Giới công nghệ Mỹ "hoảng loạn" trước lệnh cấm nhập cư của ông Trump
(Dân trí) - CEO Facebook Mark Zuckerberg viết “tâm thư” chia sẻ về lệnh cấm nhập cư, trong khi nhân viên Google từ khắp nơi trên thế giới cuống cuồng quay trở lại Mỹ vì lo ngại không thể nhập cảnh.
Hôm 27/1 vừa qua, tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh tạm dừng toàn bộ chương trình tiếp nhận người tị nạn trong vòng 4 tháng, đồng thời cấm công dân của 7 nước - gồm Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen - nhập cảnh Mỹ trong 90 ngày.
Sắc lệnh này đã lập tức hứng phải làn sóng phản đối gay gắt, kéo theo các cuộc biểu tình, kiện cáo và sự hỗn loạn ở khắp nơi.
Là những công ty toàn cầu với các nhân viên đến từ khắp nơi trên thế giới, các hãng công nghệ Mỹ cũng sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ bởi lệnh cấm này. Mới đây, hàng loạt lãnh đạo trong giới công nghệ cũng đã những phản ứng gay gắt về lệnh cấm này.
Trong email gửi đến các nhân viên của mình, CEO Tim Cook của Apple đã cho biết rằng Apple không ủng hộ lệnh cấm này và khẳng định công ty sẽ không tồn tại nếu không có người nhập cư.
“Tôi đã nghe thấy rất nhiều người trong các bạn lo ngại sâu sắc về các sắc lệnh ban hành hạn chế nhập cư từ các quốc gia Hồi giáo, tôi chia sẻ mối quan tâm của các bạn và đó không phải là chính sách mà chúng tôi hỗ trợ”, CEO Tim Cook viết trong email gửi các nhân viên. “Apple sẽ không thể tồn tại nếu không có những người nhập cư”.
CEO Facebook Mark Zuckerberg viết “tâm thư” chia sẻ về lệnh cấm
Là mạng xã hội lớn nhất hành tin với nhiệm vụ kết nối mọi người, không quá ngạc nhiên khi CEO Mark Zuckerberg của Facebook là một trong những người lên tiếng đầu tiên và gay gắt nhất về lệnh cấm vừa được ban hành.
Bản thân Mark Zuckerberg và vợ Priscilla Chan đều đến từ những gia đình nhập cư, do vậy chắc chắn vị CEO này không thể ủng hộ lệnh cấm mới được ban hành của tân Tổng thống Mỹ. Mark Zuckerberg đã có một bức “tâm thư” dài chia sẻ trên trang cá nhân của mình.
“Ông bà cố của tôi đến từ Đức, Áo và Ba Lan. Cha mẹ của Priscilla là những người nhập cư từ Trung Quốc và Việt Nam. Nước Mỹ là quốc gia của những người di cư và chúng ta nên tự hào về điều đó”, Zuckerberg mở đầu bài viết của mình. “Giống như nhiều người trong các bạn, tôi quan ngại về tác động của sắc lệnh được ký gần đây của Tổng thống Trump”.
“Chúng ta cần giữ cho quốc gia này an toàn, nhưng chúng ta nên làm điều đó bằng cách tập trung vào những người thực sự có thể gây ra mối đe dọa”, Zuckerberg viết thêm. “Chúng ta nên giữ cửa mở với những người tị nạn và những người cần giúp đỡ. Đó chính là chúng ta. Nếu chúng ta quay lưng với người tị nạn vài thập kỷ trước đây, gia đình Priscilla đã không có mặt ở đây ngày hôm nay”.
Mark Zuckerberg kết thúc bức tâm thư dài của mình với thông điệp khẳng định nước Mỹ cần những người nhập cư để phát triển như ngày hôm nay: “Chúng ta là quốc gia của những người nhập cư và chúng ta được hưởng lợi khi những người giỏi và sáng giá nhất từ khắp nơi trên thế giới có thể sống, làm việc và đóng góp tại đây. Tôi hy vọng chúng ta có đủ can đảm và lòng từ bi để đưa mọi người lại với nhau và làm cho thế giới này trở thành một nơi tốt đẹp hơn cho mọi người”.
Nhân viên Google cuống cuồng quay trở lại Mỹ vì lo ngại bị cấm nhập cảnh
Cũng như Facebook và Apple, Google có nhân viên đến từ khắp nơi trên thế giới nên đã bị ảnh hưởng bởi sắc lệnh vừa được ban hành. CEO Sundar Pichai của Google cho biết lệnh cấm nhập cư này của ông Trump làm ảnh hưởng đến ít nhất 187 nhân viên của công ty đang làm việc tại Mỹ.
Sundar Pichai cũng đã gửi một bức thư nội bộ đến toàn thể nhân viên của công ty và được hãng tin Bloomberg thu thập được, trong đó có đoạn viết: “Thật đau đớn khi nhìn thấy những tác động của sắc lệnh này ảnh hưởng đến các đồng nghiệp của chúng ta”.
Cùng với đó, CEO Sundar Pichai đã ban hành thông báo hỏa tốc triệu hồi các nhân viên của Google đang làm việc tại Mỹ nhưng hiện đi công tác hoặc có mặt tại nước ngoài quay trở lại Mỹ ngay lập tức trước khi lệnh cấm có hiệu lực. Google cũng đã yêu cầu số nhân viên bị ảnh hưởng hiện đang ở ngoài lãnh thổ Mỹ phải lập tức liên lạc với các đội an ninh, du lịch và nhập cảnh của Google để được hướng dẫn và trợ giúp.
Phía Google cũng đã có những thông báo chính thức sau khi lệnh cấm của Tổng thống Trump được ban hành: “Chúng tôi lo ngại về tác động của lệnh cấm này và những đề xuất có thể áp đặt các hạn chế lên nhân viên của Google và gia đình họ hoặc có thể tạo ra các rào cản để mang những tài năng lớn cho nước Mỹ. Chúng tôi sẽ tiếp tục nêu rõ quan điểm của mình về những vấn đề này với các lãnh đạo tại Washington và những nơi khác”.
Nhiều hãng công nghệ khác đồng loạt lên tiếng
Cũng như CEO Sundar Pichai của Google, CEO Satya Nadella là một người Mỹ gốc Ấn Độ, đã có những chia sẻ về lệnh cấm mới được ban hành của Tổng thống Trump trên trang cá nhân của mình: “Là một người nhập cư và ở vị thế một Giám đốc điều hành, tôi đã có những trải nghiệm và nhìn thấy những tác động tích cực mà người nhập cư mang lại cho công ty, đất nước Mỹ và cho thế giới”.
Microsoft cũng đưa ra thông báo về lệnh cấm đang gây tranh cãi này: “Chúng tôi chia sẻ những quan ngại về tác động của sắc lệnh đến các nhân viên từ những quốc gia được liệt kê, tất cả đều đã được hợp pháp tại Mỹ và chúng tôi đang làm việc với họ tích cực để hỗ trợ và cung cấp các tư vấn pháp lý”. Microsoft cho biết hiện công ty có 76 nhân viên đến từ 7 quốc gia trong danh sách của lệnh cấm và bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm mới được ban hành.
CEO Travis Kalanick của Uber cũng gửi một email đến các nhân viên của công ty, đồng thời đăng tải lên trang Facebook cá nhân của mình, trong đó có đoạn viết: “Lệnh cấm này có ảnh hưởng lớn đến hàng ngàn người lái xe của Uber đến từ những quốc gia được liệt kê, những người đang nghỉ ngơi và trở về quê nhà của họ. Những tài xế hiện đang ở bên ngoài nước Mỹ sẽ không được quay trở lại quốc gia này trong 90 ngày, có nghĩa rằng họ sẽ không thể kiếm tiền để nuôi sống bản thân và hỗ trợ gia đình và dĩ nhiên sẽ phải xa cách những người thân yêu của mình trong một thời gian dài”.
“Chúng tôi đang tích cực làm việc để xác định những tài xế nào bị ảnh hường và bồi thường cho họ trong vòng 3 tháng tới để giúp giảm nhẹ những gánh nặng tài chính và hỗ trợ gia đình của họ”, bức thư của CEO Uber cho biết thêm.
Brian Chesky, nhà đồng sáng lập và CEO của trang web chia sẻ nơi ở Airbnb cũng đã chia sẻ quan điểm của mình trên Twitter: “Mở cửa để mang tất cả nước Mỹ về cùng nhau. Đóng cửa để chia cắt nước Mỹ. Chúng ta hãy cùng tìm cách để kết nối mọi người, không phân biệt chúng”.
T.Thủy
Tổng hợp