Việt Nam đang đứng ở đâu trong bản đồ ghép tế bào gốc thế giới?

Hoàng Lê

(Dân trí) - Lãnh đạo bệnh viện đầu ngành về huyết học khu vực phía Nam chia sẻ, kỹ thuật ghép tế bào gốc của Việt Nam hiện đã tiếp cận đến tầm châu Á. Dù vậy, vẫn còn những khó khăn.

Ngày 24/11, Hội nghị Truyền máu huyết học phía Nam mở rộng và Hội nghị Ghép tủy xương - Tế bào gốc tạo máu Việt - Pháp lần thứ 7 đã khai mạc tại TPHCM.

Tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2 Phù Chí Dũng, Giám đốc Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TPHCM cho biết, khoảng 10 năm gần đây, việc ghép tế bào gốc (điều trị những bệnh nhân huyết học, ung thư) của Việt Nam đã phát triển rất mạnh mẽ, cả về kỹ thuật ghép lẫn việc ra đời các trung tâm ghép mới.

Việt Nam đang đứng ở đâu trong bản đồ ghép tế bào gốc thế giới? - 1

Bệnh viện Truyền máu Huyết học TPHCM đã thực hiện kỹ thuật ghép tế bào gốc từ lâu (Ảnh: Hoàng Lê).

Hiện nay, Việt Nam gần như đã thực hiện được tất cả các kỹ thuật ghép tế bào gốc tạo máu, từ ghép tự thân đến ghép đồng loại, dị ghép, ghép tủy xương, ghép ngoại vi… Gần đây từ năm 2021, các bác sĩ trong nước đã triển khai được kỹ thuật ghép có sử dụng tia xạ toàn thân trong phác đồ hóa trị diệt tủy (TBI).

Tính riêng ở Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TPHCM, số bệnh nhân được ghép tế bào gốc ngày càng tăng. Cụ thể trong năm 2023, đơn vị thực hiện 80 ca ghép, tăng 20 ca so với năm trước đó. Bệnh viện cũng hỗ trợ một số nơi như Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Ung bướu TPHCM về đào tạo, chuyển giao các kỹ thuật ghép tế bào gốc.

Trả lời câu hỏi Việt Nam đang đứng ở đâu trong bản đồ ghép tế bào gốc khu vực và thế giới, bác sĩ Dũng chia sẻ, nhiều năm trước đây một số người bệnh còn chưa tin tưởng nhiều vào kỹ thuật điều trị tại Việt Nam, nên sẽ sang các nước khác như Singapore, Thái Lan hay Đài Loan.

Tuy nhiên gần đây, số ca thuộc diện trên đã giảm rất nhiều. Kỹ thuật điều trị của Việt Nam hiện đã ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực và dần tiếp cận đến tầm châu Á.

Việt Nam đang đứng ở đâu trong bản đồ ghép tế bào gốc thế giới? - 2

Ca ghép tế bào gốc tạo máu tự thân đầu tiên tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM, dưới sự hỗ trợ của Bệnh viện Truyền máu - Huyết học (Ảnh: BV).

Dù vậy, vẫn còn những khó khăn nhất định. Theo đó, ở kỹ thuật dị ghép đồng loại, trong trường hợp gia đình có ít con, tỷ lệ tìm được người cho tế bào gốc phù hợp chỉ khoảng 25%. Do đó, rất cần có nguồn tế bào gốc từ người hiến không cùng huyết thống.

Trên thế giới đã có các ngân hàng tế bào gốc, tuy nhiên vì khoảng cách xa, khác biệt nguồn gen, di truyền học nên khả năng tìm kiếm tế bào gốc phù hợp cho bệnh nhân Việt sẽ thấp hơn so với nguồn cho tại chỗ.

Do đó, cần cố gắng sớm xây dựng luật cụ thể về hiến tặng tế bào gốc tạo máu, trong đó có cho tủy xương, tế bào gốc tạo máu ngoại vi. Đó là điều căn bản để các quy định về triển khai ngân hàng tế bào gốc phục vụ việc điều trị được ban hành, khi bệnh nhân không có người cho cùng huyết thống phù hợp.

Việt Nam đang đứng ở đâu trong bản đồ ghép tế bào gốc thế giới? - 3

Ngân hàng tế bào gốc tại Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).

"Gần đây ở Đài Loan, sau khi có ngân hàng tiếp nhận người hiến tế bào gốc, số ca ghép đã tăng vọt… Tại Việt Nam, người hiến máu luôn sẵn sàng, người hiến tủy và tế bào gốc cũng không phải thiếu. Vấn đề là chúng ta chưa triển khai kịp", Giám đốc Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TPHCM dẫn chứng.

Cần đảm bảo không đứt gãy cung ứng thuốc đặc trị, thuốc hiếm

Trước đó, khi trao đổi với phóng viên Dân trí vào thời điểm đầu năm, bác sĩ Phù Chí Dũng cho biết, dù chi phí điều trị ung thư máu tại Việt Nam thuộc hàng thấp nhất thế giới (chỉ bằng 1/5 tại Singapore và khoảng 1/50 tại Mỹ), nhưng so với thu nhập bình quân của người dân vẫn còn rất cao.

Nhiều bệnh nhân có phác đồ điều trị kéo dài phải dùng nhiều thuốc ngoài danh mục bảo hiểm và tiêu tốn hàng trăm triệu đồng. Nếu gia đình có hoàn cảnh khó khăn sẽ dễ lâm vào khánh kiệt.

Ngoài ra, để điều trị ung thư nói chung, ung thư máu nói riêng cần có sự đầu tư rất lớn, từ cơ sở hạ tầng, hóa chất, máy móc xét nghiệm đến nguồn nhân lực, nên y tế cơ sở gần như không thể đáp ứng được. Điều này vô hình chung đẩy gánh nặng điều trị cho tuyến cuối.

Lãnh đạo Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TPHCM kiến nghị các nhà cung ứng và cơ quan quản lý có chính sách đảm bảo việc cung ứng thuốc liên tục, tránh đứt đoạn, đặc biệt là đối với các thuốc đặc trị, thuốc hiếm cần nhập khẩu.

Đối với những cập nhật điều trị tiên tiến trên thế giới, bệnh viện kiến nghị các cơ quan quản lý sớm cấp phép cho các thuốc, phương pháp điều trị đặc hiệu thế hệ mới. Song song đó, cũng cần thanh toán bảo hiểm y tế cho người bệnh, khi các thuốc và các kỹ thuật này được triển khai.