Doanh nghiệp Việt nên làm quen với khái niệm "trưởng thành số"
(Dân trí) - Khái niệm "trưởng thành số" đánh giá năng lực thích ứng với chuyển đổi số của doanh nghiệp, bao gồm các yếu tố từ tư duy, chiến lược, hệ thống, quy trình... cho tới con người.
Ngày 11/5, Công ty Cổ phần MISA phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức "Tọa đàm Công nghệ tiên phong - Vận hành tối ưu" nhằm mục đích chia sẻ những kiến thức chuyên sâu về phương pháp vận hành tối ưu cho doanh nghiệp.
Chia sẻ tại tọa đàm, TS. Đỗ Tiến Long, Chủ tịch Hội đồng chuyên gia Công ty OD Click, chỉ ra một thực trạng đáng lo ngại ở Việt Nam đó là các doanh nghiệp hiện nay có thể sở hữu kỹ năng số cao, nhưng năng lực chuyển đổi số vẫn còn thấp, dẫn tới khoảng cách về chuyển đổi vẫn còn khá xa so với các quốc gia phát triển trên thế giới.
"Việt Nam nói nhiều về chuyển đổi số. Nhưng theo tôi nên dùng từ gần gũi hơn, là "trưởng thành số", hay "thích ứng số". TS. Long chia sẻ quan điểm. "Đó là chỉ số đánh giá sự thích ứng với chuyển đổi số, xã hội số… để tiếp cận với tiêu chuẩn chung của toàn cầu. Tại đó, công nghệ chỉ là một phần. Các yếu tố quan trọng bao gồm sự tư duy, chiến lược, hệ thống, quy trình... cho tới con người".
Trích dẫn báo cáo về chuyển đổi số thường niên 2022, TS. Long cho biết có tới 48,8% doanh nghiệp đã từng sử dụng một số giải pháp chuyển đổi số, nhưng hiện tại đã không còn.
Trong đó, chỉ vỏn vẹn 2,2% doanh nghiệp cho biết đã làm chủ công nghệ, phần mềm quản lý để phân tích dữ liệu, tự động hóa; 35,3% doanh nghiệp cho biết mới chỉ số hóa ở dữ liệu, quy trình.
Theo vị chuyên gia này, doanh nghiệp nên coi bản chất của chuyển đổi số là chuyển đổi cơ cấu doanh nghiệp, để từ đó, toàn bộ con người trong công ty sẽ thích ứng với công nghệ, hướng tới làm chủ công nghệ, thay vì để công nghệ làm thay phần việc của mình.
Để rồi từ đó, các doanh nghiệp nên tập trung tiên phong sự tư duy, văn hóa và con người, để những yếu tố này phải đi trước chứ không phải công nghệ.
Tuy nhiên, cũng không thể bỏ qua yếu tố công nghệ nếu muốn vươn về phía trước. Các diễn giả đồng quan điểm khi nhấn mạnh rằng các doanh nghiệp nếu không muốn mất đi chỗ đứng, đều phải biết ứng dụng công nghệ để tạo lợi thế cạnh tranh.
Theo đó, việc bắt đầu bằng công nghệ, nhưng là những công nghệ căn bản, gần gũi với hệ thống doanh nghiệp Việt Nam, được xem là một lựa chọn khôn ngoan.
Theo bà Đinh Thị Thúy, Tổng Giám đốc MISA, trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp hiện nay buộc phải thích ứng bằng cách thắt chặt chi tiêu, tối ưu chi phí, nhằm cải thiện năng suất của đội ngũ.
Trước thực tế đó, MISA đã quyết định cung cấp bộ giải pháp Văn phòng số mang tên "Starter MISA AMIS" nhằm lan tỏa giải pháp chuyển đổi số trong công tác quản lý vận hành, hướng tới đối tượng là các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam.