Giá cước 5G sẽ gần như 4G, người dùng không phải thay SIM

Nguyễn Nguyễn

(Dân trí) - Đại diện các nhà mạng lớn tại Việt Nam cho biết mức giá của các gói cước 5G sau khi thương mại hóa về cơ bản sẽ tương tự 4G, nhưng có tốc độ vượt trội.

5G có tốc độ vượt trội, sẽ phổ biến sau ít nhất 3 năm

"Hiện nay, giá cước 5G của các nhà mạng sẽ miễn phí trong thời gian thử nghiệm. Khi chính thức phát sóng thương mại, sẽ được có giá cước cơ bản như 4G", ông Nguyễn Văn Yên - Trưởng ban công nghệ của VNPT cho biết tại tọa đàm "5G đem đến cơ hội gì cho Việt Nam".

Cuộc tọa đàm do Câu lạc bộ Nhà báo CNTT Việt Nam (Vietnam ICT Press Club) tổ chức, diễn ra sáng nay 17/12 tại Hà Nội có sự tham gia của chuyên gia viễn thông Lê Nam Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin- Truyền thông (TT-TT), đại diện Bộ TT-TT, các mạng di động lớn cùng các nhà báo theo dõi lĩnh vực CNTT.

Giá cước 5G sẽ gần như 4G, người dùng không phải thay SIM - 1

Ông Nguyễn Văn Yên - Trưởng ban công nghệ VNPT cho biết giá cước 5G sẽ tương tự 4G hiện nay.

Lời khẳng định của đại diện nhà mạng có thể sẽ khiến nhiều người bất ngờ, vì trước đây ai cũng nghĩ rằng một công nghệ tân tiến, mang hơi hướng tương lai như 5G, sẽ có giá cước thương mại rất đắt đỏ.

Tại sự kiện, ông Mai Hồng Anh, Giám đốc Công nghệ MobiFone cũng nhấn mạnh để trải nghiệm 5G, người dân sẽ không phải đổi SIM - giống như khi nâng cấp từ 3G lên 4G, mà chỉ cần dùng SIM 4G - LTE sẵn có là đã đủ điều kiện truy cập mạng.

Còn về thiết bị đầu cuối, đại diện MobiFone cho biết hiện mạng 5G vẫn yêu cầu những thiết bị chuyên dụng, trong đó chủ yếu hiện nay là smartphone. Mặc dù một số hãng đã bắt đầu cung cấp sản phẩm tại Việt Nam, nhưng theo ông, số lượng vẫn còn hạn chế.

Theo như những thử nghiệm gần đây tại Việt Nam, mạng 5G đang cho thấy sức mạnh và tốc độ truy cập ấn tượng, không thua kém gì các quốc gia phát triển trên thế giới.

Cụ thể, dựa trên phần mềm Speedtest, sóng 5G của Viettel, VinaPhone, MobiFone tại các khu vực phát sóng thử nghiệm đều đạt cao nhất từ 1 đến 1,5Gbps. Tốc độ này cao trung bình gấp 10 lần mạng 4G, và có độ trễ thấp hơn rõ rệt.

Giá cước 5G sẽ gần như 4G, người dùng không phải thay SIM - 2

Thử nghiệm mạng 5G tại Việt Nam cho tốc độ rất khả quan, cao hơn mức trung bình của thế giới.

Mặc dù vậy, theo ông Lê Bá Tân, Phó Tổng Giám đốc Công ty Mạng lưới Viettel, phải tới 2023 - 2025 thì 5G mới phổ biến được như 4G. "Độ phủ của 5G vẫn còn rất hạn hẹp, và cần xây dựng thêm nhiều trạm phát sóng nữa mới đảm bảo kết nối", ông Tân cho biết.

Bước đầu, 5G sẽ được triển khai ở khu vực phát triển, có mật độ dân số cao như các thành phố lớn, hoặc tại các khu công nghiệp công nghệ cao. Sau đó, 5G sẽ tiếp tục mở rộng tới những vùng nông thôn, giúp khách hàng có trải nghiệm sử dụng Internet không dây tốc độ cao mà không cần sợi cáp quang nào kéo đến nhà.

Ông Tân chia sẻ số liệu quy hoạch trên mạng lưới của Viettel, dự kiến vào năm 2021 sẽ có khoảng 1,5 - 2 triệu thuê bao 5G trên cả nước. Ông cũng cho rằng việc triển khai sớm 5G không chỉ tạo điều kiện tốt cho các nhà mạng, mà còn tốt cho toàn xã hội.

Giá cước 5G sẽ gần như 4G, người dùng không phải thay SIM - 3

ông Lê Bá Tân, Phó Tổng Giám đốc Công ty Mạng lưới Viettel cho biết 5G phải ít nhất 3 năm nữa mới phổ biến như 4G.

Triển khai 5G: Thách thức và cơ hội song hành

Theo ông Lê Nam Thắng - nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT, khi nói đến cơ hội của 5G cũng phải nói đến những thách thức đi kèm, điển hình như bài toán về chi phí hạ tầng, các thiết bị đầu cuối đã sẵn sàng chưa, khi nào sẽ triển khai đại trà,...

"Triển khai đúng sẽ mang lại nhiều cơ hội, nhưng sai sẽ mang lại thêm nhiều thách thức", ông Thắng cho biết. Tuy nhiên, 5G cũng là xu thế không thể chậm trễ, vì "nếu đi sau sẽ không thể đuổi kịp các nước", từ đó đặt ra nhiều bài toán cho kinh tế, xã hội.

"Có thể coi 5G là một cuộc đua, cuộc cạnh tranh. Ai nắm bắt được thời cơ, cung cấp đúng thời điểm, và có tính toán hợp lý sẽ thắng", ông Thắng nhấn mạnh.

Giá cước 5G sẽ gần như 4G, người dùng không phải thay SIM - 4

Ông Lê Nam Thắng - nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT cho biết xu hướng 5G là không thể chậm trễ.

Đồng quan điểm nêu trên, ông Vũ Thế Bình - Tổng Thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam, cũng nhìn nhận 5G tạo ra rất nhiều cơ hội cho các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông di động nhờ vào các yếu tố từ hệ sinh thái IoT, độ trễ thấp, tính năng nâng cao, mở rộng,... Tuy nhiên, các doanh nghiệp sẽ phải nhanh chân chuyển dịch, thích ứng, nếu không muốn bị bỏ lại phía sau.

"Triển khai 5G có thách thức nhưng cơ hội lớn hơn nhiều. Nó mở ra rất nhiều mảng ứng dụng, dư địa cho các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông cố định dịch chuyển", ông Bình cho biết.

Giá cước 5G sẽ gần như 4G, người dùng không phải thay SIM - 5

Toàn cảnh tọa đàm "5G đem đến cơ hội gì cho Việt Nam", do Câu lạc bộ Nhà báo CNTT Việt Nam (Vietnam ICT Press Club) tổ chức tại Hà Nội.

Bên cạnh việc phát triển 5G, thì việc dừng các công nghệ không còn phù hợp, điển hình như kế hoạch ngắt sóng 2G vào năm 2022 cũng là bài toán rất lớn và được nhiều người Việt quan tâm.

Theo ông Nguyễn Duy Lâm, Chuyên gia giải pháp của Huawei, trên thực tế triển khai ở nhiều nước, thách thức chính mà các nhà mạng có thể gặp khi triển khai 5G tập trung 3 vấn đề chính: Một là, cần mật độ trạm dày hơn 4G, vì dịch vụ yêu cầu tối thiểu cao hơn 4G. Hai là, cải tạo hạ tầng hiện có để lắp đặt thiết bị 5G. Các nhà trạm hiện đặt nhiều thiết bị 2G, 3G, 4G... hầu hết không còn đủ không gian để lắp thêm thiết bị mới, cần phải cải tạo. Ba là, thời gian triển khai đến lúc cung cấp được dịch vụ: thị trường viễn thông là thị trường kín, khi 1 nhà mạng cung cấp dịch vụ trước, các nhà mạng đi sau chia sẻ thị phần còn lại, càng cung cấp chậm thì thị phần càng bé lại.

Theo số liệu được ông Nguyễn Phong Nhã - Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cung cấp, đến nay vẫn còn khoảng 22 triệu thuê bao dùng 2G, và 5.5 triệu thuê bao dùng 3G tại Việt Nam.

Để bước đầu chấm dứt các công nghệ cũ, lỗi thời, ông Nhã cho biết Bộ TT&TT đang xây dựng kế hoạch cùng các nhà mạng, cho phép các thiết bị đầu cuối có thể sử dụng nhiều mạng một lúc. Sau khi số lượng thuê bao của công nghệ không còn phù hợp thấp xuống thì nhà mạng sẽ xây dựng kế hoạch để dừng công nghệ đó.

"Việc có quá nhiều công nghệ từ 2G đến 5G sẽ tạo lãng phí trong vận hành, khai thác mạng lưới. Trong khi đó, tần số sử dụng cho công nghệ không còn phù hợp, quá ít thuê bao thì lại không hiệu quả", ông Nhã cho biết.