Amazon: Việt Nam đang trong giai đoạn vàng để tạo đột phá TMĐT

Thế Anh

(Dân trí) - "Hội nghị thương mại điện tử xuyên biên giới năm 2021" được Amazon tổ chức tại Việt Nam, thu hút hơn 10.000 người đăng ký tham gia trên khắp cả nước.

Với chủ đề "Tinh hoa hàng Việt, vượt xuyên biên giới", sự kiện tôn vinh các sản phẩm Made-in-Vietnam, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam mạnh dạn khai thác tiềm năng của thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới, ghi dấu ấn trên bản đồ quốc tế.

Đây cũng là sự kiện lớn nhất trong năm do Amazon Global Selling Việt Nam tổ chức với sự tham gia của các đại diện đến từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công thương Việt Nam (IDEA), Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Thành phố Hà Nội, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS).

Amazon: Việt Nam đang trong giai đoạn vàng để tạo đột phá TMĐT - 1

Hội nghị đã thu hút hơn 10.000 người đăng ký tham gia trên khắp cả nước (Ảnh: Amazon).

"Với lợi thế về hàng hóa xuất khẩu, nguồn lao động và năng lực sản xuất, Việt Nam đang trong giai đoạn vàng để tạo ra những đột phá quan trọng trong ngành thương mại điện tử xuyên biên giới. Năm 2022, Amazon Global Selling Việt Nam sẽ tiếp tục đặt kỳ vọng và đầu tư nhiều hơn nữa cho sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp Việt", ông Gijae Seong, Giám đốc Điều hành Amazon Global Selling Việt Nam cho biết.

Trong năm 2021, Amazon Global Selling cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà sản xuất và đơn vị khởi nghiệp tại Việt Nam chuyển đổi quy trình xuất khẩu. Bên cạnh đội ngũ tại thành phố Hồ Chí Minh, một đội ngũ chuyên trách nữa cũng đã được thành lập tại Hà Nội.

"Việt Nam là một trong những quốc gia dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng kinh tế số trong khu vực Đông Nam Á. Trong tương lai, nền kinh tế số sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp tiếp cận thị trường toàn cầu", ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công thương Việt Nam (IDEA), chia sẻ.

Về lâu dài, các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam có thể khai thác lợi ích từ khoản đầu tư toàn cầu của Amazon với cơ sở hạ tầng hậu cần hàng đầu cùng với các công cụ và dịch vụ tiên tiến, để nhanh chóng triển khai hoạt động kinh doanh của trên Amazon, tiếp cận hơn 300 triệu khách hàng trên toàn thế giới và phát triển trở thành thương hiệu toàn cầu.

Trong năm 2019 và 2020, Amazon đã đầu tư hơn 30 tỷ USD vào quy trình hậu cần, công cụ, dịch vụ, chương trình và con người để thúc đẩy sự phát triển của các đối tác bán hàng. Chỉ riêng năm 2020, Amazon đã phát hành hơn 250 công cụ và dịch vụ để giúp đối tác bán hàng quản lý hoạt động kinh doanh trên Amazon.