Xoắn tinh hoàn - chậm là “chết”
Bỗng dưng… đau bìu, nhiều bệnh nhân nam hoang mang, không biết đó có thể là do xoắn tinh hoàn. “Đối với xoắn tinh hoàn, nếu can thiệp muộn, phải cắt bỏ tinh hoàn vì hoại tử” - bác sĩ (BS) Nguyễn Hồ Vĩnh Phước, Khoa Nam học, bệnh viện (BV) Bình Dân cho biết.
Tinh hoàn bình thường và tinh hoàn bị xoắn
Anh Nguyễn Thoại T. (26 tuổi, ở Bình Dương) cho biết, thấy tinh hoàn trái đau tức, lan sang bên còn lại, anh nghĩ mình bị viêm tinh hoàn nên tự mua thuốc kháng sinh và giảm đau để uống. Thế nhưng, triệu chứng đau không thuyên giảm, bìu trái ngày càng phù nề và sưng đỏ. Hai ngày sau, anh T. đến BV, thì phát hiện tinh hoàn đã hoại tử.
Các BS cho biết, khi bị xoắn tinh hoàn, thừng tinh bị xoắn, gây thiếu máu nuôi tinh hoàn. Khi đó, người bệnh thường có triệu chứng đau đột ngột hoặc âm ỉ ở một bên tinh hoàn; bìu bên xoắn sưng, hơi đỏ, đau khi chạm vào, mất phản xạ da bìu; tinh hoàn bên xoắn bị kéo lên trên so với bên còn lại, người bệnh có thể bị buồn nôn hoặc nôn. Khi thực hiện siêu âm doppler bẹn - bìu, có thể thấy hình ảnh không có hoặc giảm dòng máu đến tinh hoàn, một số trường hợp có thể thấy được nút xoắn.
BS Vĩnh Phước cho biết, nhiều trường hợp như bệnh nhân S., T., không biết rằng đau bìu là dấu hiệu quan trọng cần phải khám bệnh sớm để được can thiệp kịp thời.
Theo các BS, với những trường hợp trên, người bệnh cần được tháo xoắn sớm để bảo tồn tinh hoàn, phòng ngừa xoắn tinh hoàn bên còn lại. Đáng tiếc là một số trường hợp nhập viện trễ do tâm lý xấu hổ, ngại đến khám bệnh vùng kín, hoặc sai lầm khi người bệnh tự chẩn đoán và điều trị dẫn đến hậu quả mất tinh hoàn.
Xoắn tinh hoàn được ghi nhận chiếm 1/4.000 nam giới dưới 25 tuổi. Bệnh lý này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp nhất ở trẻ mới sinh và tuổi dậy thì. Do đó, dù ở tuổi nào, nam giới cũng cần cảnh giác khi bị đau bìu.
Theo BS Vĩnh Phước, khi thấy đau ở vùng bẹn - bìu cần đến khám ngay tại các BV có chuyên khoa tiết niệu - nam khoa để được can thiệp, điều trị kịp thời.
Theo Hoa Lài
Phụ nữ TPHCM