WHO khuyến cáo khách du lịch tránh tiếp xúc gia cầm tại vùng dịch

(Dân trí) - Ngày 14/2, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, Tổ chức Y tế thế giới WHO đã ra khuyến cáo khách du lịch nên tránh xa các trại nuôi gia cầm hoặc tránh tiếp xúc với gia cầm sống tại các chợ bán gia cầm ở vùng có dịch cúm gia cầm.

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), theo cập nhật của WHO, tính đến ngày 14/2 tại Trung Quốc đã ghi nhận 338 trường hợp nhiễm cúm A/H7N9 tại 14 tỉnh, thành phố của Trung Quốc, trong đó có 66 trường hợp tử vong. Tính riêng từ đầu năm 2014, chỉ trong vòng gần 50 ngày đã ghi nhận 182 trường hợp nhiễm cúm A/H7N9, bằng tổng số ca mắc được ghi nhận trong năm 2013.

Tại Malaysia, Bộ Y tế nước này cũng đã xác nhận trường hợp nhiễm cúm A/H7N9 đầu tiên. Đây là một bệnh nhân nữ 67 tuổi là khách du lịch đến từ Trung Quốc và sống tại tỉnh Quảng Đông. Trước khi đến Malaysia, bệnh nhân đã bị sốt và đã được điều trị ban đầu. Kết quả xét nghiệm của bệnh nhân này cho thấy dương tính với cúm A/H7N9. Bên cạnh đó, ngày 13/2 Trung Quốc xác nhận thêm 1 trường hợp bị cúm A/H10N8 và đã tử vong. Như vậy tính đến nay Trung Quốc đã ghi nhận 3 trường hợp nhiễm cúm A/H10N8 đầu tiên trên người, tất cả đều sống tại tỉnh Giang Tây, trong đó có 2 trường hợp tử vong.

Trước tình hình diễn biến dịch bệnh cúm hết sức phức tạp tại Trung Quốc, đến nay WHO chưa khuyến cáo hạn chế đi lại giữa các quốc gia hoặc áp dụng biện pháp sàng lọc đặc biệt tại các cửa khẩu đối với dịch bệnh Cúm A /H7N9. Tuy nhiên, WHO khuyến cáo khách du lịch khi đến các nơi có dịch bệnh cúm gia cầm không nên đi đến các khu vực giết mổ gia cầm; tránh xa các trại nuôi gia cầm hoặc tránh tiếp xúc với gia cầm sống tại các chợ bán gia cầm; Không nên tiếp xúc với với các vật dụng bị ô nhiễm bởi phân gia cầm hoặc vật nuôi; Đối với người có biểu hiện các triệu chứng viêm đường hô hấp cấp khi đi du lịch hoặc ngay sau khi trở về từ khu vực đang có dịch bệnh cúm cần nghĩ tới do Cúm A/H7N9.

Tại Việt Nam, trước nguy cơ dịch bệnh cúm lây truyền từ gia cầm sang người diễn biến phức tạp và gia tăng đột biến tại Trung Quốc và có nguy cơ rất lớn xâm nhập vào nước ta, đồng thời dịch cúm A/H5N1 có nguy cơ bùng phát trở lại tại các địa phương, Bộ Y tế yêu cầu tăng cường giám sát dịch bệnh cúm A/H7N9, cúm A/H10N8 cúm A/H7N9 và cúm A/H5N1 tại các cửa khẩu và tại cộng đồng.

Theo đó cũng cần mở rộng việc thu thập các mẫu bệnh phẩm từ các trường hợp viêm phổi nặng nghi do vi rút tại các bệnh viện đặc biệt các trường hợp có tiền sử đi về từ khu vực có dịch hoặc tiếp xúc với gia cầm; nếu phát hiện trường hợp nghi ngờ, tổ chức thu dung điều trị, cách ly sớm, cấp cứu kịp thời không để xảy ra tử vong và triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan rộng, kéo dài. Thông qua giám sát chủ động theo dõi sự biến chủng của vi rút cúm gia cầm lây bệnh sang người.

Bộ Y tế yêu cầu cần đẩy mạnh công tác kiểm tra liên ngành,thực hiện điều tra ngăn chặn và bắt giữ gia cầm nhập lậu qua biên giới, xử lý nghiêm các hộ kinh doanh trái phép, không để hiện tượng buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc trên thị trường, đặc biệt gia cầm tại các chợ đầu mối. Lên kế hoạch và tổ chức tốt việc vệ sinh, tiêu độc, khử trùng định kỳ tại các chợ bán gia cầm sống theo hướng dẫn của ngành thú y nhằm hạn chế tối đa sự lưu hành của các chủng vi rút cúm gia cầm trong môi trường có thể lây sang người.

Riêng tại Hà Nội, 5 đội cơ động phòng chống dịch cũng được thành lập, trực thuộc Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội. Theo đó, nhiệm vụ của các đội là xử lý triệt để các ổ dịch cúm gia cầm trên người: cách ly người mắc hoặc nghi; tư vấn điều trị dự phòng và giám sát những người có tiếp xúc gần với bệnh nhân, với gia cầm bệnh; đưa người bệnh đi điều trị kịp thời. Khi nhận được tin báo có người bị lây bệnh cúm gia cầm, trong vòng 30 phút đến 1 giờ, các đội cơ động này sẽ lập tức lên đường đến ổ dịch để xử lý triệt để.

Bộ Y tế khuyến cáo, để phòng lây nhiễm vi rút cúm từ gia cầm sang người, người dân không được vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia cầm không rõ nguồn gốc hoặc chưa qua kiểm dịch thú ý. Người chăn nuôi, chú ý vệ sinh chuồng trại sạch sẽ bằng thuốc sát khuẩn. Tuyệt đối không làm thịt gia cầm ốm, bệnh để ăn.

Khi tiếp xúc với gia cầm phải có các phương tiện bảo hộ gồm: găng tay, khẩu trang, ủng và quần áo bảo hộ; tốt nhất nên sử dụng loại khẩu trang y tế 2-3 lớp. Người dân khi giết thịt gia cầm cũng phải đeo găng tay, khẩu trang để phòng bệnh.

Những người có tiền sử tiếp xúc hoặc ăn thịt gia cầm ốm, chết; nếu có triệu chứng sốt cao, ho, khó thở phải khai báo với chính quyền địa phương và cơ quan y tế và đến bệnh viện. Không tự ý uống thuốc Tamiflu vì đây là loại thuốc điều trị phải có chỉ định của bác sĩ, nếu tự ý uống sẽ không hiệu quả, nguy hiểm hơn có thể dẫn đến kháng thuốc.


Tú Anh