việc mới sẽ xuất hiện. Vấn đề ở đây là Chính phủ cần có sự chuẩn bị cho sự thay đổi sang kỷ nguyên mới. Tư duy cũng cần thay đổi, không chỉ của Chính phủ mà cả doanh nghiệp cần chuẩn bị cho sự chuyển đổi này.

Ông cũng nhấn mạnh sinh viên chính là thế hệ trẻ cần thích ứng và ứng dụng kỹ năng đó. “Tôi vui mừng trong Diễn đàn kinh tế ở Việt Nam lần này được chào đón rất nhiều đại diện tiêu biểu của các DN khởi nghiệp.

Chính những DN này đóng vai trò rất quan trọng trong cấu trục nền kinh tế mới. Họ chính là độc lực. WEF đang hợp tác nhiều dự án để tạo ra cộng đồng khởi nghiệp kỹ thuật số để các startup đó có thể trao đổi ý tưởng và tương tác dễ hơn. Chúng ta cần đảm bảo rằng lấy con người làm trung tâm, không trở thành nô lệ của robot, của AI”. Ông Klaus nhắn nhủ, đối với thế hệ trẻ hãy nắm bắt cơ hội của CMCN 4.0.


Sinh viên đặt câu hỏi về việc giới trẻ làm sao để thích ứng trong cuộc CMCN 4.0

Sinh viên đặt câu hỏi về việc giới trẻ làm sao để thích ứng trong cuộc CMCN 4.0

Tham gia buổi toạ đàm, Cường, một sinh viên đến từ trường Đại học Bách Khoa Hà Nội đặt câu hỏi cho các diễn giả tại Diễn đàn mở: ASEAN 4.0 cho tất cả?: "Chúng tôi đã được nghe nói về những gì giới thanh niên nên làm để sẵn sàng cho tương lai. Tôi biết những CN mới sẽ tạo ra nhiều công việc hơn, nhưng những người trẻ như chúng tôi cần làm gì để thích ứng với kỷ nguyên mới hay những người không thích ứng được thì phải làm gì để có thể tìm được công việc trong tương lai?"

Ông Syed Saddiq Abdul Rahman, Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao Malaysia, 25 tuổi, là thành viên trẻ nhất trong nội các Malaysia, trả lời: “Tôi cho rằng người trẻ không chỉ thích ứng. Chúng ta cần phải nghĩ khác, chúng ta cần phải vượt qua những điều bình thường. Khi bước vào kỷ nguyên số thì hãy tìm kiếm đam mê của các bạn, có người muốn làm chính trị gia, có người muốn rẽ hướng kinh doanh...


Syed Saddiq Abdul Rahman, Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao Malaysia

Syed Saddiq Abdul Rahman, Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao Malaysia

Ông Syed Saddiq Abdul Rahman, Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao Malaysia, thảo luận tại Diễn đàn WEF ASEAN 2018 tại Hà Nội.

“Tôi gợi ý với các bạn trẻ ASEAN rằng, các bạn hãy tư duy, suy nghĩ vượt mọi giới hạn thông thường. Với sự ra đời của Cách mạng Công nghiệp 4.0, với nền kinh tế số, với kỷ nguyên công nghệ trong tương lai, hãy coi chúng là thời cơ của chúng ta. Hãy xác định niềm đam mê của bạn. Hãy học hỏi từ những người có nhiều kinh nghiệm đi trước.

Nếu bạn chỉ giữ lối tư duy thông thường, sẽ có hàng nghìn, hàng chục nghìn người khác sẽ luôn ở phía trước bạn vì họ bắt đầu sớm hơn bạn. Nhưng bạn còn trẻ, hãy chấp nhận rủi ro. Hãy sử dụng mọi phương pháp “phi thường” nhất có thể để đạt được mục tiêu của bạn. Tôi tin chúng ta đều có thể tạo nên điều kỳ diệu”, ông Syed Saddiq chia sẻ.


Bà Yasmin Hahmood, CEO Tổ chức kinh tế số Malaysia (bìa phải).

Bà Yasmin Hahmood, CEO Tổ chức kinh tế số Malaysia (bìa phải).

Trong khi đó, bà Yasmin Hahmood, CEO Tổ chức kinh tế số Malaysia, là 1 trong 100 người có ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới trong công cuộc xây dựng chính phủ số, cho rằng giới trẻ ngày nay để có được thành công trong cuộc CMCN 4.0 chính là cần có lòng thôi thúc tìm hiểu những điều mới lạ. Bà gọi đó là sự tò mò.

“Nếu các bạn không tò mò thì khi bạn cầm chiếc điện thoại thông minh ngày nay thì bạn chỉ biết dùng chứ không hề quan tâm điều gì ở bên trong nó. Khi bạn tò mò bạn sẽ có sự thôi thúc tìm hiểu điều mới mẻ. Kiến thức ở học đường của bạn không phải có giá trị trong suốt cuộc đời bạn. Ở những thời điểm những kiến thức đó sẽ là lỗi thời. Do đó, các bạn phải học hỏi và luôn tìm kiếm những điều mới mẻ”.

Ông Lê Hồng Minh, CEO công ty VNG, cũng chia sẻ: “5 năm trước đây, khi Digital Marketing là một ngành rất hot, rất hứa hẹn vì bạn cần phải hiểu cách thức quảng cáo cho công việc kinh doanh của mình. Nhưng giờ đây, với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, gần như công nghệ AI đã làm thay mọi công việc của một chuyên gia marketing số. Công nghệ đang thay đổi thế giới một cách chóng mặt.

Chính vì thế, các bạn trẻ hãy tập trung trang bị cho mình kỹ năng thay vì kiến thức đơn thuần, vì có thể khi ra trường, những gì các bạn được học đã trở nên cũ. Một khi có kỹ năng, các bạn sẽ học được cách thích ứng và đón nhận những thay đổi của thực tế.


Sinh viên lắng nghe cuộc thảo luận tại Diễn đàn WEF ASEAN 2018.

Sinh viên lắng nghe cuộc thảo luận tại Diễn đàn WEF ASEAN 2018.

Ngay sau băn khoăn của sinh viên Việt Nam về cơ hội việc làm trong cộc CMCN 4.0, người điều phối buổi thảo luận, bà Amrita Cheema, Biên tập viên cấp cao tại kênh truyền hình Duetsche Welle, Đức, đã đặt câu hỏi cho tất cả khán phòng rằng bao nhiêu người cho rằng cuộc cách mạng thứ 4 sẽ mang lại việc làm. Điều thú vị là hầu hết những người tham dự trong buổi thảo luận cùng với cả 5 diễn giả đều cho rằng CMCN 4.0 sẽ mang lại nhiều cơ hội việc làm.

Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao Malaysia Syed Saddiq Abdul Rahman cho rằng giới trẻ sẽ được hưởng lợi nhất từ CMCN 4.0, bởi hầu hết những tư duy đột phá đến từ người trẻ. Trong 2 thập niên tới, 50% việc làm sẽ được thay thế bởi AI nhưng cũng sẽ có nhiều việc làm hơn thế được tạo ra từ đó, chủ yếu là những ngành công nghệ và công việc đòi hỏi kỹ năng cao.

Trong những năm tới, kỹ năng là điều kiện đặc biệt quan trọng để các bạn có thể có việc làm. Những công việc tay chân sẽ được thay thế bằng tự động hoá, còn những công việc các bạn có thể làm đó là những việc đòi hỏi tư duy cao, có tính sáng tạo, chẳng hạn như công nghệ nano.

Tuy nhiên, ông cũng nói, nếu như chúng ta duy trì được nền giáo dục tốt trong khoảng 10 năm tới, thì thời gian để bắt kịp và phát triển các công nghệ này sẽ được rút ngắn lại.

"Điều đặc biệt khi nói về cuộc CMCN 4.0 đó là chúng ta có thể sẽ không hình dung được thế giới trong 20 năm tới sẽ như thế nào. Tuy nhiên, tôi xin đảm bảo rằng số lượng công việc sẽ được tăng hơn, cũng giống như sau khi diễn ra cuộc CMCN lần thứ nhất, thì không chỉ số lượng công việc được tăng lên, mà cả tài sản của người dân.

Tương tự như vậy khi chúng ta nói về giáo dục, thì thời gian đi học cũng được tăng lên, và chi phí giảm đi do được số hóa. Ngày nay, chúng ta có thể học những khóa học miễn phí trên mạng. Những bài học dư thừa cũng được dần loại bỏ, và chúng ta chỉ cần tập trung vào những kỹ năng cần thiết mà thôi.

Mặc dù những người mà tôi được nói chuyện cùng đều có chung một nỗi mất việc như vậy, đặc biệt là tại Indonesia - nơi những người trẻ gia nhập thị trường lao động nhưng không có chất lượng chuyên môn, thì những kỹ năng của họ sẽ dễ dàng bị thay thế.

Đây là điều hoàn toàn đúng, nhưng trong vòng 20 năm tới, sẽ có rất nhiều ngành lĩnh vực được mở rộng, và tôi tin rằng sự bao trùm cũng sẽ đi kèm với chuyên môn hóa, và các chính phủ sẽ có cách để duy trì nguồn lao động trẻ của mình.

Ở Malaysia, chúng tôi rất lạc quan, vì dân số có rất nhiều người trẻ, cộng với số tuổi yêu cầu để bầu cử được giảm xuống. Các công ty cũng sẽ phải thay đổi để đáp ứng được những yêu cầu của quốc gia để phát triển.

Những quan ngại của chúng ta về đánh mất việc làm, mặc dù rất hợp lý, nhưng cuộc cách mạng này cũng sẽ có nhiều lợi ích, và phần lợi ích sẽ cao hơn rất nhiều. Đó là chưa kể tới những lợi ích mà chúng ta chưa thể hình dung được, và chúng hứa hẹn sẽ mang lại những ưu thế to lớn".

Bộ trưởng trẻ tuổi của Malaysia Syed Saddiq tốt nghiệp Đại học Hồi giáo Quốc tế và đặc biệt nổi tiếng tại Malaysia sau khi đạt được danh hiệu Nhà Hùng biện Giỏi nhất châu Á tại cuộc thi Vô địch Tranh luận của Asian British Parliamentary (ABP).

Bộ trưởng Syed Saddiq từng 2 lần từ chối học bổng Thạc sĩ tại Đại học Oxford của Anh về chính sách công để lưu lại nước nhà để phục vụ người dân Malaysia.

Khôi Linh

Dòng sự kiện: Hội nghị WEF ASEAN 2018