Cách chọn kem chống nắng an toàn và hiệu quả
(Dân trí) - Điều đầu tiên: Trước khi tìm kiếm một loại kem chống nắng lành mạnh, cần biết rằng dù có dùng bất cứ thứ gì đi nữa, nó cũng không giúp bạn bất khả chiến bại trước ánh nắng mặt trời. Do đó, bảo vệ chống lại ánh nắng mặt trời không nên bắt đầu với kem chống nắng.
Có nhiều cách để giảm mức độ tiếp xúc với các tia cực tím có hại và bạn nên tận dụng các phương pháp khác nhau để làm việc đó. “Trước tiên, nên thử mọi thứ khác”, TS. Robert Dellavalle, giảng viên da liễu và y tế công cộng tại Đại học Colorado giải thích. “Và mọi thứ khác là gì? Đó là tìm bóng râm, tránh ánh nắng giữa trưa, thực hiện các hoạt động vào sáng sớm hoặc chiều muộn”. Mặc quần áo chống nắng, kiểu áo dài tay nhẹ, che phủ nhưng vẫn mát mẻ, cũng như đeo kính râm.
Cũng cần lưu ý, có những loại kem chống nắng dựa trên khoáng chất - như những loại được làm bằng oxit kẽm hoặc oxit titan - và kem chống nắng hóa học. “Hóa chất có thể ảnh hưởng đến môi trường, ảnh hưởng đến làn da - chúng có thể gây phát ban”, theo TS. Dellavalle. Vì vậy, chỉ khi bạn dự định ngoài trời và không thể mặc quần áo hoặc sử dụng những cách khác này để bảo vệ da, thì bạn nên sử dụng kem chống nắng. Vì vậy, nếu bạn đang đi bơi hoặc phải để da trần ngoài trời, bạn sẽ muốn được chọn loại kem chống nắng để sử dụng - và biết chúng khác nhau như thế nào.
Đặc biệt với những người có làn da nhạy cảm, kem chống nắng khoáng chất hay còn gọi là kem chống nắng vật lý là một lựa chọn tốt. Nhưng với kem chống nắng hóa học, công thức thường tinh tế hơn và dễ bôi hơn. Vì vậy, nếu bạn có da nhạy cảm hoặc bị dị ứng, thì nên chọn kem chống nắng vật lý. Còn nếu bạn không thích chất cặn trắng bám trên da, thì kem chống nắng hóa học sẽ tốt hơn.
Dù chọn loại nào, để bảo vệ cơ quan lớn nhất của cơ thể và giúp ngăn ngừa ung thư da và các tổn thương khác đối với da, thì chìa khóa là chọn một loại kem chống nắng giúp bạn che phủ an toàn và hiệu quả. Điều quan trọng nhất là tìm loại kem chống nắng có chức năng bảo vệ phổ rộng, có nghĩa là nó sẽ bảo vệ chống lại tất cả các tia UVA và UVB.
Đồng thời, hãy chú ý đến chỉ số SPF, hay chỉ số chống nắng; các chuyên gia thường khuyên nên chọn kem chống nắng có SPF từ 30 trở lên.
Nếu bạn sẽ đi bơi hoặc các hoạt động khác và đổ mồ hôi, hãy tìm loại kem chống nắng có nhãn ghi “chống nước”. Thực ra không có thứ gì gọi là “chống nước”, và FDA đã cấm dùng thuật ngữ này và thuật ngữ “không trôi” từ năm 2011 do bị hiểu sai; và bạn vẫn sẽ bị trôi kem chống nắng theo thời gian. Nếu bạn phải vận động, đổ mồ hôi hoặc bơi, thì một lượng kem chống nắng sẽ bị trôi. Nhưng do có công thức khác, nên kem chống nắng chống nước sẽ bám trên da tốt hơn.
Dù bôi loại kem gì, cũng hãy bôi lại sau mỗi hai giờ nếu bạn đi ra ngoài trời để tối ưu hóa khả năng chống nắng.
Cẩm Tú
Theo USA Today