Viên uống chống nắng có thực sự thần kỳ như quảng cáo?
(Dân trí) - Nhiều loại viên uống chống nắng được quảng cáo giúp chị em "đi nắng, đi biển bất chấp, không đen". Vậy thực chất công dụng của chúng như thế nào và có thể thay thế được kem chống nắng không?
Các sản phẩm viên uống chống nắng được rao bán trên mạng, với đủ lời chào mời như "đi nắng, đi biển bất chấp, không đen", "kem chống nắng chỉ chống nắng vật lý, hóa học, còn viên uống là chống nắng sinh học chống lại ánh sáng mặt trời đồng nhất"...
Các sản phẩm này thường là hàng xách tay, có giá bán dao động từ 150.000 đồng đến 2,5 triệu đồng /hộp tùy loại.
Bác sĩ Phạm Thị Thảo, Phó khoa phụ trách khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) cho biết, viên uống chống nắng không có tác dụng thần kỳ như được quảng cáo, các chị em cần hết sức lưu ý.
Thành phần của các viên uống chống nắng thường bao gồm lycopene, beta-carotene, vitamin E, vitamin C. Đây là các chất có tác dụng chống lại tác dụng có hại của tia UV nhưng không nhiều, chỉ tương đương kem bôi chống nắng với SPF 15.
Một số viên uống chống nắng khác có thể có glutathione, vitamin C có tác dụng làm trắng da nên một số người bán hàng lợi dụng công dụng này để đánh vào tâm lý của các chị em phụ nữ muốn chống nắng và làm trắng da.
Cũng theo BS Thảo, việc quảng cáo viên uống chống nắng với công dụng bảo vệ da hoàn hảo từ bên trong là không thực sự chính xác. Viên uống chống nắng có vai trò hỗ trợ bảo vệ làn da khỏi tác hại của tia UV, tuy nhiên chúng hoàn toàn không thể thay thế được kem bôi chống nắng.
Bên cạnh đó, việc quảng cáo trị nám của viên uống chống nắng là hoàn toàn không đúng.
"Việc điều trị nám da khá khó khăn, bởi khả năng tái phát rất cao, không có hiệu quả lâu dài. Chính vì vậy, việc điều trị nám phải được thực hiện thường xuyên, liên tục và duy trì lâu dài", BS Thảo cho biết.
Để điều trị nám, chị em cần phải đến thăm khám để biết được mức độ lâm sàng của da, từ đó các bác sĩ có thể đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
Để có thể bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời một cách hiệu quả nhất, cũng như điều trị các bệnh về da do ánh nắng mặt trời, người bệnh nên đến các cơ sở y tế có chuyên khoa da liễu để được khám, chẩn đoán và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
Cách bôi kem chống nắng đúng
Kem chống nắng trên thị trường có 2 loại là kem chống nắng vật lý và kem chống nắng hóa học, ngoài ra còn có loại phối hợp cả hai.
Với kem chống nắng vật lý, nếu bôi trước khi ra nắng bạn có thể ra nắng được ngay vì nó là hàng rào bảo vệ da. Với kem chống nắng hóa học thì cần bôi trước khi ra nắng 20-30 phút thì mới có tác dụng.
Bên cạnh đó, chị em cần lưu ý bôi đủ lượng kem chống nắng. Để bôi đủ da vùng mặt, lượng kem chống nắng cần dùng có thể tương đương 1/2, 1/3 thìa cafe, toàn thân cần 1 cốc vodka kem chống nắng thì mới đủ đảm bảo chỉ số chống nắng phù hợp.
Với mật độ tia UV cao thì mọi người nên dùng loại SPF 30 trở lên. Với loại cao SPF 80 thì các nghiên cứu cho thấy tác dụng của nó so với SPF 30 và 50 không có sự chênh lệch nhiều.
Bên cạnh việc chọn chỉ số SPF để đánh giá khả năng bảo vệ của kem chống nắng với tia UVB, người dân nên chọn kem chống nắng có chỉ số PA là chỉ số đánh giá khả năng bảo vệ của kem chống nắng với tia UVA. Tia UVA sẽ có ảnh hưởng đến tình trạng lão hóa da.
Chỉ số PA khuyến cáo nên lựa chọn ++. Chỉ số PA càng cao thì càng tăng nguy cơ kích ứng da.
Các chuyên gia khuyến cáo nên bôi nhắc lại sau 2-3 giờ. 1 chỉ số SPF tương đương với 15 phút, tuy nhiên đó là ở điều kiện tiêu chuẩn. Khi sinh hoạt hằng ngày mồ hôi, gió, bụi… sẽ làm kem chống nắng trôi đi.
Chẳng hạn với SPF là 30 thời gian bảo vệ sẽ tương đương với 15x30= 450 phút, khoảng hơn 7 tiếng nhưng thực tế nó chỉ có hiệu quả khoảng 3 tiếng.