1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Vì sao bệnh viện trị ung thư đầu ngành ở TPHCM chưa thể ghép tế bào gốc?

Hoàng Lê

(Dân trí) - Bệnh viện Ung bướu TPHCM là cơ sở điều trị ung thư hàng đầu, tuyến cuối tại khu vực phía Nam nhưng đến nay vẫn chưa triển khai được việc ghép tế bào gốc.

Trao đổi với phóng viên Dân trí bên lề hội nghị khoa học kỹ thuật Bệnh viện Ung bướu TPHCM năm 2023, TS.BS Đặng Huy Quốc Thịnh, Phó Giám đốc Bệnh viện chia sẻ, sắp tới, nơi này sẽ bắt đầu triển khai kỹ thuật ghép tế bào gốc - một kỹ thuật tiên tiến trong điều trị ung thư, đặc biệt là các bệnh lý về mặt huyết học.

Vì sao bệnh viện trị ung thư đầu ngành ở TPHCM chưa thể ghép tế bào gốc? - 1

Bệnh viện Ung bướu TPHCM là cơ sở đầu ngành điều trị ung thư tại khu vực phía Nam (Ảnh: Hoàng Lê).

Dù vậy, để thực hiện được cần có lộ trình. Bệnh viện Ung bướu TPHCM đã ký thỏa thuận hợp tác ghi nhớ với Bệnh viện Truyền máu huyết học TPHCM, để các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm của đơn vị bạn sẽ cùng đồng hành triển khai ghép tế bào gốc.

"Đơn vị ghép tế bào gốc của chúng tôi mới bắt đầu hoạt động, nhưng ở mức độ rất sơ khai, đến nay vẫn chưa có bệnh nhân ghép" - TS.BS Thịnh nói.

Lý giải nguyên nhân vì sao Bệnh viện Ung bướu TPHCM là cơ sở điều trị ung thư hàng đầu, tuyến cuối tại khu vực phía Nam nhưng đến nay vẫn chưa triển khai được việc ghép tế bào gốc, trong khi một số đơn vị khác đã làm những năm qua (như Bệnh viện Truyền máu Huyết học, Bệnh viện Nhi đồng 2), TS.BS Thịnh cho biết, đây là câu hỏi liên quan đến cái nhìn chiến lược.

Vì sao bệnh viện trị ung thư đầu ngành ở TPHCM chưa thể ghép tế bào gốc? - 2

Bệnh viện Truyền máu Huyết học TPHCM đã thực hiện kỹ thuật ghép tế bào gốc từ lâu (Ảnh: Hoàng Lê).

Thứ nhất, trước đây cơ sở 1 của bệnh viện rất chật chội, điều kiện an toàn chưa đảm bảo. Do đó dù đã chuẩn bị về mặt nhân lực, cử bác sĩ đi học ghép tế bào gốc nhưng không thể thực hiện, vì thiếu thốn về cơ sở vật chất. Trong khi đó, để có thể xây dựng một khu ghép tế bào gốc, ghép tủy đòi hỏi rất nghiêm ngặt quy trình thực hiện, các thông số về môi trường, để đảm bảo bệnh nhân không bị nhiễm trùng.

Thứ hai, đầu tư xây dựng đơn vị ghép tế bào gốc cần chi phí rất lớn, lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Đến nay, bệnh viện may mắn đã có được cơ ngơi mới ở TP Thủ Đức (quy mô 5.800 tỷ đồng), trong đó có khoa Ghép tế bào gốc. Vì chưa có bệnh nhân, khu vực trên đang dùng chăm sóc cho các trường hợp ung thư huyết học nặng, suy tủy sau quá trình điều trị.

"Đối với bệnh nhân ghép tủy, kỹ thuật điều trị là làm sao cho tủy bệnh nhân bị suy hết, sau đó lấy tế bào đã hư ra và ghép tế bào lành trở lại. Dự kiến quý II của năm 2023 (trong 2-3 tháng nữa), bệnh viện sẽ tiến hành kỹ thuật trên" - Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM nói.

TS.BS Thịnh nhận định, khi bệnh viện có cơ ngơi mới khang trang, hiện đại hơn thì lòng tin của bệnh nhân tăng lên, kéo theo số bệnh nhân đến khám chữa bệnh ngày càng nhiều.

Vì sao bệnh viện trị ung thư đầu ngành ở TPHCM chưa thể ghép tế bào gốc? - 3

Bệnh nhân đến khám và điều trị tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM, cơ sở 2 (Ảnh: Hoàng Lê).

Đây là một thách thức, không chỉ cho bệnh viện mà còn cho các cơ sở điều trị ung thư nói chung. Đến nay sau 3 tháng chính thức đi vào hoạt động, cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu TPHCM có số bệnh nhân tăng khoảng 10% so với cơ sở 1 (ở quận Bình Thạnh).

"Có những thời điểm, mỗi ngày chúng tôi phải khám đến 6.000-7.000 bệnh nhân ở cơ sở 2. Do đó, rất cần thiết có sự điều phối để tránh lặp lại chuyện quá tải, bệnh nhân ung thư phải chờ đợi quá lâu như trước.

Ngành y tế TPHCM đã xây dựng chiến lược, trong đó phân cấp quyền hạn, để các cơ sở điều trị ung thư của TPHCM có sự phối hợp, cùng với Bệnh viện Ung bướu tham gia chẩn đoán, điều trị và tầm soát phát hiện sớm bệnh" - TS.BS Thịnh chia sẻ.