Blog: Cơn sốt đã hạ nhiệt
Sau một thời gian nổi đình nổi đám, gây sốt trong cộng đồng Net và được tôn vinh là "từ khóa" của năm 2004, Blog nay đang dần xẹp hơi.
Một thực tế trớ trêu là trong khi số blog và blogger (những người lập blog) mọc lên như nấm sau mưa, thì số độc giả chịu truy cập vào blog để đọc nội dung lại cực ít.
Ngoại trừ một số blog nổi tiếng và có nhiều thông tin như The Drudge Reports, Slashdot, Gizmodo hoặc các blog được trích dẫn nguồn trên những cổng Internet lớn như Yahoo, MSN, CNET... đa phần các blog cá nhân viết ra với nhu cầu "giãi bày tâm sự" và "xả stress" hầu như không có độc giả, ngoại trừ chính tác giả của nó.
Nguyên nhân khiến blog không có nhiều độc giả là vì đa số blog được viết ra theo kiểu "Nhật ký cá nhân", không mang tính phổ cập và hấp dẫn. Hơn thế nữa, người sử dụng Internet chỉ chú trọng đến việc đọc email, tìm kiếm thông tin và lướt qua các trang web thời sự nóng hổi, cập nhật từng phút như Yahoo News, CNN, BBC.... Họ hầu như không còn nhiều thời gian rảnh rỗi để đọc những tâm sự và ghi chép lặt vặt về cuộc sống của một ai đó xa lạ, hay không thật quen với mình.
Mới đây, Spiegel Online thậm chí còn công bố một sự thật "hãi hùng": một số lớn các blogger có sự lệch lạc về đời sống nội tâm và không thể kết bạn với bất cứ ai. Vì thế, họ tìm đến blog như một "cửa ra", một lối thoát duy nhất.
Một cuộc thăm dò người dùng Internet mới nhất tại Đức cho thấy chỉ có 4% nói rằng họ thường xuyên trò chuyện qua blog, trong khi số người tự lập blog cá nhân là 20%, tức là cao gấp 5 lần. Độ tuổi trung bình của các độc giả blog là dưới 30, còn đối với các đối tượng trung niên, mặc dù biết blog là cái gì, nhưng họ chỉ coi đây là một hiện tượng "phù du".
Năm nay, mốt mới và từ khóa của năm là "podcast", công nghệ cho phép bạn tích hợp radio, âm thanh vào website. Liệu nó có căng phồng để rồi xẹp hơi giống Blog hay không? Chí ít thì cũng khó gây sốt được bằng blog, bởi podcast đòi hỏi phức tạp hơn một chút về kỹ thuật và băng thông, còn blog thì không.
Theo Thiên Ý
VietNamNet