Elon Musk đang mắc sai lầm?

Thế Anh

(Dân trí) - Elon Musk đang tìm giải pháp để xác định số lượng tài khoản giả mạo trên Twitter. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định phương pháp của vị tỷ phú là sai lầm.

Ngày 13/5, Elon Musk đưa ra thông báo sẽ tạm hoãn thương vụ trị giá 44 tỷ USD mua lại Twitter. Nguyên nhân là do ông muốn thống kê chính xác về số lượng tài khoản giả mạo có trên nền tảng này.

Trong một báo cáo gần đây, Twitter tiết lộ rằng có một số tài khoản giả mạo và spam trên nền tảng của họ. Tuy nhiên, Musk và nhóm của ông đã bày tỏ sự nghi ngờ về tính chính xác đối với các con số mà Twitter đưa ra.

Phương pháp xác định của Musk có vấn đề

"Chúng tôi đã thực hiện đánh giá nội bộ đối với một mẫu tài khoản và ước tính rằng mức trung bình các tài khoản giả mạo hoặc spam trong quý I/2022 chiếm ít hơn 5% lượng tài khoản trên nền tảng của chúng tôi", Twitter cho biết.

Elon Musk đang mắc sai lầm? - 1

Musk đưa ra thông báo tạm hoãn mua Twitter vào ngày 13/5 (Ảnh chụp màn hình).

Theo CNBC, việc Musk muốn đánh giá lại thông tin trên là hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định rằng phương pháp mà vị tỷ phú sử dụng có rất nhiều thiếu sót.

"Để tìm hiểu, nhóm của tôi sẽ thực hiện khảo sát đối với 100 người bất kỳ đang theo dõi tài khoản chính thức của Twitter. Tôi khuyến khích mọi người cùng làm điều tương tự và xem kết quả thật sự sẽ như thế nào. Tôi sẽ bỏ qua 1.000 người theo dõi đầu tiên, sau đó sẽ chọn tài khoản thứ 10 bất kỳ để kiểm tra. Tôi mong sẽ nhận được những ý tưởng tốt hơn", Musk chia sẻ.

Musk cũng cho biết rằng ông sẽ chọn 100 tài khoản làm kích thước mẫu đối với nghiên cứu của mình vì đây là con số mà Twitter đã sử dụng để thực hiện các tính toán trong báo cáo trước đó.

Dustin Moskovitz, đồng sáng lập Facebook, cho rằng cách tiếp cận của Musk không thực sự ngẫu nhiên, sử dụng một mẫu với kích thước quá nhỏ và có nhiều sai sót.

Trong khi đó, Christopher Bouzy, người sáng lập và Giám đốc điều hành BotSentinel, cho biết phân tích của công ty ông chỉ ra rằng khoảng 10-15% tài khoản trên Twitter có khả năng là "không xác thực", bao gồm tài khoản giả mạo, spam hoặc lừa đảo.

"Tôi nghĩ Twitter không thực sự phân loại các tài khoản lừa đảo và spam", Bouzy nói.

Ông cũng nói thêm rằng số lượng tài khoản không xác thực có thể xuất hiện nhiều hơn hoặc thấp hơn tùy thuộc vào các chủ đề đang được thảo luận. Ví dụ, nhiều tài khoản không xác thực tweet về chính trị, tiền điện tử, biến đổi khí hậu hơn so với các chủ đề về động vật, mèo hay xếp giấy.

Carl T. Bergstrom, giáo sư tại Đại học Washington, cho rằng việc lấy mẫu 100 người bất kỳ theo dõi tài khoản Twitter không được coi là quá trình "thẩm định" để thực hiện một thương vụ mua lại trị giá 44 tỷ USD. Ông cho rằng mẫu mà Musk sử dụng có kích thước nhỏ hơn tiêu chuẩn. Điều này có thể dẫn đến những đánh giá sai lầm.

"Không có lý do gì để tin rằng những người theo dõi tài khoản chính thức của Twitter là một mẫu nghiên cứu đại diện cho nền tảng này. Những tài khoản giả mạo có thể sẽ ít theo dõi tài khoản này hơn để tránh bị phát hiện. Chúng ta không thể biết được. Tôi không hiểu tại sao Musk đưa ra thông tin trên hay ông ấy đang trêu đùa mọi người bằng một kế hoạch lấy mẫu ngớ ngẩn", Bergstrom viết.

Musk thực sự muốn gì khi tạm hoãn giao dịch?

Theo CNBC, lý do thực sự khiến Musk tạm ngừng giao dịch mua Twitter là do ông muốn nền tảng này giảm giá bán.

Elon Musk đang mắc sai lầm? - 2

Nhiều chuyên gia nhận định việc tạm hoãn mua Twitter là chiêu bài của Musk nhằm thương lượng lại giá bán (Ảnh: The Verge).

"Đây có thể là chiến thuật đàm phán của Musk", Toni Sacconaghi, chuyên gia phân tích tại Bernstein, nhận định. Sacconaghi cho rằng thị trường đã giảm mạnh và Musk muốn sử dụng chiêu bài này để thương lượng lại.

Musk đang đàm phán với các nhà đầu tư bên ngoài bao gồm công ty tư nhân và bên cho vay ưu đãi để giảm bớt cổ phần cá nhân tại Twitter. Trong trường hợp thương lượng được giá bán, lợi nhuận cho các nhà đầu tư bên ngoài có thể cao hơn khi Twitter niêm yết trở lại hoặc bán lại.

Trước đó, Musk và Twitter đã đồng ý với cái gọi là phí chấm dứt hợp đồng trị giá 1 tỷ USD, khi hai bên đạt được thỏa thuận vào tháng trước. Tuy nhiên, mức "phí chia tay" này không phải là một khoản đảm bảo cho Musk "rút lui" mà không để lại hậu quả gì.

Phí chia tay được áp dụng khi có lý do bên ngoài khiến thương vụ không thể hoàn tất. Người mua cũng có thể tạm ngừng thỏa thuận nếu phát hiện thông tin không chính xác mà có thể gây ra "tác động bất lợi nghiêm trọng".

Tuy nhiên, việc thị trường chứng khoán bị bán tháo khiến Twitter mất hơn 9 tỷ USD vốn hóa không được coi là lý do hợp lệ để Musk cắt lỗ. Luật sư cho rằng, nếu Musk từ bỏ cuộc đấu thầu này chỉ đơn giản vì cảm thấy mình đã trả quá nhiều thì Twitter có thể kiện ông bồi thường thiệt hại lên tới hàng tỷ USD, bên cạnh khoản phí 1 tỷ USD như đã thỏa thuận.

Theo www.cnbc.com, The Verge

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm