Cựu CEO Facebook tại Úc kêu gọi mọi người 'xóa ứng dụng'
(Dân trí) - Facebook đang đối mặt với làn sóng tẩy chay mạnh mẽ nhất kể từ vụ bê bối Cambridge Analytica sau khi công khai chặn mọi nội dung tin tức tại Úc.
Stephen Scheeler, Cựu Giám đốc điều hành của Facebook tại khu vực Úc và New Zealand, cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng động thái gây tranh cãi của Facebook là vô cùng "xấu xí", và đã thổi bùng nên làn sóng phản đối dành cho Mark Zuckerberg.
Làn sóng phản đối Facebook bùng lên mạnh mẽ
"Chuyện này không nên xảy ra. Nhưng thật không may, nó đã xảy ra", Scheeler trả lời phỏng vấn tờ The Australian. Được biết, Stephen Scheeler đã từ chức tại Facebook năm 2017
"Tôi từng tự hào khi là một Facebooker, nhưng trong những năm qua, tôi ngày càng bực tức hơn với mạng xã hội này. Đối với Facebook và Mark, họ quan tâm quá nhiều tới tiền bạc và quyền lực hơn là lợi ích. Tất cả người dân Úc nên cảm thấy đáng báo động về điều này".
Ông khuyến khích người dân Úc gửi thông điệp mạnh mẽ đến công ty bằng cách xóa ứng dụng, đồng thời kêu gọi đặt ra những "quy định nhiều hơn" dành cho Facebook nói riêng và các mạng xã hội nói chung.
Trước đó vào ngày 17/2, Facebook đã công khai chặn tất cả người dùng Úc khỏi các nội dung tin tức, bao gồm cả nội dung từ Chính phủ trên nên tảng của mình.
Động thái này diễn ra khi Quốc hội Úc dự kiến thông qua một dự luật truyền thông mới, yêu cầu các nền tảng trực tuyến như Google và Facebook phải chia sẻ lợi nhuận với các tập đoàn truyền thông nước này.
Đây là điều chưa từng có tiền lệ, khi mạng xã hội lớn nhất hành tinh công khai "gây chiến" với cả một quốc gia ở mức độ cao nhất nằm trong khả năng của họ.
Hệ quả là hàng chục trang Facebook thuộc các tổ chức từ thiện, doanh nghiệp nhỏ, dịch vụ công và chính phủ đã bị xóa khỏi trang này, làm dấy lên lo ngại rằng rất nhiều người dân có thể bỏ lỡ các thông tin quan trọng, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn ra. Đây là động thái mà các nhà phê bình cho rằng sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng con người.
Ngay lập tức, nhiều người dùng mạng xã hội đã đổ xô lên Twitter để kêu gọi tẩy chay Facebook. Những dòng hashtag như "#DeleteFacebook", "#BoycottZuckerberg", "#FacebookWeNeedToTalk"... xuất hiện hàng loạt trên Twitter và thu hút được rất nhiều bình luận, chia sẻ.
Quyết định "nông nổi" của Mark Zuckerberg
Trên trang cá nhân, Thủ tướng Úc Scott Morrison cho rằng các "công ty thuộc nhóm Big Tech (gồm Facebook, Google, Amazon, Apple) đã làm dấy lên lo ngại cho thấy họ quyền lực hơn cả chính phủ và các quy tắc không thể được áp dụng lên họ". Ông khẳng định đây là hành động "hủy kết bạn" với nước Úc, và cho thấy mạng xã hội này "vừa ngạo mạn, vừa đáng thất vọng".
Julian Knight - thành viên Quốc hội Anh thì cho biết Facebook dường như đang sử dụng Úc như một "trường hợp thử nghiệm" về cách các chính phủ sẽ phản ứng khi có tin tức bị cấm. Ông kêu gọi các nhà lập pháp trên khắp thế giới phải hành động để đưa Facebook vào khuôn khổ luật pháp.
Dưới góc nhìn của chuyên gia, CEO Bkav Nguyễn Tử Quảng nhận định cuộc chiến giữa Facebook, Google với các tờ báo là điều tất yếu sẽ xảy ra. "Google, Facebook xuất hiện cũng là lúc doanh thu của các tờ báo sụt giảm, còn họ thì kiếm được tiền từ việc phân phối các bài báo tới người dùng của mình", CEO Bkav chia sẻ trong một bài đăng trên mạng xã hội. "Nếu Google, Facebook chịu "đầu hàng" tại Úc, việc này sẽ còn lan rộng ra khắp thế giới".
Với tư cách là người đứng đầu tại Bkav, ông Quảng cho rằng động thái của CEO Zuckerberg là có phần "nông nổi", dẫn đến sự phản cảm, phản ứng khắp thế giới và đã phải có điều chỉnh sau đó.
Cụ thể, Facebook đã thừa nhận hành động có phần "quá đà" của mình, nói rằng các trang của Chính phủ không nên bị ảnh hưởng bởi động thái mới nhất của họ. Theo Reuters, nhiều trang trong số những trường hợp bị ảnh hưởng đã được khôi phục để người dân Úc theo dõi thông tin.
Theo Bloomberg, chính phủ Úc sẽ sớm tổ chức các cuộc hội đàm với Mark Zuckerberg, nhằm tháo gỡ vấn đề sau khi gã khổng lồ công nghệ Mỹ khiến chính phủ nước này tức giận vì chặn mọi hành động xem, chia sẻ tin tức của người dân Úc trên nền tảng của họ.
Đây được xem là vụ việc tai tiếng, tạo ra làn sóng phản đối mạnh mẽ nhất đối với Facebook nói chung, và CEO Mark Zuckberberg nói riêng kể từ phiên điều trần trước Hạ viện Mỹ của chính CEO này vào năm 2018 xung quanh vấn đề rò rỉ dữ liệu và quyền riêng tư cho người dùng.