Vì sao nên đầu tư vào hạnh phúc?
(Dân trí) - Dành cho những người quan niệm rằng hạnh phúc giống như một món đồ xa xỉ “có thì tốt” hoặc một sự đền đáp sau cả cuộc đời hy sinh tất cả chỉ để đạt được mục tiêu.
Shawn Achor, tổng biên tập Goodthing và tác giả cuốn “Lợi thế của hạnh phúc,” đang trên con đường thực hiện sứ mệnh thay đổi trí óc, con tim và cuộc sống nói: “Hạnh phúc, không đơn thuần chỉ là cảm giác hài lòng, mà còn là niềm vui khi chúng ta khám phá tiềm năng trong con người mình”.
Nghiên cứu của ông chỉ ra rằng, bằng việc chọn lựa những thói quen đơn giản đem lại hạnh phúc mà không lấy mất thời gian nhiều hơn việc đánh răng của bạn, có khả năng kích hoạt cảm xúc, khiến bạn cảm thấy hạnh phúc hơn, từ đó khỏe khoắn hơn, năng suất và sáng tạo hơn trong công việc, cũng như gần gũi hơn với những người bạn yêu thương ở nhà.
Dưới đây là cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu Shawn Achor về vấn đề tưởng như vô cùng quen thuộc này:
Chúng ta chưa bao giờ nói về hạnh phúc. Giờ đây, tất cả dường như lại xoay quanh những cơn thịnh nộ. Điều gì đang diễn ra vậy?
Achor: Tôi cho rằng chúng ta đang trải qua một cuộc tiến hóa “kép”. Cuộc tiến hóa về công nghệ cao cho phép chúng ta tiếp nhận thông tin nơi đầu ngón tay bất cứ khi nào ta cần. Ẩn sâu đó thậm chí là một cuộc cách mạng còn mạnh mẽ hơn. Nhờ công nghệ đó mà chúng ta có thể thấu hiểu bộ não con người hơn bất cứ lúc nào. Chúng ta không chỉ là sản phẩm của gen di truyền và môi trường.
Bằng cách thay đổi tư duy và thói quen, con người thực sự có thể đem lại những thay đổi thần kỳ cho cuộc sống, cải thiện trí thông minh, năng suất và chất lượng cuộc sống cũng như giáo dục và kinh tế trên tất cả mọi phương diện.
Có một thứ tuyệt vời trên Google được gọi là N-gram. Và bởi vì tất cả đã được số hóa, bạn có thể tra cứu về việc sử dụng ngôn ngữ từ cách đây 150 năm. Và bạn sẽ nhận ra rằng, có một sự gia tăng đột biến trong việc sử dụng khái niệm “hạnh phúc” trong vòng 10 năm trở lại đây.
Nhưng nếu nhìn tổng thể lịch sử 150 năm, chúng ta lại là một đốm sáng nhỏ đang nằm cuối cùng trên một sự suy giảm dài…trong gần như suốt thế kỷ 20. Đó là kết quả tất yếu của việc xã hội trở nên công nghiệp hóa. Chúng ta càng chú trọng đến quản lý thời gian và năng suất lao động bao nhiêu, chúng ta càng mất đi tính cá nhân bấy nhiêu, tương ứng với sự mất mát đó là sự suy giảm về hạnh phúc.
Vì vậy, tôi cho rằng thế giới đang trở nên nghèo nàn hơn khi chúng ta tập trung quá nhiều vào năng suất mà bỏ qua hạnh phúc và tác động của những tổn hại cá nhân.
Câu hỏi: Những gì ông đang mô tả vĩ đại hơn cá nhân chúng ta rất nhiều – công nghiệp hóa, giờ là toàn cầu hóa - liệu hạnh phúc thực sự có nằm ngoài tầm với mỗi người?
Achor: Điều đáng để hy vọng là hạnh phúc thực sự nằm ở lựa chọn mỗi người, dù đang ở giữa hoàn cảnh khắc nghiệt nhất đi chăng nữa. Đó không phải thứ ông chủ có thể trao cho chúng ta, mặc dù họ có khả năng giới hạn và ảnh hưởng đến những lựa chọn đó.
Chúng tôi nhận thấy rằng hạnh phúc là một tạo hóa của xã hội. Nếu bạn nỗ lực theo đuổi nó trong một môi trường trống rỗng, sẽ rất khó để duy trì hạnh phúc. Nhưng một khi bạn tập trung vào những kết nối giữa con người với con người trong môi trường làm việc, hoặc tăng mức độ sâu sắc các mối quan hệ bên ngoài, hạnh phúc song hành với những mối liên kết xã hội đó.
Mối đe dọa lớn nhất đối với hạnh phúc là sự phân mảnh xã hội, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của công nghiệp hóa và toàn cầu hóa. Chúng tôi không tìm thấy nhiều khác biệt trong mức độ hạnh phúc dựa trên cấu trúc kinh tế của xã hội. Thay vào đó, chúng dựa trên mức độ kết nối của xã hội.
Tôi đã làm việc với những người nông dân bị mất đất đai ở Zimbabwe. Tôi cũng đã làm việc ở Venezuela, nơi những người dân luôn bị đe dọa bởi nạn bắt cóc và thế giới bên ngoài thì thật bất ổn. Nhưng họ lại có những mối liên kết xã hội mạnh mẽ với gia đình và bạn bè. Kết quả là, họ có khả năng duy trì hạnh phúc và thái độ lạc quan hơn bất kì nhân viên ngân hàng, cố vấn tài chính và người bán hàng nào mà tôi từng gặp, những người theo đuổi công việc tách biệt với gia đình, và như một hệ quả tất yếu, họ cảm thấy bản thân đã bỏ lỡ niềm hạnh phúc đến từ chính những mối liên hệ họ đã cắt đứt.
Câu hỏi: Nhưng có rất nhiều người cho rằng hạnh phúc không phải thứ gì đó bạn có thể nắm bắt được ở hiện tại, mà phải là thành quả sau đó, khi bạn đã đạt tới thành công. Ông lý giải các trường hợp này ra sao?
Achor: Hạnh phúc là một ưu thế đáng kinh ngạc trong cuộc đời chúng ta. Khi bộ não con người ở trạng thái tích cực, trí thông minh tăng vọt, và chúng ta sẽ tự động dừng chuyển hướng nguồn lực tới những tác nhân gây lo lắng.
Sức sáng tạo của chúng ta tăng gấp 3 lần bình thường. Năng lượng sản xuất tăng 31%, cùng với đó là khả năng thăng tiến lên tới 40%. Con số tương tự đối với doanh số bán hàng. Số liệu lấy từ những nghiên cứu trên khắp các lĩnh vực như Bảo hiểm, Tiêu dùng nhanh.
Hầu hết mọi người tiếp tục chờ đợi hạnh phúc, hoặc đẩy chúng ra xa cho tới khi họ đạt được thành công mà không biết rằng điều đó đồng nghĩa với việc giới hạn cả hạnh phúc lẫn thành công. Đó không phải công thức chúng ta đang tìm kiếm.
Thay vì vậy, đầu tư vào hạnh phúc đang trở thành một cổ tức triển vọng đáng kinh ngạc. Lợi thế cạnh tranh tuyệt vời nhất trong nền kinh tế hiện đại là những bộ não tích cực và sẵn sàng gắn kết.
Tôi tin rằng điều này là cực kì quan trọng, bởi nó sẽ khiến các công ty cân nhắc đầu tư vào hạnh phúc. Nó cho phép chúng ta lựa chọn hạnh phúc cho con em mình, cho cuộc đời chính mình thay vì tiếp tục đẩy hạnh phúc ra xa và hy vọng một ngày nào đó chúng sẽ đến như một sự tưởng thưởng cho những thành tựu.
* Phần 2: Đầu tư cho hạnh phúc như thế nào?
Thu Trang - Nhân Hà
Theo Washington post