Viêm ruột thừa liên quan với ung thư tuyến tiền liệt như thế nào?

(Dân trí) - Nam giới trẻ bị viêm ruột thừa trước tuổi 20 có nguy cơ bị ung thư tuyến tiền liệt về sau này cao gấp 9 lần.

Nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Orebro ở Thụy Điển, là một trong những nghiên cứu đầu tiên nêu bật nguy cơ ung thư tiềm tàng ở nam giới bị viêm ruột thừa.

Nam thanh niên bị viêm ruột thừa dễ bị ung thư tuyến tiền liệt gấp 9 lần
Nam thanh niên bị viêm ruột thừa dễ bị ung thư tuyến tiền liệt gấp 9 lần

Các nhà nghiên cứu đã làm gì?

Viêm ruột thừa là do nhiễm trùng nhiều lần gây đau bụng và buồn nôn, hoặc nhiễm trùng cấp tính, trong đó cơn đau bùng phát trong vòng vài giờ.

Bệnh thường do nhiễm trùng lan từ nơi khác đến, chẳng hạn như dạ dày.

Cơ quan này là một túi nhỏ, dài khoảng 5 – 10cm, nằm ở phía bên phải của bụng.

Từ lâu ruột thừa được cho không đóng vai trò hữu ích nào trong cơ thể.

Nhưng trong những năm gần đây, đã có bằng chứng cho thấy cơ quan này có thể giúp chống nhiễm trùng và giữ cho hệ miễn dịch khỏe mạnh.

Nhóm nghiên cứu Thụy Điển đã nghiên cứu hơn 240.000 người 18 tuổi đăng ký nghĩa vụ quân sự trong vài chục năm qua.

Hồ sơ cũng lưu giữ thông tin về số người bị viêm ruột thừa - hoặc đã cắt ruột thừa - trước khi nhập ngũ.

Sau đó những người tình nguyện được theo dõi trong gần 40 năm để xem có bao nhiêu người phát triển ung thư tuyến tiền liệt sau này.

Các kết quả được công bố trên tạp chí Cancer Epidemiology, Biomarkers and Prevention, cho thấy xấp xỉ 1.700 người đã phát triển khối u khi có tuổi.

Những người bị viêm ruột thừa khi còn trẻ dễ có chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt hơn 70%.

Nhưng khi xem xét số người có chẩn đoán ung thư giai đoạn muộn đã di căn đến các bộ phận khác của cơ thể, họ thấy những người từng bị viêm ruột thừa có nguy cơ cao gấp 4 lần.

Và trong số những người chết vì ung thư, nguy cơ cao gấp gần 9 lần.

Ảnh

Viêm ruột thừa làm tăng nguy cơ chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt

Môi trường thích hợp cho bệnh ung thư

Các nhà khoa học chưa biết chắc lý do tại sao ruột thừa bị viêm có thể liên quan đến ung thư nhiều năm sau đó.

Nhưng một giả thuyết cho rằng bị viêm ruột thừa khi còn nhỏ dẫn tới tình trạng viêm ở mức độ thấp thấp trong cơ thể nhiều năm sau đó, tạo ra môi trường thích hợp cho các tế bào ung thư phát triển.

Ví dụ, nghiên cứu trước đây đã thấy rằng phụ nữ dễ có thai hơn nếu được cắt ruột thừa.

Lý do được cho là ruột thừa âm ỉ dẫn đến tình trạng viêm liên tục ở mức độ thấp khiến cho phôi khó làm tổ trong tử cung hơn.

Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh: “Những kết quả này gợi ý chẩn đoán viêm ruột thừa trước khi tín hiệu trưởng thành bên dưới các đặc điểm miễn dịch - như một dạng phản ứng viêm - có liên quan đến nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt.

“Đây là một lĩnh vực nghiên cứu khác có liên quan đến sự phát triển khối u”.

Ung thư tuyến tiền liệt là gì?

​Lần đầu tiên ung thư tuyến tiền liệt đã trở thành căn bệnh chết người lớn hơn ung thư vú.

Mỗi năm có hơn 11.800 nam giới ở Anh - hoặc cứ 45 phút một người – bị chết bởi căn bệnh này, so với khoảng 11.400 phụ nữ tử vong do ung thư vú.

Điều này có nghĩa là ung thư tuyến tiền liệt chỉ đứng sau ung thư phổi và ruột về số người chết ở Anh. Tại Mỹ, bệnh này giết chết 26.000 người mỗi năm.

Mặc dù vậy, bệnh nhận được chưa bằng một nửa số kinh phí dánh cho ung thư vú - trong khi phương pháp điều trị cho căn bệnh đang tụt hậu ít nhất là một thập kỷ.

Bệnh phát triển như thế nào?

Ung thư tuyến tiền liệt thường phát triển chậm, vì vậy người bệnh có thể không có dấu hiệu gì trong nhiều năm.

Nếu ung thư ở giai đoạn sớm và không gây ra triệu chứng, thì có thể áp dụng chính sách “chờ đợi thận trọng” hoặc “giám sát tích cực”.

Một số bệnh nhân có thể được chữa khỏi nếu bệnh được điều trị trong giai đoạn sớm.

Nhưng nếu bệnh được chẩn đoán ở giai đoạn sau, khi đã di căn, thì nó sẽ tiến triển sang giai đoạn cuối và điều trị xoay quanh việc làm giảm các triệu chứng.

Hàng ngàn nam giới đã trì hoãn việc đi khám vì các tác dụng phụ được biết đến của điều trị, bao gồm cả rối loạn cương dương.

Xét nghiệm và điều trị

Các xét nghiệm ung thư tuyến tiền liệt không hoàn toàn đáng tin cậy, với các công cụ chính xác chỉ mới bắt đầu xuất hiện.

Không có các chương trình sàng lọc tuyến tiền liệt quốc gia vì các xét nghiệm quá không chính xác.

Các bác sĩ rất khó khăn trong việc phân biệt giữa các khối u hung hãn và ít nghiêm trọng, khiến việc quyết định điều trị trở nên khó khăn.

Nam giới trên 50 tuổi đủ điều kiện xét nghiệm máu PSA, giúp bác sĩ có ý tưởng sơ bộ về việc liệu bệnh nhân có nguy cơ hay không.

Nhưng xét nghiệm này không đáng tin cậy. Những bệnh nhân có kết quả dương tính thường được sinh thiết mà cũng không dễ dàng.

Các nhà khoa học không chắc chắn về nguyên nhân gây ung thư tuyến tiền liệt, nhưng tuổi tác, béo phì và thiếu tập thể dục là những nguy cơ đã biết.

Cẩm Tú

Theo DM