Vụ bé 5 tháng tuổi tử vong sau tiêm Quinvaxem: Do sốc phản vệ!

(Dân trí) - Tối 26/11, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có thông báo chính thức về nguyên nhân tử vong của bé gái 5 tháng tuổi tại Bạc Liêu sau tiêm vắc xin Quinvaxem. 94 trẻ được tiêm vắc xin Quinvaxem cùng đợt với em bé tử vong sức khỏe hoàn toàn ổn định.

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, ngay sau khi có thông tin về bé gái 5 tháng tuổi tại xã Hưng Phú, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu tử vong sau tiêm chủng, ngày 26/11/2013, Bộ Y tế đã cử đoàn chuyên gia của Ban Điều hành tiêm chủng phía Nam, Bệnh viện Nhi đồng I, Bệnh viện Nhi Cần Thơ cùng với Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá tai biến trong quá trình sử dụng vắc xin và sinh phẩm y tế tỉnh Bạc Liêu đã tiến hành điều tra, đánh giá nguyên nhân.

Sau cuộc họp, Hội đồng chuyên môn khẳng định, có thể loại trừ nguyên nhân tử vong do vắc xin, bởi Trạm Y tế xã Hưng Phú đã tiêm vắc xin Quinvaxem cho 77 cháu khác trước đó và trong ngày 24/11/2013 đã tiêm cho 17 cháu. Tất cả các cháu được tiêm đều bình thường. Lô vắc xin này đã được kiểm tra chất lượng trước khi sử dụng.

Nguyên nhân do thực hành tiêm chủng cũng được loại trừ, bởi qua kiểm tra,  điểm tiêm chủng tại xã Hưng Phú đáp ứng đầy các quy trình chuyên môn về công tác an toàn tiêm chủng như vấn đề khám sàng lọc, tư vấn trước và theo dõi trẻ 30 phút sau tiêm chủng tại cơ sở y tế, vắc xin được bảo quản đúng quy định.

Hội đồng chuyên môn kết luận, nguyên nhân trường hợp tử vong của cháu bé tại Bạc Liêu là do suy hô hấp, suy tuần hoàn sau tiêm có thể do sốc phản vệ trên cơ địa quá mẫn song chưa loại trừ nguyên nhân do trùng hợp bệnh lý khác gây tử vong.

Về các trường hợp sốc phản vệ sau tiêm, PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, có khoảng 20 trường hợp/1triệu liều sử dụng. Trường hợp tử vong nêu trên được ghi nhận là một trường hợp trong tổng số gần 400.000 liều vắc xin Quinvaxem đã được sử dụng lại từ tháng 10 năm 2013 đến nay.

Về sự trùng hợp các bệnh lý gây tử vong ở trẻ dưới 1 tuổi, theo thống kê tại Việt Nam, tỷ lệ tử vong của trẻ dưới 1 tuổi là 15,8‰, tương đương với mỗi ngày có khoảng 70 trẻ dưới 1 tuổi tử vong. Số liệu này của Trung Quốc là 18‰  tương đương mỗi ngày có 900 trẻ tử vong, của Phi-lip-pin là 26‰, tương đương 158 trẻ tử vong mỗi ngày. Tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới 1 tuổi tại Mỹ là 6,4‰ tương đương với mỗi ngày có khoảng 70 trẻ tử vong.

Tại Việt Nam, từ khi triển khai tiêm trở lại vắc xin Quinvaxem sau 5 tháng tạm ngừng tiêm, đã có 2 trường hợp tử vong sau tiêm ngừa. Trong đó, trường hợp bé 3 tháng tuổi ở xã A Dơi, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị đã được khẳng định trẻ tử vong do viêm phổi (có kết quả giải phẫu tử thi). Trường hợp tại Bạc Liêu là ca thứ hai tử vong sau tiêm chủng cũng đã được Hội đồng chuyên môn kết luận loại trừ nguyên nhân do vắc xin.

Theo ông Phu, trước khi tiêm trở lại vắc xin Quinvaxem, Bộ Y tế đã tăng cường rà soát, xiết chặt việc đảm bảo an toàn tiêm chủng. Tính đến nay, toàn quốc đã tiến hành thanh tra, kiểm tra được tổng số 12.102 điểm tiêm chủng cố định trên toàn quốc (tỷ lệ điểm tiêm chủng đã kiểm tra là 86%. Tỷ lệ các điểm tiêm đạt yêu cầu theo quy định là trên 90%. Bộ Y tế tiếp tục theo dõi chặt chẽ quá trình triển khai các hoạt động tiêm chủng mở rộng trong đó có việc tiêm vắc xin Quinvaxem để chỉ đạo kịp thời đối với các tình huống xảy ra, nhằm đảm bảo công tác tiêm chủng mở rộng an toàn và hiệu quả nhất.

Hồng Hải