10 năm sau khi ghép tế bào gốc, nữ bệnh nhân ung thư máu vẫn sống khỏe mạnh

Hồng Hải

(Dân trí) - Chị H.T.H. (Liên Bảo, Vĩnh Phúc) là một trong những bệnh nhân đầu tiên được ghép tế bào gốc đồng loài chữa ung thư vú tại Bệnh viện Bạch Mai năm 2013. Đến nay, chị vẫn có sức khỏe ổn định.

Tại Lễ tổng kết 10 năm ghép tế bào gốc tạo máu và Hội nghị Khoa học quốc tế Việt - Hàn diễn ra ngày 27/10, TS.BS Nguyễn Tuấn Tùng, Giám đốc Trung tâm Huyết học và Truyền máu, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, chia sẻ về nhiều ca bệnh ung thư máu được chữa khỏi bằng ghép tế bào gốc.

Tại Việt Nam, ung thư máu gặp phổ biến, với khoảng 6.300 ca ung thư máu mới mỗi năm. Riêng tại Bệnh viện Bạch Mai, luôn có 120-150 bệnh nhân điều trị nội trú, là một trong 3 cơ sở điều trị bệnh máu ác tính lớn của cả nước.

10 năm sau khi ghép tế bào gốc, nữ bệnh nhân ung thư máu vẫn sống khỏe mạnh - 1

Sau 10 năm được ghép tế bào gốc, chị H. khỏe mạnh, vẫn đi trực, đi làm như các đồng nghiệp khác (Ảnh: M.T).

Theo TS Tùng, điều trị bệnh máu bằng hóa trị giúp lui bệnh và kéo dài cuộc sống. Tuy nhiên, hóa trị có nhiều độc tính, tác dụng phụ, quan trọng nhất là bệnh khó khỏi bệnh hoàn toàn, có thể tái phát sớm.

Phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu cải thiện thời gian sống thêm và sống toàn bộ so với hóa trị liệu đơn thuần.

TS Tùng cho biết: "Tiên lượng sống của các bệnh nhân ung thư máu tùy tình trạng, nhưng ghép tế bào gốc tạo máu thì cơ hội sống thêm 5 năm đạt trên 50%, cao hơn nhiều so với chỉ điều trị hóa trị liệu đơn thuần".

10 năm sau khi ghép tế bào gốc, nữ bệnh nhân ung thư máu vẫn sống khỏe mạnh - 2

Bệnh nhân được điều trị tại Trung tâm Huyết học và Truyền máu, Bệnh viện Bạch Mai (Ảnh: M.T).

Chị H.T.H. (Liên Bảo, Vĩnh Phúc) là một trong những bệnh nhân đầu tiên được ghép tế bào gốc đồng loài tại viện năm 2013. Đến nay, sau 10 năm ghép, sức khỏe của chị vẫn hoàn toàn khỏe mạnh, đi làm bình thường.

"Sau 10 năm 2 tháng phát hiện ung thư máu, hiện tại tôi khỏe mạnh, đi làm, tham gia trực, làm nhiệm vụ y tế như tất cả các đồng nghiệp khác", chị H. chia sẻ.

TS Tùng cho biết, cấy ghép tế bào gốc tạo máu là quá trình phục hồi tế bào gốc tạo máu cho các bệnh nhân ung thư đã trải qua hóa trị liệu liều cao. Bởi quá trình tị liệu liều cao không những tiêu diệt tế bào ung thư mà còn tiêu diệt cả tế bào gốc trong tủy xương.

Khi cấy ghép tế bào gốc, các tế bào gốc tạo máu khỏe mạnh được truyền vào cơ thể bệnh nhân. Khi vào trong cơ thể, các tế bào gốc này sẽ di chuyển về tủy xương và thay thế các tế bào gốc đã bị phá hủy do hóa xạ trị.

Đến nay, Bệnh viện Bạch Mai đã ghép tế bào gốc cho 106 bệnh nhân, chủ yếu mắc các bệnh như đa u tủy xương, u lympho, lơ xi mi cấp, rối loạn sinh tủy. Trong đó, 84 bệnh nhân ghép tự thân và 22 ca ghép đồng loại (từ anh em ruột, máu dây rốn hoặc bố mẹ).

PGS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, tháng 9/2012, Bệnh viện triển khai ghép tế bào gốc tạo máu để điều trị bệnh lý huyết học.

Đến nay Trung tâm đã thực hiện ghép được hàng trăm người bệnh, nhiều người bệnh mắc bệnh lý ác tính được ghép tế bào gốc đã ổn định và trở về cuộc sống bình thường.

Đến nay, ghép tế bào gốc chữa bệnh về máu đã được thực hiện thường quy tại bệnh viện, với 4 phòng ghép đạt tiêu chuẩn quốc tế.

"Thời gian tới, bệnh viện sẽ mở rộng phạm vi ghép cho bệnh nhi, người lớn tuổi; tập trung kỹ thuật mới như liệu pháp miễn dịch tế bào, ghép tế bào gốc điều trị các bệnh tự miễn, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới", PGS Cơ thông tin.