1.000 người được ghép tạng trong một năm

Hồng Hải

(Dân trí) - Trong năm 2023, có 1.000 người Việt Nam được ghép tạng. Tuy nhiên, bệnh nhân được ghép tạng chủ yếu từ nguồn tạng hiến người cho sống, trong khi chỉ có 12 người chết não hiến tạng.

Thông tin trên được PGS.TS Đồng Văn Hệ, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho biết tại Hội thảo về hiến, lấy, ghép và điều phối mô tạng tại Việt Nam diễn ra trong 2 ngày  16-17/7 tại Hà Nam.

Theo PGS Hệ, trong năm 2023, với số lượng 1.000 người được ghép tạng, Việt Nam trở thành nước có số người được ghép tạng nhiều nhất Đông Nam Á.

"Nhu cầu người bệnh cần ghép tạng là rất lớn, nhưng vì thiếu nguồn tạng từ người cho chết não nên phải lấy tạng từ nguồn tạng từ người hiến sống. Trong năm 2023, chỉ có 12 người chết não hiến tạng", PGS Hệ thông tin.

1.000 người được ghép tạng trong một năm - 1

Một bệnh nhân được ghép tim thành công (Ảnh: Bệnh viện Việt Đức).

Theo đó, tỉ lệ hiến tạng từ người chết não tại Việt Nam chỉ có 0,15/1 triệu dân, trong khi tỉ lệ này trên thế giới là 50 người/1 triệu dân. Điều này cho thấy số người hiến tạng khi chết não tại Việt Nam rất thấp.

Cũng theo chuyên gia này, với người cho sống, chỉ có thể cho một tạng như gan, thận, trong khi đó, với nguồn hiến tạng từ người cho chết não, chết tim, một người có thể hiến được 8 tạng (2 thận, 2 gan, 2 phổi, tim, tuyến tụy; ngoài ra còn giác mạc…). 

1.000 người được ghép tạng trong một năm - 2

PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại hội nghị (Ảnh: BTC).

Phát biểu tại hội thảo, PGS Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế đánh giá, vận động hiến tạng từ người cho chết não ở Việt Nam còn rất khó khăn.

"Khó khăn chủ yếu liên quan đến vận động đăng ký hiến tạng vẫn là quan niệm, nhận thức của người dân là chết phải toàn thây, e ngại đụng vào thân thể người thân sau chết; sợ ảnh hưởng gia đình; chưa thấy hiến tạng là văn hóa, trách nhiệm và từ bi với cộng đồng", PGS Tiến nói.

Ngoài ra, người dân còn chưa hiểu rõ về cách thức đăng ký hiến tạng, cần hướng dẫn đơn giản, dễ tiếp cận cho người dân.

Trong khi đó, Đại đức Thích An Đạt, Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định, địa táng hay "chết toàn thây" không phải là quan niệm của nhà Phật.

Đại đức Thích An Đạt cho biết, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đang có chương trình phối hợp truyền thông cho cộng đồng để biết hiến mô tạng là một trong những thực hành theo tinh thần từ bi của nhà Phật.

PGS Tiến cũng đề nghị cần điều chỉnh các quy định của pháp luật để làm tăng cơ hội hiến tạng sau chết não, như tuổi hiến tạng; chế độ cho người hiến tạng và gia đình; cơ chế tài chính về chi phí, thanh toán cho vận động hiến, ghép và sau ghép…

Chuyên gia này cho biết, ở nhiều nước trên thế giới, thực hiện hiến tạng rất đơn giản. Sau khi chết não, chỉ cần có sự đồng ý của gia đình hiến tạng (có nước không cần gia đình đồng ý); trên bằng lái xe có ký hiệu đã đồng ý hiến tạng sau chết... là đều được thực hiện hiến tạng.

Trong khi đó tại Việt Nam, có những trường hợp người bệnh có đăng kí hiến tạng sau trước khi chết não, khi đa phần người thân đã đồng ý, chỉ một người bà con phản đối, là việc hiến tạng khó có thể thực hiện.

Bên cạnh đó, thời gian điều phối tạng còn gặp nhiều khó khăn, như ca chết não hiến tạng tại Phú Thọ, Trung tâm điều phối chọn 58 bệnh nhân, nhưng sau 16 giờ điều phối mới chọn được 2 bệnh nhân. 56 bệnh nhân còn lại là đã tử vong hoặc từ chối nhận tạng.

"Ca chết não gần đây nhất phải liên hệ tới 119 bệnh nhân trong thời gian 16 giờ mới xác định được 5 bệnh nhân nhận (gan, thận, tim)", PGS Hệ nói.

PGS Hệ cho biết, từ tháng 8/2024, công tác hiến, ghép bộ phận cơ thể người sẽ được đưa vào chương trình đào tạo thường quy tại Đại học Y Hà Nội. Nội dung đào tạo gồm: Ghép tạng, Hiến mô tạng, Luật hiến mô tạng, Chết não, Phát hiện và quản lý chết não tiềm năng... nhằm tăng cường được nguồn tạng hiến cho người bệnh.