Xơ gan là gì, vì sao con người vẫn chưa thể chữa khỏi căn bệnh này?
(Dân trí) - Xơ gan là cánh cửa dẫn đến suy gan và thậm chí là ung thư gan, nó cũng khiến khoảng 1 triệu người tử vong mỗi năm.
Vậy con người đang ở đâu trong cuộc chiến với căn bệnh được coi là không thể chữa khỏi này?
Gan là một cơ quan có kích thước lớn với bề mặt nhẵn đảm nhiệm rất nhiều chức năng quan trọng của sự sống. Trước hết, gan là nơi lưu trữ và giải phóng các dưỡng chất khi cần; lá gan cũng hỗ trợ cho hoạt động tiêu hóa; tham gia vào việc phân giải các chất có khả năng gây hại cho cơ thể.
Tuy nhiên, lại có nhiều căn bệnh mãn tính có thể gây tổn thương gan, nếu bị tác động trong thời gian dài có thể gây ra tình trạng xơ hóa. Theo đó, xơ hóa gan xảy ra khi mô sẹo hình thành quá mức. Cụ thể, các protein collagen dạng sợi sẽ thay thế dần các mô gan khỏe mạnh,
Một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra hiện tượng xơ hóa gan phải kể đến virus viêm gan B hoặc A. Bên cạnh đó, còn có thói quen uống nhiều bia rượu; các bệnh gan nhiễm mỡ do tình trạng béo phì và tiểu đường gây ra.
Trong trường hợp chúng ta không có biện pháp xử lý kịp thời và để tình trạng xơ hóa tiếp diễn trầm trọng hơn có thể tiến triển đến xơ gan, lúc này lá gan sẽ trở nên rất cứng và chắc. Đồng thời, lưu lượng máu qua gan sẽ giảm đáng kể, gan cũng gần như mất đi khả năng thực hiện các nhiệm vụ của mình.
Chứng xơ gan hoàn toàn có thể dẫn đến những bệnh lý nghiêm trọng hơn như suy gan và đặc biệt là ung thư gan. Theo ước tính, mỗi năm có khoảng 1 triệu người trên thế giới chết vì xơ gan.
Một tin tốt là lá gan có cơ chế tự loại bỏ bớt các mô sẹo và việc phát hiện ra cơ chế này chính là căn cứ để giới khoa học tiến hành hàng loạt các nghiên cứu, để phát triển loại thuốc có thể làm chậm, ngưng quá trình xơ hóa, cũng như tăng tốc khả năng tự phục hồi của lá gan.
Ở thời điểm hiện tại, các biện pháp điều trị xơ gan chỉ dừng lại ở việc làm chậm sự tiến triển của bệnh, chứ chưa thể chữa dứt điểm. Phương pháp tốt nhất vẫn là thay đổi lối sống, mà cụ thể chính là tránh tuyệt đối các yếu tố rủi ro của bệnh như đã đề cập ở trên.
Tuy nhiên, các nhà khoa học đang thử nghiệm và tiến đến hoàn thiện dần các phương pháp, được kỳ vọng là có thể chữa dứt điểm được chứng xơ gan, dựa vào đặc điểm sinh học của các tế bào gây ra mô sẹo có tên là nguyên bào sợi.
Thông thường, khi nguyên bào sợi được hoạt hóa, chúng sẽ lớn lên và di chuyển đến các vị trí bị tổn thương, tiết ra collagen vào chất nền ngoại bào, các sợi collagen này sẽ được đan rối vào nhau như một tấm lưới, khiến mô cứng lại đồng thời khóa luôn chức năng của mô.
Một trong những giải pháp chính là nhắm vào các phân tử tín hiệu, được tiết ra bởi tế bào gan bị tổn thương và cả tế bào miễn dịch, tham gia vào sự hoạt hóa của các nguyên bào sợi. Để các nguyên bào sợi không được hoạt hóa, các nhà khoa học sẽ khóa các thụ thể nhận tín hiệu của nguyên bào sợi. Một giải pháp khác là bất hoạt các nguyên bào sợi bằng cách nhắm vào các thụ thể đóng vai trò giúp chúng tương tác với các tế bào khác cũng như chất nền ngoại bào. Khiến nguyên bào sợi mất đi khả năng tạo ra sợi collagen, bằng cách thêm một đoạn ARN vào nhân của nguyên bào sợi làm bất hoạt cơ quan sản sinh ra collagen, cũng là một hướng đi được coi là giàu tiềm năng.
Bên cạnh các giải pháp làm chậm quá trình xơ hóa, đẩy mạnh khả năng tự phục hồi của gan cũng là mục tiêu mà các nhà khoa học hướng đến. Giải pháp được đưa ra là tăng cường đại thực bào (một loại tế bào miễn dịch) đến vùng gan bị tổn thương, từ đó giúp đẩy mạnh cơ chế kháng sẹo của cơ quan này.
Nhiều loại thuốc dựa trên các cơ chế này đã được khám phá ra và sẽ sớm được đưa vào thử nghiệm trên người. Hãy cùng hy vọng rằng, trong thời gian tới chúng ta có thể sớm kết thúc cuộc chiến với căn bệnh xơ gan, ở vị thế của người chiến thắng.
Minh Nhật
Theo Nature Video, Mayo clinic