Vì sao ung thư tuyến tiền liệt thường phát hiện ở giai đoạn muộn?

Hà An

(Dân trí) - Theo thống kê có đến 80-90% bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt ở nước ta khi đến bệnh viện thì đã ở giai đoạn muộn.

THS.BS Bùi Xuân Nội, Phó trưởng khoa Ngoại Tiết niệu, Bệnh viện K cho biết khi bệnh nhân mắc một bệnh, việc đến bệnh viện điều trị phụ thuộc vào 2 vấn đề. Thứ nhất là đặc điểm của bệnh, thứ 2 là về người bệnh.

Với bệnh ung thư tuyến tiền liệt, thứ nhất đây là một bệnh ung thư tiến triển chậm, triệu chứng không rõ ràng, bệnh nhân thường đến bởi những triệu chứng đôi khi không phải triệu chứng ở đường niệu. Có thể, người bệnh bị đau xương đi khám cơ xương khớp thì phát hiện ra có tổn thương tuyến tiền liệt, thậm chí có trường hợp tự sờ thấy hạch vùng cổ.

Vì sao ung thư tuyến tiền liệt thường phát hiện ở giai đoạn muộn? - 1

Tại nước ta, ung thư tuyến tiền liệt thường được chẩn đoán ở giai đoạn muộn (Ảnh minh họa: H.K).

Những trường hợp này sau đó mới tìm ra nguồn gốc là do ung thư tuyến tiền liệt. Đặc tính của bệnh là tiến triển chậm, tiềm tàng.

Thứ 2, người bệnh nghĩ đây là bệnh khó nói nên cũng giấu, đôi khi đến các trung tâm khám hoặc tự mua thuốc điều trị. Sau khi dùng thuốc dù không phải là thuốc đặc trị ung thư mà thuốc về đường tiết niệu nhưng đôi khi cũng có thể cải thiện các triệu chứng của bệnh. Vì thế, bệnh nhân chủ quan, đến khi đến viện thì đã muộn.

"Vì thế, bệnh nhân thường đến viện ở giai đoạn muộn. Điều này cũng khác so với nước ngoài, 80-90% bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt phát hiện ở giai đoạn sớm. Ở Việt Nam thì ngược lại, tỷ lệ phát hiện ở giai đoạn sớm chỉ là 10-20%", BS Nội nói.

Một số dấu hiệu có thể của ung thư tuyến tiền liệt:

- Khó đi tiểu.

- Nóng rát, đau hoặc khó chịu khi đi tiểu.

- Thường xuyên đi tiểu đêm.

- Có máu trong nước tiểu.

- Có máu trong tinh dịch.

- Mất kiểm soát bàng quang.

- Rối loạn cương dương (ED).

- Đau khi xuất tinh.