Vì sao nên ăn cá, thịt gia cầm, ăn có mức độ thịt đỏ?

Nam Phương

(Dân trí) - Theo khuyến cáo chung, lượng thịt đỏ không nên vượt quá 70gr/ngày (thịt đã chế biến chín), tương đương khoảng 100gr/ngày thịt sống không bao gồm phần xương.

Bộ Y tế vừa đưa ra 10 lời khuyên dinh dưỡng hợp lý đến năm 2030, trong đó, lời khuyên thứ 3 là sử dụng hợp lý các loại thực phẩm giàu đạm; nên ăn cá, thịt gia cầm và các loại hạt trong bữa ăn hằng ngày; ăn có mức độ các loại thịt đỏ.

Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế), ăn quá nhiều thịt đỏ là yếu tố nguy cơ của một số bệnh như mỡ máu cao, tim mạch, ung thư, đặc biệt là ung thư đại trực tràng.

Đây là kết luận của Quỹ phòng chống ung thư quốc tế dựa trên việc tổng hợp và phân tích dữ liệu từ nhiều nghiên cứu về tiêu thụ thịt đỏ và thịt chế biến sẵn trên các nước và các dân tộc khác nhau.

Như vậy, để cân bằng giữa lợi ích của việc ăn thịt đỏ (nguồn cung cấp protein và vi chất dồi dào) với những nguy cơ đối với sức khỏe (các bệnh không lây nhiễm và ung thư) cần có những hướng dẫn cụ thể về lượng tiêu thụ hợp lý.

Vì sao nên ăn cá, thịt gia cầm, ăn có mức độ thịt đỏ? - 1

Người dân nên ăn có mức độ các loại thịt đỏ (Ảnh minh họa: N.P).

Quỹ phòng chống ung thư quốc tế và Viện nghiên cứu ung thư Mỹ đã đưa ra khuyến nghị nên tiêu thụ không quá ba lần thịt đỏ mỗi tuần, tổng lượng thịt đỏ trong một tuần vào khoảng 350-500gr sau chế biến (tương đương tối đa khoảng 700gr thịt sống và không bao gồm trọng lượng của xương).

Nếu tính theo ngày thì lượng thịt đỏ không nên vượt quá 70gr/ngày (thịt đã chế biến chín), tương đương khoảng 100gr/ngày thịt sống không bao gồm phần xương.

Khuyến cáo cũng đưa ra, người dân nên sử dụng thịt nạc, tăng cường sử dụng thịt gia cầm, cá, trứng, sữa - những thực phẩm để thay thế thịt đỏ trong bữa ăn hàng ngày - nhằm đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu về protein và vi khoáng chất. 

Dưới đây là 10 lời khuyên dinh dưỡng hợp lý của Bộ Y tế:

Lời khuyên số 1: Ăn đủ, cân đối và đa dạng các loại thực phẩm hằng ngày; phối hợp hợp lý thực phẩm có nguồn gốc động vật và thực vật.

Lời khuyên số 2: Sử dụng hằng ngày các loại thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng; các loại rau, củ, quả có màu sắc khác nhau. Đọc kỹ thông tin dinh dưỡng trên nhãn thực phẩm trước khi mua và sử dụng.

Lời khuyên số 3: Sử dụng hợp lý các loại thực phẩm giàu đạm; nên ăn cá, thịt gia cầm và các loại hạt trong bữa ăn hằng ngày; ăn có mức độ các loại thịt đỏ.

Lời khuyên số 4: Uống đủ nước hằng ngày.

Lời khuyên số 5: Phụ nữ có thai và bà mẹ cho con bú cần thực hiện chế độ ăn uống hợp lý; bổ sung sắt và acid folic hoặc đa vi chất theo hướng dẫn.

Lời khuyên số 6: Cho trẻ bú mẹ sớm trong vòng một giờ đầu sau khi sinh, nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu; cho trẻ ăn bổ sung hợp lý và tiếp tục cho trẻ bú mẹ đến 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn.

Lời khuyên số 7: Hạn chế sử dụng các loại thức ăn chiên rán, thức ăn nhanh nhiều dầu mỡ, thức ăn nhiều muối, nhiều đường, đồ uống có đường, có cồn.

Lời khuyên số 8: Bảo đảm an toàn trong lựa chọn, chế biến và bảo quản thực phẩm.

Lời khuyên số 9: Tổ chức tốt bữa ăn gia đình. Ăn đủ bữa (sáng, trưa, tối) phù hợp với lứa tuổi, không ăn quá no, không bỏ bữa.

Lời khuyên số 10: Duy trì và kiểm soát cân nặng hợp lý; thực hiện lối sống năng động, tăng cường hoạt động thể lực phù hợp với lứa tuổi và tình trạng sức khỏe.