9 cái bẫy “giam giữ” hạnh phúc
(Dân trí) - Nghiên cứu cho thấy thói quen sẽ mang lại hạnh phúc (và bất hạnh) nhiều hơn bất cứ điều gì khác trong cuộc sống. Đừng để những thói quen xấu kéo bạn xuống.
Hầu như mọi việc chúng ta làm trong đời là nhằm đạt được hoặc duy trì "hạnh phúc" - thứ trạng thái khó nắm bắt khi mà chúng ta cảm thấy mãn nguyện, hài lòng, và thậm chí là vui sướng.
Tuy nhiên, hạnh phúc có thể hơi khó định nghĩa. Trong khi đó, bất hạnh lại rất dễ xác định; bạn biết nó khi nhìn thấy nó, và bạn chắc chắn biết khi nào nó chiếm lấy bạn.
Hạnh phúc ít liên quan với hoàn cảnh sống hơn là bạn nghĩ. Một nghiên cứu tại Đại học Illinois cho thấy những người kiếm được nhiều tiền nhất (hơn 10 triệu đô la mỗi năm) chỉ hơi hạnh phúc hơn những nhân viên bình thường làm việc cho họ.
Hoàn cảnh sống ít liên quan với hạnh phúc vì hạnh phúc phần nhiều nằm dưới sự kiểm soát của bạn - nó là sản phẩm của thói quen và cách nhìn nhận về cuộc sống. Các chuyên gia tâm lý của Đại học California nghiên cứu về hạnh phúc đã phát hiện ra rằng di truyền và hoàn cảnh sống chỉ chiếm khoảng 50% hạnh phúc của một người. Phần còn lại là tùy thuộc vào bạn.
Bất hạnh có thể “túm lấy” bạn một cách bất ngờ. Vì vậy, hạnh phúc của bạn phần nhiều được quyết định bởi những thói quen (trong suy nghĩ và hành động) mà bạn có để giám sát chặt chẽ nhằm chắc chắn rằng những thói quen xấu không kéo bạn xuống vực thẳm.
Một số thói quen dẫn đến bất hạnh nhiều hơn những thói quen khác. Bạn sẽ dễ dàng tránh những cái bẫy này một khi nhận thức được về chúng.
1. Kìm nén cảm xúc. Một trong những quan niệm sai lầm lớn liên quan đến trí tuệ cảm xúc (EQ) là đè nén cảm xúc và giữ chúng trong người. Tuy đúng là có cảm giác những người EQ cao không cho phép xung động tuôn trào, song điều này không có nghĩa là không được thể hiện cảm xúc.
Trí tuệ cảm xúc đồng nghĩa với việc tôn trọng cảm xúc và cho phép mình trải nghiệm sự phấn chấn đến từ việc nắm bắt những cảm xúc mà mình có. Chỉ khi đó bạn mới có thể thể hiện chúng theo cách giúp đỡ chứ không phải là cản trở khả năng của bạn để đạt được mục tiêu.
2. Chai lì công nghệ. Ai cũng xứng đáng có cơ hội để xả hơi – thỉnh thoảng xem một chương trình truyền hình hoặc mở Kindle và đắm mình trong một cuốn sách. Câu hỏi thực sự là bạn dành bao nhiêu thời gian cho các thiết bị công nghệ (trò chơi điện tử, TV, máy tính bảng, máy tính, điện thoại, v.v…) và liệu nó làm cho bạn cảm thấy tốt hoặc chỉ đơn giản là làm cho bạn chai lì.
Khi việc xả hơi trở thành một nguồn gây xao lãng, thì đó là dấu hiệu cho thấy bạn đã rơi vào cái bẫy “thái quá thành bất cập”.
3. Dành quá nhiều thời gian và nỗ lực để đạt được "mọi thứ". Những người sống trong hoàn cảnh cùng cực sẽ thấy hạnh phúc hơn đáng kể khi tình trạng tài chính được cải thiện, nhưng điều này giảm nhanh chóng khi thu nhập hằng năm trên 20.000 đô la.
Có nhiều nghiên cứu cho thấy của cải vật chất không làm cho bạn hạnh phúc. Khi tạo ra thói quen chạy theo mọi thứ, bạn dễ trở nên bất hạnh vì, ngoài sự thất vọng gặp phải khi nhận được chúng, bạn phát hiện ra rằng bạn nhận được chúng với cái giả phải trả là những thứ thực sự có thể khiến bạn hạnh phúc, như bạn bè, gia đình, và sở thích.
4. Trông chờ tương lai. Tự nhủ "Mình sẽ hạnh phúc khi..." là một trong những thói quen bất hạnh mà chúng ta dễ rơi vào nhất, bất kể bạn điền gì vào dấu ba chấm ấy (được thăng chức, được tăng lương, hoặc có mối quan hệ mới), bởi vì nó quá nhấn mạnh vào hoàn cảnh, và hoàn cảnh được cải thiện không dẫn đến hạnh phúc.
Đừng phí thời gian chờ đợi thứ đã được chứng minh là không có hiệu quả với tâm trạng của bạn. Thay vào đó, hãy tập trung vào hạnh phúc ngay bây giờ, ngay lúc này, bởi vì không có gì bảo đảm chắc chắn cho tương lai.
5. Chống lại sự thay đổi. Thay đổi là một phần tất yếu của cuộc sống, và mọi người chống lại nó vì họ đang phải vật lộn để duy trì kiểm soát. Vấn đề với cách tiếp cận này là chống lại sự thay đổi thực sự sẽ giới hạn việc kiểm soát tình hình của bạn do đặt ra một rào cản giữa bạn và hành động mà bạn cần thực hiện để cải thiện tình hình.
Lời khuyên ở đây là hãy chuẩn bị cho sự thay đổi. Đây không phải là một trò chơi đoán chữ nơi bạn thử độ chính xác của mình trong việc dự đoán điều gì sẽ xảy ra tiếp theo, mà nó có nghĩa là lường trước mọi hậu quả của những thay đổi có thể xảy ra để không bị bất ngờ nếu chúng xảy ra.
Bước đầu tiên là phải thừa nhận rằng ngay cả những khía cạnh ổn định và đáng tin cậy nhất trong cuộc sống cũng không hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của bạn. Con người thay đổi, công việc có lúc thăng lúc trầm, và mọi thứ chỉ đơn giản là không phải lúc nào cũng như vậy.
Khi bạn cho phép mình lường trước sự thay đổi và hiểu các lựa chọn nếu thay đổi xảy ra, bạn sẽ ngăn được mình không bị sa lầy bởi những cảm xúc mạnh mẽ như sốc, ngạc nhiên, sợ hãi và thất vọng khi những thay đổi thực sự xảy ra.
Tuy bạn vẫn có thể gặp phải những cảm xúc tiêu cực, song việc chấp nhận rằng thay đổi là một phần tất yếu của cuộc sống sẽ cho phép bạn tập trung và suy nghĩ hợp lý, điều rất quan trọng để đưa chúng ta ra khỏi một tình huống khó khăn, không mong muốn hoặc không lường trước được.
6. Bi quan. Không có gì tiếp thêm nhiên liệu cho bất hạnh như sự bi quan. Vấn đề với thái độ bi quan, ngoài khó khăn về tâm trạng, là việc nó sẽ trở thành lời tiên tri tự hoàn thành: nếu bạn trông chờ điều xấu, bạn sẽ dễ có khả năng nhận được điều xấu.
Rất khó thoát khỏi những suy nghĩ bi quan cho đến khi bạn nhận ra sự phi lý của chúng. Hãy bắt buộc mình phải nhìn vào sự thật, và bạn sẽ thấy rằng mọi thứ gần như không tệ đến mức như vậy.
7. Cố gắng theo kịp những người khác. Ghen tuông và ghen tị không tương thích với hạnh phúc, vì vậy nếu bạn đang không ngừng so sánh mình với người khác, thì đã đến lúc dừng lại.
Trong một nghiên cứu, hầu hết các đối tượng nói rằng họ thấy ổn với việc kiếm được ít tiền hơn, nhưng chỉ khi mọi người khác cũng vậy. Hãy cảnh giác với kiểu suy nghĩ này vì nó sẽ không làm cho bạn hạnh phúc và thường sẽ gây tác dụng ngược lại.
8. Không cải thiện. Vì những người không hạnh phúc là những người bi quan và cảm thấy thiếu kiểm soát cuộc sống của mình, họ có xu hướng ngồi lại và chờ đợi cuộc sống đến với họ. Thay vì đặt mục tiêu, học hỏi và cải thiện chính mình, thì họ phó mặc cho nước chảy bèo trôi, và sau đó lại tự hỏi tại sao mọi thứ không bao giờ thay đổi. Đừng để điều này xảy đến với bạn.
9. Ngồi nhà. Khi cảm thấy không hạnh phúc, bạn sẽ muốn tránh mặt những người khác. Đây là một sai lầm rất lớn vì giao tiếp xã hội, ngay cả khi không thích, cũng rất tốt cho tâm trạng của bạn. Chúng ta đều có những ngày chỉ muốn trùm chăn kín đầu và không muốn nói chuyện với bất cứ ai, nhưng cần hiểu rằng nếu thời điểm này trở thành một xu hướng, nó sẽ phá hủy tâm trạng của bạn. Nhận ra khi bất hạnh khiến bạn chống lại xã hội, buộc mình thoát khỏi đó và hòa đồng, và bạn sẽ nhận thấy sự khác biệt ngay lập tức.
Thay đổi thói quen vì hạnh phúc to lớn hơn là một trong những điều tốt nhất mà bạn có thể làm cho chính mình. Nhưng nó cũng quan trọng vì một lý do khác - việc bạn chủ động trong hạnh phúc của chính mình cũng sẽ làm cho mọi người xung quanh bạn hạnh phúc hơn.
Cẩm Tú
Theo Huffingtonpost