Giả chết, khoe thân… giới trẻ Việt bày đủ chiêu trò để nổi tiếng trên mạng

T.Thủy

(Dân trí) - Một Facebooker có lượng người theo dõi lớn tại Việt Nam đã… giả chết để "câu" tương tác cho bài viết trên trang cá nhân của mình. Hành động của người này đã khiến nhiều cư dân mạng phẫn nộ.

Giả chết để "câu like"

H.Đ.T.A là một Facebooker khá nổi tiếng trên cộng đồng mạng tại Việt Nam, với hơn 94 ngàn người theo dõi. Người này thường tự nhận bản thân là "người giỏi tiếng Anh nhất Việt Nam" để bán các khóa học tiếng Anh trực tuyến.

Cuối tuần trước, trên trang Facebook của H.Đ.T.A đã đăng tải một bài viết cho biết người này đã qua đời trong chuyến đi du lịch đến Singapore. Bài viết lập tức gây sốc cộng đồng mạng.

Bài viết thông báo về cái chết của H.Đ.T.A khiến nhiều cư dân mạng bàng hoàng (Ảnh chụp màn hình).

Bài viết thông báo về cái chết của H.Đ.T.A khiến nhiều cư dân mạng bàng hoàng (Ảnh chụp màn hình).

Bài viết đã thu hút được lượng tương tác rất lớn trên trang Facebook của H.Đ.T.A, trong đó nhiều người đã bày tỏ sự cảm thông và gửi lời chia buồn, động viên đến người thân, gia đình của Facebooker này. Lượng tương tác của bài viết đã tăng đột biến so với các bài viết khác trên trang Facebook của H.Đ.T.A.

Thậm chí, nhiều người chưa từng quen biết với H.Đ.T.A cũng đã "thả" cảm xúc buồn vào bài viết và bình luận để chia buồn với gia đình của Facebooker này.

Tuy nhiên, chỉ một ngày sau, nội dung của bài viết thông báo về cái chết của H.Đ.T.A đã bị sửa lại và sự thật về cái chết của Facebooker này đã được làm sáng tỏ.

Trên thực tế, H.Đ.T.A không hề bị qua đời khi đi du lịch như bài viết đã đăng, mà thực chất đây chỉ là một màn kịch để tăng tương tác cho trang cá nhân cũng như bài viết của người này. Sau khi bài viết đạt lượng tương tác cao, Facebooker này đã thay đổi nội dung bài viết thông báo về cái chết của mình bằng nội dung quảng cáo cho khóa dạy tiếng Anh trực tuyến.

Đến lúc này, nhiều cư dân mạng mới vỡ lẽ nhận ra rằng mình là nạn nhân của trò lừa trên trang Facebook của H.Đ.T.A. Nhiều người đã bày tỏ sự phẫn nộ khi Facebooker này mang chính cái chết của mình ra để lừa mọi người và "câu" tương tác cho trang cá nhân.

"Mang cái chết của chính mình ra để lôi kéo lòng thương của người khác nhằm tăng tương tác cho trang Facebook? Không hiểu sao lại có thể dở chiêu trò đáng xấu hổ như vậy? Tương tác ảo trên mạng xã hội chẳng lẽ còn quan trọng hơn cả sự sống chết của bản thân hay sao?", tài khoản Facebook D.Huyền bày tỏ sự bức xúc.

"Tôi không biết anh bạn này giỏi tiếng Anh như thế nào, dạy hay ra sao, nhưng chắc chắn một điều rằng tôi sẽ không bao giờ mua khóa học của cậu ấy. Mang cái chết ra để làm trò đùa thì có gì chắc chắn về chất lượng khóa học tiếng Anh của cậu ta? Thật không thể chấp nhận được", người dùng Facebook N.Hoàng chia sẻ.

"Không thể hiểu nổi các bạn trẻ, giờ đây họ có thể sẵn sàng làm tất cả chỉ để câu được tương tác trên mạng xã hội, thậm chí bằng cả cái chết của chính mình. Dù sao cũng đáng mừng vì không có ai chết ở đây, nhưng thật thất vọng cho một người có lượng theo dõi lớn trên mạng xã hội", tài khoản Facebook có tên Đ.Nhân bình luận.

Đủ chiêu trò để được nổi tiếng trên mạng xã hội

Không chỉ trên Facebook, hiện nhiều bạn trẻ tại Việt Nam cũng đang làm mọi cách để "câu like" và được nổi tiếng trên các nền tảng mạng xã hội khác như Youtube hay TikTok… điều này khiến cho những nội dung nhảm nhí, dung tục, hình ảnh "khoe thân" phản cảm… xuất hiện tràn lan trên mạng.

Chỉ cần lướt qua một vòng trên các nền tảng mạng xã hội tại Việt Nam như Youtube hay TikTok, không quá khó để nhận ra các trang mạng tràn ngập những video với nội dung không phù hợp cho trẻ em, chủ yếu trong đó là những video vũ đạo gợi cảm quá mức trong những bộ trang phục "thiếu vải" hoặc thậm chí nội y của các cô gái trẻ. Nhiều ca khúc nhạc rap Việt với ngôn từ dung tục cũng được sử dụng để làm nhạc nền cho các video clip trên TikTok hay Facebook.

Cô gái trẻ chia sẻ video mặc váy ngắn nhảy gợi cảm lên TikTok, kèm theo lời giới thiệu:

Cô gái trẻ chia sẻ video mặc váy ngắn nhảy gợi cảm lên TikTok, kèm theo lời giới thiệu: "Đố anh em biết hôm nay tôi mặc màu gì đó!" đầy phản cảm (Ảnh cắt từ clip).

Bên cạnh đó, nhiều bạn trẻ Việt cũng chia sẻ lên mạng xã hội những đoạn video tự đóng, với nội dung là các trò đùa hết sức phản cảm, thậm chí vô văn hóa. Dù đây chỉ là những clip dàn dựng với kịch bản có sẵn, diễn xuất kém tự nhiên và đa phần đều đạo nhái theo kịch bản từ Trung Quốc hoặc các quốc gia khác, nhưng các video này thường được xuất hiện trên danh sách gợi ý của TikTok, Youtube hay Facebook, giúp chúng tiếp cận được một lượng lớn người xem, trong đó có cả trẻ em.

Chưa dừng lại ở đó, nhiều video về các trò "nghịch dại" hoặc thử thách nguy hiểm cũng thường xuyên được lan truyền và chia sẻ rộng rãi trên Facebook, Youtube hay TikTok… điều này đã khiến cho không ít trẻ em thực hiện theo mà không lường trước được mức độ nguy hiểm, dẫn đến những tai nạn thương tâm. Trên thực tế, đã có không ít trường hợp trẻ em gặp tai nạn tại Việt Nam và trên thế giới vì thực hiện theo các thử thách được chia sẻ trên TikTok, Facebook hay Youtube.

Cha mẹ cần làm gì để bảo vệ con trước những mối nguy hại trên mạng xã hội?

Hiện tại có rất nhiều phụ huynh đang xem các nền tảng mạng xã hội như TikTok, Youtube… như một công cụ giải trí dành cho con em của mình, để mặc những đứa trẻ tự khám phá các nội dung trên đó. Nếu để trẻ em và thiếu niên tiếp cận với những video "bẩn" trên mạng xã hội sẽ để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng, khi những đứa trẻ ở độ tuổi thích khám phá và chưa đủ nhận thức chín chắn có thể bị lệch lạc cách nhìn về cuộc sống hoặc thực hiện theo những hành động điên rồ được chia sẻ trên mạng xã hội.

Với việc các video "bẩn" và nhảm nhí xuất hiện ngày càng nhiều trên mạng, các bậc phụ huynh cần phải giám sát chặt chẽ hơn nữa các hoạt động của con em mình khi để trẻ tiếp cận với mạng xã hội nói riêng và Internet nói chung.

Cần phải hạn chế để trẻ tự do khám phá nội dung trên mạng xã hội cũng như tiếp xúc quá sớm với Internet mà không có sự định hướng, chỉ dạy cẩn thận. Phụ huynh cần biết được trẻ đã tiếp xúc với những nội dung nào trên Internet để có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Quan trọng nhất vẫn chính là việc phụ huynh cần dành nhiều thời gian hơn cho con em của mình, giúp trẻ có thể khám phá cuộc sống thông qua thế giới và trải nghiệm thực tế, hơn là nhìn ngắm thế giới thông qua màn hình smartphone hay TV.