Vụ quan tài sản phụ diễu phố: Bác sĩ thờ ơ hay đã làm hết sức?
(Dân trí) - Trong khi người nhà sản phụ Nguyễn Thị Xuân cho rằng sự thờ ơ, vô cảm, tắc trách của bác sĩ BV ĐK huyện Thiệu Hóa gây ra cái chết cho con cái họ thì PGĐ Bệnh viện (có mặt trong kíp trực) giải thích rằng đã làm hết sức.
“Đẻ thì phải đau chứ!”
Gần một tuần trôi qua nhưng vụ mẹ con sản phụ Nguyễn Thị Xuân (xã Thiệu Phúc, huyện Thiệu Hóa- Thanh Hóa) tử vong tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thiệu Hóa vẫn khiến dư luận vô cùng bức xúc.
Bởi theo phản ánh của người nhà nạn nhân, trong lúc chị Xuân bắt đầu có những biểu hiện phức tạp, họ đã nhiều lần cầu xin bác sĩ cho mổ nhưng vẫn không được sự đồng ý của kíp trực.
Cụ thể là khoảng 18h ngày 17/10, chị Xuân được đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Thiệu Hóa. Người tiếp nhận và làm xét nghiệm, siêu âm cho sản phụ Xuân là bác sĩ Lê Xuân Dũng. Đến 3h sáng 18/10, chị Xuân lên cơn đau dữ dội, khác thường. Chị Nguyễn Thị Ca (chị gái của nạn nhân) kể lại: “Khi tôi sang, em gái tôi cứ níu lấy tôi mà la chị ơi gọi bác sĩ cứu em với. Thấy em như thế, tôi đau từng khúc ruột, liền chạy sang phòng để gọi y tá trực. Khi đó y tá trực Tâm chạy sang phòng, nhìn thấy em tôi như thế rồi quay về phòng đắp chăn ngủ. Trong khi đó em gái tôi càng lúc càng kêu tức ngực khó thở, mắt dại đi”.
“Một lúc sau thấy em tôi vẫn cầu cứu, giọng càng ngày càng yếu dần, tôi lại một lần nữa gõ cửa phòng bác sĩ Tâm. Lúc này, bác sĩ Tâm sang xem và nói: “Đẻ thì phải đau chứ!”, “Lạnh thì lấy nhiều chăn mà đắp” rồi lại bỏ đi. Khoảng 10 phút sau, gia đình lại sang cầu cứu, bác sĩ Tâm mới cho chuyển lên phòng đẻ ở tầng hai”, chị Ca bức xúc.
“Gia đình tôi phải tận tay đưa em tôi lên phòng đẻ chứ không có sự hỗ trợ của đội ngũ y bác sĩ ở đây. Lên tầng 2, bác sĩ Tâm chỉ xem tử cung đã mở hay chưa chứ không tính đến chuyện có phải phẫu thuật mổ bắt con hay không. “Chờ một lúc, bác sĩ Tâm đi ra nói với gia đình: “Mới mở có hai phân thôi, chưa đẻ được đâu!” rồi lại xuống phòng trực nằm”, anh Hòa (em trai của sản phụ Xuân) cho biết.
Cho đến gần 4h sáng, người nhà sản phụ Xuân đã đi gọi Bác sĩ Lê Xuân Dũng yêu cầu mổ bắt con. Bác sĩ Dũng gọi điện cho bác sĩ mổ và gọi báo cáo ông Lê Văn Định, Phó Giám đốc bệnh viện (nằm trong kíp trực lãnh đạo) và việc quyết định mổ cho chị Xuân được kíp trực tiến hành 1 khoảng thời gian sau đó.
Cũng theo người nhà nạn nhân, sau khi người thân của họ tử vong, đội ngũ y bác sĩ rời phòng mổ và không có một động thái gì đối với người nhà. Còn người nhà thấy chị Xuân không kêu la nữa thì ngỡ chị đã được tiêm thuốc mê để mổ. Chờ lâu không thấy tiếng trẻ khóc, sốt ruột, bà Ca hỏi bác sĩ đi ra thì nhận được câu trả lời: “Bé yếu, đang chăm sóc”.
“Đến khoảng 5h20 thì các bác sĩ phẫu thuật cũng như y tá lẳng lặng đi ra, hỏi gì cũng không nói, mãi đến hơn 6h ngày 18/9, gia đình chờ mãi không thấy ai thông báo gì cũng không thấy có bác sĩ, y tá nào ra vào phòng mổ mới chạy vào thì thấy cảnh tượng kinh hoàng: Em tôi được quấn một đống giẻ, bên cạnh là cháu bé đỏ hỏn, thân thể vẫn dính đầy máu me. Không có bất kỳ bác sĩ, y tá nào trong phòng”, chị Ca đau đớn kể lại.
Sao cứ là thuyên tắc mạch ối?
“Diễn biến bệnh tình của nạn nhân diễn ra quá nhanh. Rất có thể nguyên nhân dẫn đến sản phụ Xuân tử vong là thuyên tắc mạch ối. Mà đã mắc bệnh này thì rất khó tiên lượng, chẩn đoán và xử lý”, ông Định phân trần.
Nguyễn Thùy