Việt Nam sẽ tham gia thử nghiệm vaccine ngừa lao mới

Nam Phương

(Dân trí) - Việt Nam là 1 trong 7 nước sẽ tham gia vào thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vaccine ngừa lao mới. Đây là vaccine sử dụng công nghệ ADN, khác với vaccine đang tiêm cho trẻ chứa vi khuẩn lao bất hoạt.

Thông tin được Tiến sĩ Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương chia sẻ bên lề buổi ra mắt hệ thống giám sát và quản lý thông tin bệnh lao phiên bản nâng cấp VITIMES diễn ra sáng 30/11 tại Hà Nội. 

Theo TS Lượng, Việt Nam được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chỉ định là 1 trong 7 nước tham gia thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vaccine ngừa lao mới. Dự kiến các hoạt động sẽ bắt đầu trong năm 2024. Các quy trình kỹ thuật đều được thực hiện dưới sự giám sát của WHO. 

Việt Nam sẽ tham gia thử nghiệm vaccine ngừa lao mới - 1

Tiến sĩ Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương (Ảnh: N.Phương).

"Vaccine ngừa lao mới này khác biệt hẳn với vaccine ngừa lao hiện tiêm cho trẻ. Vaccine này áp dụng công nghệ ADN giống với nguyên lý của vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer. Vaccine lao tại Việt Nam hiện nay là BCG (Bacillus Calmette-Guerin), chứa vi khuẩn gây bệnh lao ở dạng bất hoạt độc lực", TS Lượng cho biết.

Theo ông, hiệu quả của các vaccine được sản xuất theo công nghệ mới thường rất cao. Thời gian nghiên cứu vaccine khoảng 4-7 năm. 

Với hiệu lực bảo vệ của vaccine lao mới, WHO ước tính, trong 25 năm tới loại vaccine này có khả năng ngăn chặn 8,5 triệu ca tử vong do bệnh lao trên toàn cầu.

Việt Nam hiện xếp thứ 11 trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao cao nhất trên thế giới. Với dân số 100 triệu dân, mỗi năm nước ta có gần 200.000 ca mắc lao mới được phát hiện, chẩn đoán, điều trị. 

Trong 2 năm diễn ra dịch Covid-19, công tác phòng chống lao tại Việt Nam chịu những ảnh hưởng rất nghiêm trọng. Năm 2022 đã chứng minh cho sự phục hồi mạnh mẽ của Chương trình chống lao Quốc gia, với số phát hiện bệnh lao tăng gần 31% so với năm 2021. 

Việt Nam đặt mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2035. Hệ thống giám sát và quản lý thông tin bệnh lao phiên bản nâng cấp kỳ vọng sẽ giúp giám sát ca bệnh lao và lao tiềm ẩn, quản lý chương trình thông qua các công cụ nâng cao nhằm góp phần củng cố dịch vụ điều trị và dự phòng lao tại Việt Nam trong những năm tiếp theo.  

Hệ thống này là kết quả dự án USAID Hỗ trợ chấm dứt bệnh lao do Tổ chức Sức khỏe Gia đình Quốc tế (FHI 360) triển khai. Dự án hỗ trợ chương trình chống lao ở cấp quốc gia và tại 9 tỉnh (An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Khánh Hòa, Kiên Giang, Sóc Trăng, Tây Ninh và Tiền Giang).

Hệ thống cũ được xây dựng từ năm 2010 nhằm quản lý bệnh nhân lao nhạy cảm, chưa tích hợp được các thông tin về lao kháng thuốc, lao tiềm ẩn… 

Việt Nam sẽ tham gia thử nghiệm vaccine ngừa lao mới - 2

Bà Aler Grubbs, Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ USAID tại Việt Nam (Ảnh: N.Phương).

Bà Aler Grubbs, Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ USAID tại Việt Nam, cho biết, việc nâng cấp hệ thống giám sát và quản lý thông tin bệnh lao là một phần quan trọng trong hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Trong đó, áp dụng sáng kiến mới, cách làm mới để phục vụ công tác phòng chống lao tốt hơn, tăng cường phát hiện ca bệnh để tất cả mọi người mắc lao đều nhận được các dịch vụ, chăm sóc cần thiết. 

"Hệ thống giám sát lao cũng hỗ trợ số liệu chi tiết để cải thiện ứng phó với bệnh. Khi có đầy đủ dữ liệu về lao kháng thuốc, lao nhạy cảm.., chúng ta sẽ có biện pháp ứng phó tốt hơn với các vấn đề phát sinh", bà Aler Grubbs khẳng định.