1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Viện K ứng dụng hiệu quả kỹ thuật xạ trị mới nhất

(Dân trí) - Bệnh viện K, bệnh viện đầu ngành về điều trị ung thư của Việt Nam vừa đưa vào sử dụng kỹ thuật xạ mới Điều biến liều, giúp giảm ảnh hưởng của bức xạ cho tế bào lành, mang lại hiệu quả và độ an toàn hơn trong điều trị.

Giảm thiểu ảnh hưởng bức xạ cho tế bào lành

Theo GS.TS Nguyễn Bá Đức, Giám đốc bệnh viện K cho biết, ngoài phẫu thuật, hoá chất, xạ trị vốn là một biện pháp quan trọng, mang đến nhiều kết quả khả quan trong điều trị nhiều loại ung thư.

Tuy nhiên, các dòng máy xạ trị từ trước đến nay, kể cả máy gia tốc hiện đại, phải dùng nhiều chùm tia xạ chiếu vào các vùng khối u không tính toán được liều lượng bức xạ, nên các tế bào lành cũng nhận bức xạ và ít nhiều bị ảnh hưởng.

Hơn nữa, các máy xạ trị phát ra trường chiếu thông thường có góc vuông, hình vuông, hình chữ nhật. Trong khi đó, khối u không có hình cố định, không phải hình vuông, càng không là hình chữ nhật, vì thế, muốn điều trị khối u tự nhiên, trước khi xạ trị, sẽ mất nhiều thời gian và không chính xác khi phải chế tác thủ công những dụng cụ để che chắn, giúp cho những tế bào lành ít bị ảnh hưởng của bức xạ.

Còn với kỹ thuật xạ trị Điều biến liều, nguy cơ ảnh hưởng bức xạ tới tế bào lành được giảm xuống tối đa. “Kỹ thuật xạ trị Điều biến liều lượng, có nghĩa là có thể thay đổi, điều chỉnh, biến đổi liều lượng theo bất cứ giá trị nào để phù hợp với hình thái tự nhiên của khối u.

Tất cả các bước từ quy trình định dạng khối u, kích thước, vị trí, liều phóng xạ cần dùng được lập trình chính xác trên máy tính. Do đó, các tế bào bệnh được điều trị tối ưu nhất, tế bào lành liên quan ít bị ảnh hưởng nhất. Đặc biệt, máy có hệ thống định vị tốt, sai số ít nên an toàn hơn cho người bệnh”, Th.S Nguyễn Xuân Kử, Trưởng khoa Vật lý Xạ trị, BV K nói.

Đặc biệt, với kỹ thuật này, sai số rất ít. Theo khuyến cáo, với bất cứ kỹ thuật xạ trị nào, sai số chỉ được là 5%. Với kỹ thuật này, các bác sĩ BV K đạt kết quả khả quan, sai số dưới 2%, thậm chí có kết quả gần như xấp xỉ giữa tính toán trên máy tính và đo đạc.

Được biết, ngày 8/7, Bệnh viện K đã dùng kỹ thuật xạ trị Điều biến liều điều trị cho bệnh nhân đầu tiên là chị Nguyễn Thị P, 42 tuổi, ở Thanh Hóa bị ung thư vòm họng. Theo GS Đức, hiện kỹ thuật này đã có thể đưa vào thực hiện thường quy, tuy nhiên, cần chọn lọc đối tượng để tránh lãnh phí cho người bệnh vì chi phí rất cao.

Sẽ triển khai song song với những kỹ thuật hiện hành

Theo ThS. Kử, kỹ thuật xạ trị mới này có thể ứng dụng điều trị mọi khối u khác nhau. Tuy nhiên, trước mắt, bệnh viện sẽ không tiến hành xạ trị đại trà bằng kỹ thuật mới này, vì công suất máy sẽ không thể đáp ứng được theo nhu cầu.

Trên thực tế, tại Viện K, sử dụng các kỹ thuật xạ trị khác nhau trên hai hệ thống máy cho bệnh nhân ung thư đã luôn trong tình trạng quá tải. Trung bình, một máy phải “gánh” từ 120 - 130 bệnh nhân/ngày. Trong khi ở các nước trên thế giới, mỗi máy chỉ thường sử dụng xạ trị cho khoảng, 30 - 40 bệnh nhân/ngày.

Vì thế, với kỹ thuật mới này, nếu phát huy hết công dụng, mỗi ngày vẫn có thể điều trị đạt con số như những kỹ thuật khác, thậm chí hơn. Tuy nhiên, dù kỹ thuật mới nhưng bác sĩ cũng chỉ có từng ấy người, nên xạ trị điều biến sẽ được thực hiện song song cùng kỹ thuật hiện hành.

Vì thế, để mang lại giá trị cao nhất cho bệnh nhân khi điều trị ung thư bằng phương pháp xạ trị, các bác sĩ sẽ rất chú ý đến chỉ định xạ trị bằng kỹ thuật mới. Theo ThS. Kử, kỹ thuật mới chỉ ứng dụng trên những loại bệnh cần thiết, chứ không phải tất cả các bệnh nhân cần xạ trị đều dùng phương pháp này. Không chỉ vì công suất sẽ không đáp ứng được nhu cầu, mà bác sĩ còn tính toán về yếu tố kinh tế cho người bệnh. Với những khối u thường, xạ trị bằng các kỹ thuật hiện hành (giá cho một đợt xạ trị từ 25 - 30 triệu đồng) cũng đáp ứng rất tốt.

Còn với kỹ thuật xạ trị điều biến liều lượng, trước mắt, chỉ chọn lọc điều trị cho những bệnh nhân có khối u gần, liền kề các tổ chức nguy cấp như khối u vùng đầu cổ (u não, u mắt…), u vú, vùng ngực, tuyến tiền liệt… là những loại bệnh rất đặc thù cần kỹ thuật mới này. Chi phí cho một liều xạ trị bằng kỹ thuật mới, nếu không có hỗ trợ của bảo hiểm, có thể cao gấp 3 đến 5 lần so với kỹ thuật khác, cho một đợt xạ từ 4 - 6 lần (75 - 100 triệu cho 1 đợt xạ trị). với các kỹ thuật xạ trị khác. Vì thế, với những khối u khác, các bác sĩ đều chỉ định kỹ thuật hiện hành vì nó cũng đáp ứng rất tốt.

Theo đánh giá, đây là kỹ thuật hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á, vì thế, khả năng điều trị căn bệnh ung thư của Việt Nam không thua kém gì các nước trong khu vực. GS Đức khẳng định: “Trình độ chuyên môn, phương tiện, trang thiết bị, máy móc, khả năng cung ứng thuốc men của Việt Nam không thua kém gì các nước trong khu vực. Cái yếu điểm của mình, là bệnh nhân đông, cơ sở khám chữa bệnh thiếu, ít các bệnh viện chuyên khoa, ít phương tiện nên dẫn đến quá tải…Vì thế, nếu được tăng cường thêm số lượng máy, cải thiện thêm về trang thiết bị, cơ sở vật chất, chúng ta sẽ không thua kém các nước bạn về danh tiếng cũng như thực chất của việc điều trị hiệu quả bệnh ung thư.

Hồng Hải