ChatGPT giúp sinh viên hoàn thành bài luận tốt nghiệp chỉ sau 20 phút
(Dân trí) - Chỉ mất 20 phút ChatGPT đã giúp sinh viên hoàn thành bài luận dài 3.500 từ. Khi chấm bài, giảng viên không thể nhận ra đây là bài luận do trí tuệ nhân tạo viết.
Pieter Snepvangers, 22 tuổi, sống tại thành phố Bristol (Anh), vừa tốt nghiệp đại học chuyên ngành Chính sách xã hội vào năm ngoái.
"Cơn sốt" về chatbot ChatGPT trên toàn cầu đã khiến Pieter phải tò mò về khả năng của trí tuệ nhân tạo này. Để kiểm tra trí thông minh của ChatGPT, Pieter quyết định nhờ phần mềm này thực hiện công việc mà mình đã từng làm vào năm ngoái: viết khóa luận tốt nghiệp.
Pieter đã liên hệ với một giảng viên tại trường đại học danh tiếng thuộc Nhóm Russell (hiệp hội gồm 24 trường đại học công lập tại Vương quốc Anh) để hỏi xem liệu mình có thể tham gia làm bài luận tốt nghiệp chuyên ngành Chính sách xã hội của trường hay không.
Khi được giảng viên này đồng ý, Pieter đã yêu cầu ChatGPT viết một bài khóa luận có tối thiểu 2.000 từ về chủ đề chính sách xã hội, kèm theo thông tin về các tài liệu tham khảo. Dĩ nhiên, Pieter giữ bí mật với vị giảng viên kia về việc anh dùng ChatGPT để làm bài hộ.
Ban đầu, ChatGPT chỉ viết được một bài luận với 365 từ, tương đương 15% độ dài bài viết được yêu cầu.
Pieter đã quyết định sử dụng một cách tiếp cận khác, khi đưa ra cho ChatGPT 10 câu hỏi khác nhau, tất cả đều liên quan đến nội dung của bài tiểu luận. Cuối cùng, Pieter đã ghép câu trả lời do ChatGPT đưa ra cho 10 câu hỏi này và được một bài viết hoàn chỉnh dài 3.500 từ.
Mất thêm một ít thời gian biên tập và sửa chữa để rút ngắn bài luận xuống còn 2.000 từ, Pieter cho biết anh chỉ mất khoảng 20 phút để hoàn thành bài luận, thay vì phải mất nhiều tuần liền để nghiên cứu tài liệu và viết.
Pieter cho biết anh đã chọn ra những đoạn hay nhất, xóa bớt các đoạn nội dung không cần thiết và sắp xếp lại để tạo thành một bài luận hoàn chỉnh. Pieter khẳng định anh không chèn thêm bất kỳ ý nào khác của bản thân vào bài luận, mà giữ nguyên những nội dung do GPT viết ra.
Pieter sau đó đã gửi bài luận hoàn chỉnh đến giảng viên của mình để nhờ chấm điểm.
"Nói chung tôi chỉ mất 20 phút để hoàn thành bài luận này, thay vì nhiều tuần liền để tìm kiếm tài liệu và tự bắt tay vào viết", Pieter Snepvangers chia sẻ. "Tôi đã gửi bài luận cho giảng viên mà tôi quen để nhờ chấm điểm và hồi hộp chờ kết quả".
Kết quả cuối cùng, bài luận do ChatGPT viết ra đã đạt được số điểm 2,2/4, không phải là số điểm quá xuất sắc, nhưng vẫn đủ để đậu.
Pieter đã liên hệ với giảng viên của mình để nhờ nhận xét về nội dung của bài luận, thì khá bất ngờ khi giảng viên này không hề nhận ra bài viết được thực hiện tự động bởi một phần mềm trí tuệ nhân tạo, mà cho rằng đây là bài luận của một sinh viên khá lười biếng với học lực trung bình.
"Về cơ bản, bài tiểu luận này rất chung chung, không quá đi sâu về chi tiết các vấn đề, nó cũng không chứa quá nhiều khái niệm nâng cao", vị giảng viên nhận xét về bài luận của Pieter. "Nội dung của bài luận cho thấy sinh viên này đã từng theo học lớp của tôi".
"Bài luận không quá tệ, sử dụng nhiều ngôn ngữ phù hợp. Tôi tin rằng bài luận này được viết bởi một sinh viên lười biếng, người đã không đầu tư quá nhiều công sức vào nội dung bài luận", giảng viên này nhận xét thêm.
Cuối cùng, Pieter đã có thể giải đáp được thắc mắc của mình, đó là sinh viên hoàn toàn có thể sử dụng ChatGPT như một "công cụ gian lận" để viết giúp mình những bài tiểu luận, nhất là với những môn học không quá quan trọng.
Pieter cho biết anh đã không đầu tư quá nhiều vào bài tiểu luận khi vẫn giữ nguyên tất cả các ý và từ do ChatGPT viết ra mà không biên tập hay thay đổi. Nếu đầu tư một cách nghiêm túc hơn, Pieter tin rằng điểm số của bài tiểu luận sẽ còn cao hơn rất nhiều.
"ChatGPT mới chỉ được ra mắt 3 tháng và hiện vẫn đang còn ở giai đoạn thử nghiệm, nhưng khả năng của nó rất ấn tượng. Tôi tin rằng trong tương lai, ChatGPT có thể giúp các sinh viên làm bài tập về nhà hoặc viết các bài tiểu luận với nội dung hoàn chỉnh và đạt được điểm số cao", Pieter cho biết.
Trên thực tế, nhiều sinh viên đã sử dụng ChatGPT như một công cụ hỗ trợ để làm bài tập hoặc viết tiểu luận trong thời gian qua, điều này khiến nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục lo ngại vì cho rằng ChatGPT có thể làm mất đi tính sáng tạo của các sinh viên. Nhiều giảng viên đại học tại Mỹ đã kêu gọi cấm sinh viên sử dụng ChatGPT để làm bài tập, tuy nhiên, rất khó để có thể nhận ra các bài viết của sinh viên có được thực hiện bởi ChatGPT hay không.
Theo MR/SoMag