Vụ tử vong chạy thận: Bác sĩ Lương được tại ngoại nhưng cấm đi khỏi nơi cư trú
(Dân trí) - Theo thông tin từ Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Hòa Bình, vào 16h chiều nay (5/7) ông Hồ Đức Anh - Viện trưởng VKSND tỉnh Hòa Bình đã ký quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với bác sĩ Lương, từ biện pháp tạm giam sang cấm đi khỏi nơi cư trú.
Thủ tục thay đổi biện pháp ngăn chặn được hoàn tất vào lúc 17h chiều nay. Như vậy bác sĩ Lương chính thức được tại ngoại nhưng sẽ không được phép rời khỏi nơi cư trú. Bên cạnh đó, bác sĩ Lương vẫn phải tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng để phục vụ công tác điều tra.
Phóng viên Dân trí tại Hòa Bình cho biết: Ngay sau khi hoàn tất thủ tục, bác sĩ Lương đã về nhà đoàn tụ cùng với gia đình.
Trao đổi với phóng viên Dân Trí, bác sĩ Quách Thiên Tường Phó giám đốc thường trực - Phụ trách BV Đa khoa Tỉnh Hòa Bình cho biết thêm: Trước tiên bác sĩ Lương sẽ nghỉ ngơi để ổn định tâm lý sau đó sẽ đối chiếu, xem xét các quy định của pháp luật, nếu được phép thì bệnh viện sẽ cho bác sĩ Lương tiếp tục đi làm bình thường.
Trước đó liên quan đến vụ chạy thận ở Hòa Bình làm 8 người tử vong, bác sĩ Hoàng Công Lương (sinh năm 1986, bác sĩ Hoàng Công Lương thường trú tại xóm 9 xã Xủ Ngòi – TP Hòa Bình), Bác sĩ khoa Hồi sức tích cực - Đơn nguyên thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình bị khởi tố về tội vi phạm qui định về chữa bệnh.
Theo cơ quan điều tra, bác sĩ Lương bị bắt tạm giam vì đã thiếu trách nhiệm, vi phạm nghiêm trọng quy định về khám chữa bệnh. Mặc dù chưa nhận được bàn giao việc sửa chữa bằng văn bản, nhưng bác sĩ Lương vẫn tiến hành chạy thận cho các bệnh nhân.
Sau khi bác sĩ Lương bị bắt tạm giam, chiều 27/6, GS.TS Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam, Trưởng khoa Hồi sức tích cực (BV Bạch Mai) gửi đơn kiến nghị lên Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Y tế xem xét lại vụ việc.
Trong đơn kiến nghị, GS Bình đại diện cho hàng trăm đồng nghiệp trong cả nước bày tỏ sự bất ngờ và rất hoang mang, lo lắng trước việc BS Lương là người ra y lệnh chạy thận cho các bệnh nhân bị bắt tạm giam.
Là người trực tiếp tham gia cùng với các đồng nghiệp tại bệnh viện tỉnh Hòa Bình và bệnh viện Bạch mai từ khi sự việc xảy ra đến khi kết thúc, GS Bình phân tích: “Thứ nhất, việc cung cấp nguồn nước đảm bảo theo tiêu chuẩn để lọc máu (các quá trình lọc và khử khuẩn… xét nghiệm, kiểm định sau khi xử lý ...) là trách nhiệm của bệnh viện (Ban giám đốc, các phòng ban, và nhân viên kỹ thuật được phân công), chúng tôi không có chuyên môn kỹ thuật và cũng không được phân công làm công việc này”.
Cũng theo GS Bình, nhân viên y tế (bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên) chỉ là người sử dụng nguồn nước sau khi được bàn giao và thực hiện các quy trình kỹ thuật lọc máu đã được Bộ y tế ban hành.
“Tại bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình kỹ thuật này đã được thực hiện10 năm nay, đã góp phần duy trì và nâng cao chất lượng cuộc sống của hàng trăm người bệnh bị suy thận mãn tính tại địa phương mà không phải chuyển về Hà nội”.
Thứ hai, việc bàn giao thiết bị máy móc trước và sau khi sửa chữa bảo dưỡng trên giấy tờ chỉ là bàn giao về số lượng, chủng loại thiết bị… Nguồn nước khi được bàn giao cho nhân viên y tế để sử dụng, thực hiện kỹ thuật lọc máu cho người bệnh đương nhiên là đã đảm bảo chất lượng.
Vì vậy cơ quan điều tra Công an tỉnh Hòa bình đưa ra kết luận BS Lương không biết chất lượng có đảm bảo hay không mà vẫn đưa vào sử dụng gây tử vong cho bệnh nhân là không thuyết phục”, GS Bình bày tỏ quan điểm.
Ngày 28/6, Bộ Y tế cũng đã đưa ra kiến nghị cơ quan công an xem xét để thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với bác sĩ Lương. Theo đó thay vì tạm giam có thể tại ngoại, không đi khỏi nơi cư trú, tích cực hỗ trợ công tác điều trị. Tuy nhiên thẩm quyền quyết định là thuộc cơ quan công an.
Ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế phân tích, bị can Hoàng Công Lương bị khởi tố vì tội danh vi phạm quy định khám chữa bệnh. Theo đó bác sĩ Lương chưa nhận được bàn giao sửa chữa bằng văn bản vẫn tiến hành chạy thận nhân tạo cho bệnh nhân.
“Hội đồng chuyên môn xác định quy trình lọc máu cho bệnh nhân, bệnh viện vẫn thực hiện đúng quy trình. Như vậy về chuyên môn đúng quy trình nhưng thủ tục hành chính là chưa chuẩn. Vì thế phải xác định ở đây không vi phạm các quy định chuyên môn, lỗi không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến chết người, mà vi phạm quy tắc thủ tục hành chính. Trong trường hợp này, BS Lương không thể biết được về chất lượng nước. Dẫn đến hệ quả này là cả một chuỗi sự việc liên quan đến hai bị can còn lại thực hiện nhiệm vụ trước đó, nên dù có thể chờ đủ thủ tục hành chính, lúc đó BS ra y lệnh tiến hành chạy thận thì tai biến vẫn xảy ra”, ông Quang phân tích.
Ông Quang cũng cho rằng sự việc này cũng là bài học kinh nghiệm quý với thầy thuốc, nhân viên y tế trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Ngoài vấn đề chuyên môn, nhân viên y tế cần tuân thủ hành chính, đây là nguyên tắc tối thượng để bảo vệ quyền lợi của mình.
Sau đó ngày 29/6, GS.TS Lê Gia Vinh, Phó Chủ tịch Kiêm Tổng thư ký Tổng hội y học Việt Nam cũng có công văn chính thức gửi Công an tỉnh Hòa Bình và Việt Kiểm sát Nhân dân tỉnh Hòa Bình.
Trong đơn kiến nghị tới Công an tỉnh Hòa Bình và Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Hòa Bình, Tổng hội y học khẳng định sự cố y khoa vừa qua là hết sức nghiêm trọng và việc Công an tỉnh Hòa Bình khởi tố vụ án là cần thiết để làm rõ trách nhiệm của cá nhân liên quan.
Đồng thời, nhất trí cao với kiến nghị của Hội Hồi sức cấp cứu chống độc Việt Nam - một thành viên của Tổng hội - Hội khẳng định lỗi của BS Hoàng Công Lương là thiếu sót về thủ tục hành chính.
Tổng hội đề nghị Công an tỉnh Hòa Bình cho bác sĩ Lương được tại ngoại trong quá trình điều tra theo các điều của Bộ Luật tố tục hình sự đã được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khoáng XIII kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 27/11/2015.
Đặc biệt, Tổng Hội đề nghị các cơ quan tố tục xem xét đầy đủ các yếu tố khách quan, nhằm tránh oan sai, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của BS Hoàng Công Lương.
Đàm Quang