Động lực nào để Viettel, Zalo bước ra thế giới?

Đi sau trình độ kĩ thuật, yếu thế tài chính, thiếu kinh nghiệm trong vấn đề pháp lý, xin giấy phép…các đơn vị như Viettel, Zalo “nghĩ gì” khi tiến quân sang nước ngoài?

Lãng mạn để dám mơ lớn

Nếu xét trình độ kỹ thuật, thế mạnh tài chính lẫn kinh nghiệm chinh phục thị trường, các doanh nghiệp Việt cỡ bự như Viettel cũng không bì được với các đại gia châu Á, chứ chưa nói đến tầm thế giới. Các sản phẩm công nghệ như Zalo giống như “châu chấu đá xe” trong sân chơi toàn cầu. Vậy nên, Viettel sang nước ngoài để cạnh tranh Telefonia…hay Zalo mở rộng sang thị trường quốc tế, tự đưa mình vào thế khó nếu xét trên khía cạnh logic là quá "điên rồ".

Thế nhưng, phía sau hành động có phần "điên rồ" đó là khát vọng vì một Việt Nam được biết đến không chỉ là quốc gia xuất khẩu lúa gạo, cà phê, cá basa…Một vị lãnh đạo của Viettel từng phát biểu bên lề một sự kiện: “Tại sao người Việt không dám mơ lớn? Nếu không ai tin là công ty Việt Nam có thể cạnh tranh được với những người khổng lồ của thế giới thì thật buồn”.

“Nếu không ai tin là công ty Việt Nam có thể cạnh tranh được với những người khổng lồ của thế giới thì thật buồn”.
“Nếu không ai tin là công ty Việt Nam có thể cạnh tranh được với những người khổng lồ của thế giới thì thật buồn”.

Vào thời điểm đó, Viettel chuẩn bị đầu tư ra nước ngoài và cũng ôm mộng trở thành tập đoàn viễn thông tầm cỡ của thế giới. Những lãnh đạo tại Viettel tin rằng, người Việt Nam cũng có thể tạo nên những câu chuyện kinh doanh khiến thế giới phải học tập.

Tương tự, khi đưa Zalo ra khỏi Việt Nam, ông Vương Quang Khải, Phó Tổng giám đốc VNG cũng bày tỏ khát vọng theo đuổi giấc mơ sản phẩm công nghệ Việt ở nước ngoài. Do đó, bất chấp trong nước Zalo vẫn còn loay hoay với mô hình kiếm tiền, ứng dụng này vẫn đầu tư phần lớn nguồn lực cho thị trường quốc tế.

Nhận xét về hành động của Viettel, Zalo, một chuyên gia trong ngành đã cảm thán: “Phải là người rất lãng mạn thì mới có gan theo đuổi chuyện điên rồ như thế”.

Từ giấc mơ thiếu thực tế đến những viên gạch đầu tiên

Sau 10 năm tiến quân ra nước ngoài, Viettel đã có mặt ở 10 quốc gia với thị trường 270 triệu dân, có lãi ở 6 nước. Doanh thu từ hoạt động tại nước ngoài của Viettel đạt gần 1,5 tỷ USD tương đương mức tăng trưởng 25%. Trong khi đó, theo số liệu của OVUM (hãng nghiên cứu và phân tích thị trường hàng đầu thế giới, trụ sở tại Anh), tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành này trên thế giới là 2,3% (chỉ bằng ¼ so với Viettel).

Sau 4 tháng thử nghiệm sản phẩm ở Myanmar, Zalo đã có 2 triệu người dùng đầu tiên dù khó khăn về ngôn ngữ, hiểu biết về hành vi người dùng bản địa. Hiện Viettel đang đặt mục tiêu thị trường 1 tỷ dân. Zalo kỳ vọng sẽ chiếm 50% thị phần ở Myanmar.

Viettel đang góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới
Viettel đang góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới

Những thành quả đó là minh chứng cho thấy giấc mơ Việt Nam trên sân chơi toàn cầu hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, sẽ chẳng có viên gạch làm nền móng đầu tiên nếu không có những người dám mơ lớn.

Một nhà báo CNTT đã nhận định, nếu cách đây 4 năm, Zalo không mơ đến ngày làm ra sản phẩm công nghệ được chính người Việt công nhận thì hiện nay chúng ta sẽ nghĩ về điều này như chuyện chỉ có trong cổ tích. Việt Nam không thể có tên trong nhiều thống kê của tổ chức quốc tế SimilarWeb, Digital Vision như là một quốc gia mà ứng dụng nội địa chiếm ưu thế so với đối thủ toàn cầu.

Tương tự, nếu 10 năm trước, Viettel không dám mơ về sân chơi quốc tế thì hôm nay chúng ta chỉ loanh quanh trong sân nhà chứ không có doanh nghiệp Việt lọt vào Top 30 nhà mạng lớn nhất thế giới với 270 triệu thuê bao, gấp 3 lần dân số Việt Nam hiện tại. Và cũng chưa chắc sẽ có một Zalo dám đưa sản phẩm ra nước ngoài.

Kỹ sư Việt Nam trò chuyện với tài xế taxi ở Myanmar. Zalo hi vọng có thể giúp 50% người dân nước này kết nối tốt hơn với người thân, bạn bè
Kỹ sư Việt Nam trò chuyện với tài xế taxi ở Myanmar. Zalo hi vọng có thể giúp 50% người dân nước này kết nối tốt hơn với người thân, bạn bè

“Có một câu nói khá nổi tiếng rằng quốc gia nào bán thức ăn nhanh McDonald thì đã đặt một chân trong hàng ngũ “thân hữu” với Mỹ, vì thương hiệu này giống như một biểu tượng văn hóa, kinh tế của Mỹ”. Cho nên Viettel, Zalo khi bước ra thế giới, họ không chỉ mang về lợi ích cho doanh nghiệp mà còn góp phần quảng bá tên tuổi quốc gia.

Tuy nhiên, hành trình này không đơn giản và với một, hai đơn vị như Viettel, Zalo thì càng đơn độc nên cần quyết tâm vô cùng lớn. Như Tổng giám đốc Nguyễn Mạnh Hùng đã nói “Con đường vươn ra thế giới còn dài và cũng phức tạp. Chúng tôi đang đặt cho từng người trong tập đoàn những những yêu cầu cao nhất, khó khăn nhất để gắng sức vượt qua nhằm vươn xa hơn, cạnh tranh mạnh mẽ hơn trên bản đồ thế giới”.

Còn Zalo thì chia sẻ rằng trên đường đến đích, họ đã chuẩn bị cho những thách thức phía trước. “Việc ra thị trường nước ngoài rất khó khăn, Zalo vừa thiếu kinh nghiệm vừa thiếu vốn. Tuy nhiên, chúng tôi coi cọ sát ở sân chơi quốc tế là cơ hội để nâng cao năng lực và mở ra những chân trời mới", ông Khải chia sẻ

Hy vọng, quyết tâm này sẽ giúp Viettel, Zalo làm nên chuyện lớn và thành niềm cảm hứng cho nhiều sản phẩm khác mạnh dạn bước chân ra thế giới.

PV

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm