Xuất hiện khối sưng, đau ở hông trái coi chừng ung thư xương

Nam Phương

(Dân trí) - Thấy khối sưng ở hông tăng nhanh về kích thước, người đàn ông 57 tuổi, Bắc Giang đi khám thì phát hiện bị ung thư xương. Khối u đã xâm lấn một nửa xương chậu và ổ cối của khớp háng.

Bệnh nhân là ông Thân Đức Toàn 57 tuổi, ở Bắc Giang, phát hiện bị ung thư xương được 7 tháng nay. 

Trước đó, ông thấy xuất hiện một khối sưng, đau ở vùng hông trái và theo dõi thấy tăng nhanh về kích thước. Ông đã đi khám chuyên khoa ung bướu và được chỉ định làm sinh thiết. Tại đây, ông được chẩn đoán bị ung thư (sarcoma) xương cánh chậu trái, xâm lấn một nửa xương chậu và phần ổ cối của khớp háng. 

Ông đã được điều trị hóa chất 3 đợt và sau đó các bác sĩ khuyên ông nên phẫu thuật để lấy bỏ khối u, tăng cơ hội sống. 

"Các bác sĩ có tính tới khả năng sẽ phải tháo bỏ toàn bộ xương chậu phía bên trái để ngăn chặn khối ung thư phát triển và bảo toàn tính mạng. Nhưng như vậy thì tôi sẽ trở thành người tàn phế. Nhưng tôi vẫn hy vọng có một cơ may nào đó dành cho mình", ông Toàn nhớ lại. 

Xuất hiện khối sưng, đau ở hông trái coi chừng ung thư xương - 1
Lên kế hoạch phẫu thuật trước mổ bằng công nghệ 3D.

May mắn sau đó ông được GS.TS Trần Trung Dũng trực tiếp thăm khám. Theo GS Dũng, đây là một trường hợp rất khó, bởi khối u của bệnh nhân có kích thước lớn, xâm lấn phá hủy nhiều tổ chức xung quanh, lại nằm ở vùng có cấu trúc giải phẫu phức tạp là xương chậu. Cánh chậu không chỉ có chức năng truyền tải trọng lực cơ thể thông qua khớp háng, mà còn tham gia bao bọc, bảo vệ rất nhiều cấu trúc nội tạng, thần kinh, mạch máu và gân cơ. Loại bỏ u tức là loại bỏ một phần khung chậu, do đó sẽ khiến chức năng nằm, ngồi, đi lại và sinh hoạt của bệnh nhân bị ảnh hưởng vô cùng nặng nề.

Sau khi hội chẩn cùng với các chuyên khoa Ung bướu, Phẫu thuật mạch máu, Gây mê hồi sức, GS Dũng cùng các bác sĩ đã quyết định sẽ vừa phẫu thuật lấy bỏ phần xương chậu có u, vừa thay thế cho bệnh nhân xương chậu và khớp háng nhân tạo mới. 15 y bác sĩ đã tham gia ca phẫu thuật kép vừa lấy khối u và thay thế xương titan.

Để chuẩn bị cho ca mổ, bệnh nhân được điều trị hóa chất đợt thứ 4. Trong khi đó, các bác sĩ cũng tìm kiếm phương án thay thế phần xương chậu bị lấy bỏ của bệnh nhân. Một kế hoạch mổ cho bệnh nhân được lập chi tiết, diện cắt u làm sao cho đủ triệt căn mà vẫn bảo tồn các điểm bám gân, cơ; thay thế phần xương khuyết hổng như thế nào.

Bệnh nhân được thay thế bằng xương chậu nhân tạo làm bằng hợp kim titan với hình dáng, chức năng gần như tương tự xương của bệnh nhân. 

Sau ca phẫu thuật, bệnh nhân sẽ tiếp tục được điều trị hóa chất.  

Ca phẫu thuật kéo dài 7 giờ. 12 giờ sau mổ, bệnh nhân tự ngồi dậy và vận động tại chỗ mà không đau. Dự kiến trong vòng vài ngày tới ông Toàn đã có thể tập đứng và đi lại với các dụng cụ hỗ trợ. Đây là ca thay xương chậu nhân tạo bằng titan thành công đầu tiên tại Việt Nam.

Ung thư xương không có nguyên nhân rõ ràng. Nó được xếp vào nhóm ung thư khó phát hiện sớm. 

Dưới đây là một số dấu hiệu cảnh báo của ung thư xương

Đau đớn

Đau ở xương bị ảnh hưởng là dấu hiệu phổ biến nhất của bệnh ung thư xương. Lúc đầu, cơn đau không liên tục. Nó có thể tồi tệ hơn vào ban đêm hoặc khi vận động, chẳng hạn như đau chân khi đi bộ. Khi ung thư phát triển, cơn đau sẽ ở đó mọi lúc và trở nên tồi tệ hơn khi hoạt động.

Sưng tấy

Sưng ở vùng đau có thể không xảy ra cho đến vài tuần sau đó. Bạn có thể sờ thấy một khối u nổi lên.

Ung thư trong xương cổ có thể gây ra một khối u ở phía sau cổ họng dẫn đến khó nuốt hoặc khó thở.

Gãy xương

Ung thư xương có thể làm suy yếu xương, nhưng hầu hết các trường hợp xương không bị gãy. Những người bị gãy xương bên cạnh hoặc xuyên qua một khối u xương thường mô tả cơn đau dữ dội đột ngột ở phần xương bị đau trong vài tháng.

Các triệu chứng khác

Ung thư trong xương cột sống có thể đè lên các dây thần kinh, gây tê và ngứa ran hoặc thậm chí là yếu.

Ung thư có thể gây giảm cân và mệt mỏi. Nếu ung thư lan đến các cơ quan nội tạng, nó cũng có thể gây ra các triệu chứng khác. Ví dụ, nếu ung thư di căn đến phổi, nó có thể gây khó thở.

Những triệu chứng này thường do các tình trạng khác ngoài ung thư, chẳng hạn như chấn thương hoặc viêm khớp. Tuy nhiên, nếu những vấn đề này diễn ra trong một thời gian dài mà không rõ lý do, bạn nên đến gặp bác sĩ.