Apple giành lại được quyền sở hữu tên miền iPhone5.com

(Dân trí) - Apple đã giành lại được quyền sở hữu tên miền iPhone5.com sau khi nộp đơn khiếu nại lên Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO). Phải chăng, điều này có liên quan đến tên gọi của iPhone thế hệ tiếp theo?

Trước đó, tên miền iPhone5.com đã được đăng ký bởi một công ty tại Úc, tuy nhiên, hiện tại tên miền này đang thuộc về Corporation Service, có trụ sở tại thành phố Wilmington, bang Delaware (Mỹ), một công ty chuyên về dịch vụ đăng ký tên miền.

Theo thông tin từ trang công nghệ The Next Web thì Apple đã liên hệ với công ty này để mua lại quyền sở hữu của tên miền iPhone5.com.

Hiện tại, truy cập vào tên miền này, người dùng sẽ chỉ nhìn thấy một trang web trắng, không có bất kỳ thông điệp này cho thấy trang web này đang trong quá trình xây dựng hoặc tương tự như vậy.

Apple giành lại được quyền sở hữu tên miền iPhone5.com
Liệu tên miền iPhone5.com có liên quan gì đến tên gọi sản phẩm mới của Apple?

Trước khi bị đóng cửa, iPhone5.com là một trang diễn đàn chuyên về công nghệ và các thiết bị di động, nhưng rất ít người biết đến trang web này, cho đến khi có vụ tranh chấp với Apple xảy ra.

Đây không phải là lần đầu tiên Apple chiếm lại quyền sở hữu các tên miền liên quan sản phẩm sắp ra mắt của mình.

Trước đây, khi Apple chuẩn bị ra mắt dịch vụ iCloud vào năm 2011, Apple cũng đã phải mua lại tên miền iCloud.com từ Xcerion, một công ty phần mềm Thụy Điển. Theo nhiều thông tin bên lề thì Apple đã phải bỏ ra đến 4,5 triệu USD cho tên miền này.

Giống với iPhone5.com, Apple cũng đã giành được tên miền iPods.com vào năm ngoái, thông qua phán quyết của WIPO sau khi nộp đơn khiếu nại lên cơ quan này, chứ không phải thông qua hình thức “thỏa thuận”. Trước đó, tên miền iPods.com thuộc quyền sở hữu của trang web MP3Gold.com.

Trong khi “iPhone 5” vẫn là cái tên được sử dụng mặc định cho thế hệ iPhone tiếp theo, tuy nhiên, việc giành lại quyền sở hữu tên miền iPhone5.com này không có nghĩa đây là tên gọi chính thức cho sản phẩm mới của Apple.

Về mặt kỹ thuật thì iPhone tiếp theo là thế hệ thứ 6 của chiếc smartphone phát hành bởi Apple, và với việc đặt tên gọi “new iPad” cho chiếc máy tính bảng mới nhất của mình, chưa hẳn Apple đã sử dụng tên gọi iPhone 5 cho chiếc iPhone tiếp theo.

Có vẻ như hành động thu hồi tên miền iPhone5.com chỉ là cách thức để bảo vệ thương hiệu của chính mình, thay vì hé lộ tên gọi của sản phẩm mới.

Google giành lại 763 tên miền liên quan đến thương hiệu của mình

Trong một vụ việc tương tự, Google đã giành chiến thắng quan trọng trong vụ kiện thu hồi hơn 750 tên miền có liên quan đến thương hiệu của hãng mà một cá nhân đang nắm giữ.

Cụ thể, Google đã gửi đơn kiện lên Diễn đàn Trọng tài Quốc gia (NAF) Mỹ để yêu cầu thu hồi quyền sở hữu của hơn 750 tên miền có liên quan đến từ khóa của Google đang bị một cá nhân chiếm dụng.

Trước đó, những tên miền này đã được Chris Gillespie, một công dân Mỹ sống tại New York, đăng ký và sở hữu trong khoảng thời gian từ 29/2 đến 10/3/2012.

Apple giành lại được quyền sở hữu tên miền iPhone5.com
Google đã sử dụng “sức mạnh” để thu hồi lại tên miền liên quan đến mình

Gillespie đã sử dụng cụm từ “Google” để kết hợp với tên của nhiều thương hiệu khác và đăng ký sở hữu tên miền, như GoogleDonaldTrump.com, GoogleHonda.com, GoogleGayFacebook.com…

Theo khiếu nại của Google, Gillespie đã chuyển hướng ít nhất một trong số những tên miền mà mình đang sở hữu đến những trang web có nội dung về khiêu dâm đống giới, và không hề có bất kỳ sự liên quan nào đến Google cũng như tên của những thương hiệu hay sản phẩm có trên tên miền.

Về phần mình, Gillespie lập luận rằng hành động của mình chỉ nhằm theo dõi lượng truy cập đến từng tên miền mà mình đang sở hữu và cho biết mục đích của việc đăng ký tên miền là một phần của kế hoạch để “phát triển mối quan hệ dựa trên các mạng xã hội, cho phép người dùng tương tác với nhau thông qua nội dung, sản phẩm và dịch vụ liên quan đến lợi ích của cộng đồng”.

Gillespie cũng lập luận rằng Google không được bảo vệ bởi luật nhãn hiệu, bởi vì “google” vốn đã được đưa vào từ điển tiếng Anh Oxford như một động từ, có nghĩa “tìm kiếm trên Internet”, nên nó đã trở thành một từ phổ thông, thay vì một nhãn hiệu được bảo hộ.

Tuy nhiên, NAF vẫn quyết định rằng Google là thương hiệu đã được đăng ký bảo hộ không chỉ tại Mỹ và còn tại tất cả các quốc gia khác trên thế giới.

NAF sau đó đã đồng ý cho phép thu hồi lại những tên miền này. Google đã gọi đây là “một chiến dịch tích cực nhất nhằm ngăn chặn hành vi xâm phạm tên miền mà Google đã gặp phải”.

Được biết, Gillespie đã bỏ ra số tiền hơn 10 ngàn USD để sở hữu toàn bộ 763 tên miền liên quan và dính dáng đến thương hiệu Google.

Đây không phải là vụ kiện giành lại tên miền liên quan đến thương hiệu lớn nhất trong lịch sử. Trước đó, vào năm 2009, chuỗi du lịch, nghỉ dưỡng và khách sạn InterContinental Hotel của Anh đã thắng vụ kiện để thu hồi 1.542 tên miền vi phạm và sử dụng trái phép thương hiệu của mình.

Ở Việt Nam, tình trạng tên miền gắn liền với các thương hiệu lớn trong nước bị chiếm dụng bởi các cá nhân vì mục đích tư lợi cũng xảy ra rất phổ biến.

Nhiều tên miền thương hiệu lớn của Việt Nam đang bị chính những cá nhân tại Việt Nam nhanh tay chiếm dụng, nhưng “hét” với giá rất cao, khiến các doanh nghiệp phải “chùn bước” trước ý định mua lại.

Nếu không có chế tài xử lý phù hợp, cũng như không nắm bắt trước xu thế, việc quảng bá thương hiệu Việt Nam ra thế giới, chí ít là trên thế giới số sẽ trở nên khó khăn hơn, khi mà những tên miền dễ nhớ, gắn liền với thương hiệu lần lượt bị rơi vào tay người khác.

Phạm Thế Quang Huy